(TUAG)- Với nhiều hoạt động hấp dẫn, phong phú, Ngày hội Văn hóa, Thể
thao và Du lịch đồng bào Chăm tỉnh An Giang lần thứ X/2024 là dịp để dịp
quảng bá tiềm năng du lịch, hình ảnh người Chăm An Giang giàu lòng yêu
nước, cần cù sáng tạo. Qua đó, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn
dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân, thúc đẩy phát
triển kinh tế - xã hội.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch
đồng bào Chăm tỉnh An Giang lần X/2024 được tổ chức tại huyện Châu
Thành, với sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên, quần
chúng của 8 xóm Chăm trên địa bàn tỉnh, tham gia các hoạt động: Thi đấu
thể thao, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn trang phục truyền thống,
giới thiệu văn hóa ẩm thực và triển lãm ảnh những thành tựu kinh tế, văn
hóa, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm An Giang…

Phần thi diễn Liên hoan nghệ thuật quần chúng
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm tỉnh An Giang
lần thứ X/2024 là một hoạt động thiết thực nhằm chào mừng chuỗi sự kiện
chào mừng Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
(30/4/1975 - 30/4/2024); Ngày Quốc Tế lao động 1/5 và chiến thắng Điện
Biên Phủ 7/5. Qua đó, góp phần cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải
pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu
phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, tăng cường khối đại đoàn kết
dân tộc; tôn vinh, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống
tốt đẹp của đồng bao dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm. Chị Ha Sa Nách (xã
Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành) cho biết: “Được tham gia các hoạt động
thi đấu thể thao, văn hoá, nghệ thuật tại ngày hội, tôi rất vui và tự
hào. Dù thắng hay thua không quan trọng, quan trọng là chúng tôi có dịp
được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc gìn giữ văn hóa
truyền thống của dân tộc mình. Nếu có điều kiện, tôi sẽ tiếp tục tham
gia các hoạt động của ngày hội ở những lần tiếp theo”.

Trong
3 ngày diễn ra ngày hội, nhiều hoạt động có ý nghĩa về chính trị, văn
hóa, thể thao để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người xem. Qua đó, tạo sức
lan tỏa về các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của các dân tộc
DTTS Chăm tỉnh An Giang. Liên hoan “Văn hóa ẩm thực truyền thống” đồng
bào DTTS Chăm, với sự tham gia của 8 xóm Chăm trong tỉnh. Các đơn vị đã
trổ tài đầu bếp với những món ăn truyền thống, đặc trưng của người đồng
bào DTTS Chăm, với sự bài trí bắt mắt qua đôi bàn tay khéo léo của người
phụ nữ Chăm cùng với những bài thuyết trình ấn tượng về các món ăn
truyền thống. Ngoài các món mặn, người Chăm còn có rất nhiều món bánh
ngọt, như: Gante, ha-pây-chal (bánh tổ chim), bánh “hanaguh” (bánh ngôi
sao), bánh “ha-pây-k’gah” (bánh quay vạt), bánh “ha-pây-nung” (bánh bột
đậu chiên), bánh “năm-pa-răng” (bánh bò nướng), năm-ken (bánh hột gà
nướng)...
Các hoạt động thể thao tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao
và Du lịch đồng bào Chăm tỉnh An Giang lần thứ X/2024 diễn ra sôi nổi,
hấp dẫn ở cả 5 môn thể thao, gồm: Việt dã, bóng đá, bóng chuyền, đẩy gậy
và kéo co, với sự tham dự của gần 350 lượt vận động viên. Sau 3 ngày
tranh tài sôi nổi, hấp dẫn, kết quả, xóm Chăm xã Vĩnh Trường hạng nhất
toàn đoàn, xóm Chăm xã Vĩnh Hanh hạng nhì toàn đoàn, xóm Chăm xã Châu
Phong hạng ba toàn đoàn. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Đào Sĩ Tuấn đánh giá: “Các vận động viên tham gia thi đấu tích cực,
nỗ lực hết mình với tinh thần giao lưu, đoàn kết, trung thực, cao
thượng. Qua đó, cổ vũ phong trào luyện tập và tham gia thi đấu thể dục -
thể thao trong đồng bào DTTS Chăm nói riêng, quần chúng Nhân dân toàn
tỉnh nói chung ngày càng phát triển”.
Liên hoan văn hóa nghệ
thuật có 8 xóm Chăm tham dự, với gần 300 diễn viên trình diễn 42 tiết
mục được đầu tư công phu về trang phục, đạo cụ và lực lượng nghệ nhân,
diễn viên, công sức dàn dựng, luyện tập. Đa số các chương trình, tiết
mục giới thiệu và tôn vinh được sắc màu riêng có của những làn điệu dân
ca, dân vũ Chăm, giới thiệu được nghề dệt nổi tiếng của người Chăm và
không khí yêu đời, rộn rã của palei Chăm trong công cuộc xây dựng cuộc
sống mới.

Thi đấu thể thao
Các chương trình, tiết mục rất hoành tráng, rực rỡ về màu sắc, mang đậm
bản sắc văn hóa dân tộc Chăm An Giang, với nhiều đổi mới, sáng tạo từ
trang phục đến âm nhạc vẫn luôn giữ được nét truyền thống. Các tiết mục
phục dựng lễ hội chân thật, tự nhiên và đúng nghi lễ. Nhiều giọng ca có
chất giọng và có kỹ thuật hát khá tốt, chạm được đến trái tim người
nghe, một số tiết mục tốp ca được đầu tư dàn dựng công phu, minh hoạ tôn
được lời ca. Các tiết mục thời trang khá phong phú, với nhiều loại
trang phục, màu sắc lộng lẫy hoặc trang nhã, tiêu biểu cho đồng bào DTTS
Chăm.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Nguyễn
Khánh Hiệp nhấn mạnh: Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào
Chăm tỉnh An Giang là một hoạt động cộng đồng, kết nối, hội tụ khối đại
đoàn kết các dân tộc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính
quyền các cấp với các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào DTTS Chăm
tỉnh An Giang nói riêng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ
nhân, diễn viên, vận động viên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và
tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, góp phần bảo tồn,
tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, là dịp quảng bá
tiềm năng du lịch, hình ảnh người Chăm An Giang giàu lòng yêu nước, cần
cù sáng tạo, chung vai cùng các dân tộc anh em xây dựng quê hương An
Giang ngày càng giàu đẹp...
TRUNG HIẾU