Những thành
quả mang tính đậm nét, đó là năm 2018, An Giang đón khoảng 8,5 triệu
lượt khách tăng 16% so với cùng kỳ 2017, đạt 113% so với kế hoạch năm
2018; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 29% so
với cùng kỳ, đạt 112% so với kế hoạch năm 2018.
Tỉnh đã tập trung
đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch với tổng mức đầu tư 49.756 triệu đồng cho
03 dự án: Tuyến đường đoạn từ đường tránh quốc lộ 91 đến Chợ Vĩnh Đông;
Nâng cấp, cải tạo đường lên đỉnh Núi Sam; Dự án cơ sở hạ tầng Khu du
lịch Núi Cấm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát
triển nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch có chất lượng cao; các dự án được
đầu tư quy mô lớn, nổi bật như: Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ
- cáp treo Núi Sam; Khu dịch vụ thương mại kết hợp văn hóa Du lịch Núi
Sam; Khu công viên trò chơi Lâm viên Núi Cấm, Khu du lịch sinh thái và
nghỉ dưỡng Trà Sư... Các khu, điểm du lịch đã dần dần được quy hoạch
nâng cao năng lực quản lý, cải thiện chất lượng sản phẩm du lịch, hình
thành thương hiệu gắn liền với nét đặc trưng của từng điểm tham quan, du
lịch như: Khu du lịch quốc gia Núi Sam; Khu du lịch Núi Cấm; Quy hoạch
phát triển du lịch Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư; Quy hoạch phát
triển du lịch ba xã Cù Lao Giêng; Quy hoạch xây dựng khu du lịch Búng
Bình Thiên, tái cấu trúc, đầu tư Khu du lịch Tức Dụp.
Trong
năm, tỉnh đã phối hợp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại
học Quốc gia TP.HCM tổ chức các hoạt động nằm trong chuỗi Hội thảo “Phát
triển Du lịch Việt Nam bền vững từ góc độ đa ngành và đa chiều” lần thứ
9 tại An Giang; phối hợp Tổng cục Du lịch và Văn phòng Điều phối Nông
thôn mới Trung ương tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động du
lịch nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”
Công tác quảng
bá hình ảnh du lịch An Giang đi vào chiều sâu, trong năm đã thực hiện 12
chuyên đề du lịch trên sóng truyền hình An Giang và hướng dẫn 07 đoàn
quay phim của các hãng truyền hình trong và ngoài nước đến ghi hình tại
An Giang. Xây dựng mới và tái bản các tài liệu quảng bá bằng nhiều hình
thức phong phú và đa dạng.
Để du lịch An Giang trở thành ngành
kinh tế mũi nhọn theo nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ
X, trong những năm tới, nhất là trong năm 2019, đòi hỏi toàn thể hệ
thống chính trị phải tăng tốc thực hiện đồng bộ các giải pháp để duy trì
và phát triển du lịch của tỉnh bền vững.
Thứ nhất, Tổ chức đánh
giá lại phương pháp thu thập số liệu từ các hoạt động du lịch trên cơ sở
đó đưa ra định hướng phát triển ngành du lịch hiệu quả hơn. Triển khai
bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch tỉnh An
Giang phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn
có liên quan.
Thứ hai, Tổ chức kiện toàn Hiệp hội Du lịch tỉnh An
Giang thực sự trở thành cầu nối của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý
nhà nước. Cùng với các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan triển
khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình hành động số 59/CTr-UBND về
phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016 – 2020.
Thứ
ba, Tăng cường quản lý nhà nước về an ninh trật tự và thực hiện tốt
việc quản lý môi trường tại các khu, điểm du lịch. Hướng dẫn các địa
phương, cộng đồng và doanh nghiệp triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng
xử văn minh trong du lịch.
Thứ tư, Đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh
các công trình hạ tầng tại các khu du lịch như: Khu du lịch quốc gia Núi
Sam; Khu du lịch Núi Cấm; Khu du lịch Hồ Soài So; Khu di tích Văn hóa
Óc Eo; Thiền viện Trúc Lâm; Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Cồn
Phó Ba…
Thứ năm, Tổ chức triển khai và hướng dẫn các tổ chức, cá
nhân có nhu cầu thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch
tỉnh An Giang. Định kỳ thành lập đoàn công tác đến thăm các doanh
nghiệp, tập đoàn lớn có thế mạnh về đầu tư phát triển du lịch để mời gọi
đầu tư. Tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư về thủ tục hành chính, tháo gỡ
các khó khăn về cơ chế chính sách để đưa các dự án đã được phê duyệt
quyết định chủ trương đầu tư đi vào hoạt động.
Thứ sáu, Đổi mới
công tác xúc tiến quảng bá với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trên
nhiều kênh thông tin, nhất là trên các kênh truyền thông chuyên nghiệp,
hiện đại, có sức hấp dẫn cao. Đổi mới phương thức đào tạo nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển du lịch của
tỉnh, tập trung vào đội ngũ đang hoạt động tại các doanh nghiệp và cộng
đồng dân cư.
Thứ bảy, Kế thừa và chọn lọc các kết quả nghiên cứu
của Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường Đại học An Giang và các công trình
nghiên cứu khác nhằm xây dựng các chương trình du lịch chuyên đề gắn với
thế mạnh riêng có của tỉnh để thu hút du khách; bổ sung và nâng cấp các
dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch; hình thành các dòng quà tặng
đặc sản lưu niệm có tính đặc trưng kích thích sản xuất nông nghiệp và
thủ công mỹ nghệ tại địa phương.
Với mục tiêu phấn đấu thực hiện
năm 2019, An Giang đón khoảng 9,2 triệu lượt khách (tăng 8,24% so với
cùng kỳ năm 2018); doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 5.500 tỷ đồng
(tăng 14,5% so với cùng kỳ). Du lịch An Giang đã từng bước khẳng định
vai trò, vị trí mũi nhọn của mình trong sự phát triển của nền kinh tế
tỉnh An Giang.
Sở VHTT&DL AG