Đại diện TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL kí kết hợp tác phát triển du lịch trong ngày 14/12 (ảnh: Hoàng Tuyết)
Ngày 14/12, tại TP Bạc Liêu, UBND TP Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Bạc
Liêu tổ chức Hội nghị lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành Đồng bằng
Sông Cửu Long (ĐBSCL) về liên kết hợp tác phát triển du lịch lần II năm
2019 nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch liên
vùng.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy
viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Quang Dương,
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu; Nguyễn Thành Phong, Ủy
viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Lê Quang Tùng, Ủy
viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa -
Thể thao và Du lịch cùng đại diện lãnh đạo của 12 tỉnh, thành ĐBSCL.
Tại
Hội nghị, đại diện các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đều cho rằng, mặc dù
có tiềm năng rất phong phú, nhưng nhìn chung du lịch toàn vùng ĐBSCL
phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu các trung tâm và
điểm đến du lịch có tính đặc trưng cao, đẳng cấp chất lượng quốc tế, sản
phẩm du lịch kém đa dạng và gần giống nhau giữa các tỉnh trong vùng.
Chủ
tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho rằng, để triển du lịch
một cách bền vững, các địa phương cần tăng cường đầu tư trong chương
trình liên kết, nhất là khuyến khích các doanh nghiệp lớn trên địa bàn
TP Hồ Chí Minh đầu tư vào du lịch vùng ĐBSCL.
Theo Phó Chủ tịch
UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu, các địa phương cần hợp tác xây dựng
các sản phẩm du lịch đặc thù, không trùng lắp nhau.
Đại diện cho
phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng
Giám đốc Công ty Vietravel cho rằng, các địa phương cần xây dựng một
thương hiệu du lịch chung đồng thời, phải kêu gọi người dân, nhất là các
doanh nghiệp cùng tham gia liên kết, phát triển, tạo nên các sản phẩm
ấn tượng. ĐBSCL cũng có ẩm thực phong phú, ông Kỳ cho rằng, du lịch cần
đẩy mạnh nhiều hoạt động ẩm thực và thể thao để tạo sự kiện, điểm nhấn
thu hút du khách hằng năm.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị (ảnh: Hoàng Tuyết)
Về phía TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong
nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và liên ngành, do đó sự
thiếu đồng bộ và phối hợp trong đầu tư về kết nối giao thông, hạ tầng,
kinh tế, nguồn nhân lực đã tác động trực tiếp đến tốc độ phát triển của
ngành. Việc liên kết phát triển trong du lịch cần được nhận diện là một
trong những đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã
hội của các tỉnh, thành ĐBSCL cũng như TP Hồ Chí Minh.
Cũng đồng
tình với ý kiến của các địa phương, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho
rằng cần hình thành nên một thương hiệu du lịch chung toàn vùng và tạo
ra sự đa dạng trong hành trình của du khách đến khu vực; đặt mục tiêu
tăng chi tiêu bình quân và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Phát
biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho
biết, mỗi địa phương có một lợi thế riêng do đó, cần liên kết sản phẩm
du lịch trong kế hoạch xây dựng chương trình du lịch cụ thể, xây dựng
một thương hiệu chung đồng thời có giải pháp để kéo dài thời gian lưu
trú của du khách. Cần kêu gọi những tập đoàn du lịch lớn tham gia để tạo
sự phát triển mạnh mẽ hơn, có sự gắn kết hơn giữa nhà nước, nhà trường
và doanh nghiệp cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông ở mức phù hợp
để phát triển du lịch địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ
trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng đánh giá cao sự chủ
động, tích cực của TP Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng ĐBSCL đã
khẩn trương cụ thể hóa kết quả Hội nghị lần thứ nhất tại TP Hồ Chí Minh
vừa qua. Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho rằng trên cơ sở thỏa thuận, TP Hồ
Chí Minh và các địa phương cần xây dựng kế hoạch liên kết hợp tác cụ
thể cho 6 nội dung hợp tác đã xác định, từ đó đề ra kế hoạch liên kết
hợp tác hằng năm. Ngoài ra, các địa phương trong vùng cũng cần chú trọng
nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tăng cường quản lý điểm đến, bảo
vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, xây
dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện.
Được biết, 6 nhóm
nội dung công tác trọng tâm trong Kế hoạch hành động năm 2020, bao gồm:
Xác lập cơ chế điều hành của Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du
lịch vùng TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; Thực hiện các hoạt
động để phát triển sản phẩm du lịch của vùng và của từng địa phương; Đẩy
mạnh công tác quảng bá du lịch vùng; Đẩy mạnh xúc tiến du lịch; Phát
triển nguồn nhân lực du lịch vùng; Công tác kêu gọi đầu tư phát triển du
lịch.
Tại hội nghị cũng diễn ra lễ ký kết thỏa thuận liên kết
hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai
đoạn 2020-2025.
Năm 2018, lượng du khách đến ĐBSCL đạt 40 triệu
lượt, tăng 17%; trong đó du khách quốc tế đến ĐBSCL đạt 3,7 triệu lượt,
tăng 20% so với năm 2017 và tổng doanh thu toàn ngành du lịch đạt 24 tỷ
đồng. Riêng 10 tháng của năm 2019, tổng lượng khách cả vùng ĐBSCL đạt 32
triệu lượt, trong đó có 5,5 triệu khách quốc tế.
H.T