Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thể thao - Du lịch

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Thể thao - Du lịch
Thứ 4, Ngày 09/08/2023, 10:00
Bảy Núi vào mùa mưa
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
09/08/2023 | Thúy Uyên

(TUAG)- Cái nóng hạn bị xua tan trước những cơn mưa, khí hậu trở nên mát mẻ, đất đai, núi rừng Bảy Núi như thức giấc khoác trên mình một chiếc áo mới xanh mơn mởn, đây cũng là lúc làm ăn sung túc nhất của cư dân nơi đây và là thời điểm thu hút đông đảo khách du lịch đến với Bảy Núi tham quan, trải nghiệm.

Thiên nhiên đã ban tặng cho An Giang cụm nhiều ngọn núi lớn nhỏ mọc lên giữa đồng bằng bao la, bát ngát. Người xưa đã chọn 7 ngọn núi tiêu biểu (huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên ngày nay) để đặt tên cho cụm núi này là Thất Sơn hay còn gọi là Bảy Núi. Tất cả đều có cảnh quan rất đẹp, hang động bí hiểm cùng với những huyền thoại, truyền thuyết về các bậc tu tiên, về các loài thú dữ biết nghe kinh dưỡng tánh bảo vệ con người, những sự tích, câu chuyện kể dân gian ly kỳ hấp dẫn, những dấu ấn kỳ vĩ, thiêng liêng của người xưa từ thời khẩn hoang mở cõi.


Bảy Núi mùa mưa

Đặc biệt vào mùa mưa, khí hậu Bảy Núi trở nên mát mẻ, dễ chịu hơn, các con suối, hồ bắt đầu tích nước, nguồn nước trở nên thoải mái, kích thích cây trái, rau màu vùng núi tươi tốt. Khác với đồng bằng màu mỡ, nông dân xứ núi coi mùa mưa là thời vụ gieo trồng chính trong năm, ai cũng ra sức tận dụng đất đai để tăng gia sản xuất, biến từ chỗ bất lợi thành lợi thế. Chị Neang Rây (xã An Cư, thị xã Tịnh Biên) cho biết: “Ở đây trồng đậu xanh, đậu phộng và khoai mì nhiều vì những loại cây này chịu đất pha cát, ít cần nước hơn so với mấy loại cây khác, dễ chăm sóc và mau thu hoạch. Mùa mưa ai cũng tranh thủ trồng trọt để kiếm thêm thu nhập”.


Thêm vào đó, người dân ở Bảy Núi ai ai cũng biết cách ứng phó với khí hậu khắc nghiệt, cải tạo vùng đất khô cằn sau mùa nắng hạn trở nên tươi tốt với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, phát huy việc trồng trọt dưới tán rừng và trồng xen vườn cây ăn trái. Dạo một vòng các con đường mòn quanh Bảy Núi, có thể dễ dàng trông thấy những thửa ruộng mênh mông xanh rờn, những miếng rẫy rau màu tươi tốt. Xa xa nhìn lên trên các triền núi là những khoảng vườn xoài, mãng cầu ta, chuối... xen lẫn với rừng cây xanh ngút ngàn. Ông Nguyễn Thanh Hùng (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn) cho biết: “Mưa đầu mùa đã tưới mát, kích thích vườn mãng cầu ta trồng xen xoài của nhà tôi vườn trên triền núi Dài ra hoa, đậu trái. Trồng cây ăn trái trên đất núi, vấn đề nước tưới vô cùng quan trọng, mùa mưa thì tận dụng nước mưa, còn đến những tháng hạn thì phải chặt nhánh cây tạp ủ vào gốc để giữ ẩm cho cây”. Đang loay hoay cân ký cho bạn hàng đậu rồng và chuối vừa bẻ từ đám rẫy sau nhà, Chị Huỳnh Liễu Trang (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn) cho biết: “Trồng trọt ở vùng Bảy Núi vào mùa mưa cư dân miền núi cũng phải khéo chọn những loài cây phù hợp với từng độ cao để giảm bớt công vận chuyển và chi phí. Ngoài những loài cây ăn trái bản địa, các loại cây rau màu “lấy ngắn nuôi dài” trồng ở vùng đất núi cũng rất phong phú và đa dạng chủng loại. Vườn nhà tôi ngoài trồng bơ và xoài còn trồng xen thêm đậu rồng, mướp, chuối vì đây là loại dễ trồng và mau thu hoạch trong mùa mưa”.

Mùa mưa cũng là thời điểm Bảy Núi rộ thu hoạch măng tre. Ngoài măng tre mạnh tông người dân còn thu hoạch các loại đặc sản bản địa khác như: Măng le, măng tre rừng, măng tre gai, măng tầm vông, măng lục trúc, măng lồ ô… Các cư dân Bảy Núi cho biết, tre mọc khỏe rất dễ trồng nên mọi người thường trồng tre dọc theo các ranh đất, sườn đồi để trồng tre vừa bảo vệ đất khi mưa lớn vừa để lấy măng kiếm thêm thu nhập. Hộ trồng ít nhất cũng vài chục, nhiều thì vài trăm bụi tre. Mỗi bụi tre trên 5 năm tuổi bình quân cho từ 50 - 80kg măng/năm. Tùy giá của thị trường, trồng tre lấy măng cũng có thu nhập khá vào mùa mưa.

Mùa mưa, dọc theo các con đường ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên rất dễ thấy các sạp, kệ nhỏ bên vệ đường bày bán bơ sáp, bơ muỗng, bơ tròn, mãng cầu ta, bơ, dâu… vừa được thu hoạch từ các nhà vườn xứ núi. Đây là những loại trái cây bản địa được bày bán theo mùa. Hễ mùa trái nào thì người dân sẽ đem ra trước nhà bày bán như một đặc sản quê nhà, đặc biệt mùa mưa, chủng loại phong phú hơn. Có lẽ do phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu đất núi nên phát triển rất tốt, năng suất và phẩm chất trái cây đạt chất lượng cao, hương vị đậm đà khác biệt so với vùng đồng bằng nên được người tiêu dùng ưa thích. Mặc khác, lợi thế của bà con nhà vườn ở Bảy Núi trồng cây trái trên đất núi là canh tác theo hướng thuận tự nhiên, hạn chế sử dụng các loại phân bón, thuốc hóa học, mùa nào thức đó nên đảm bảo đúng chuẩn hương vị nên du khách rất thích và ưu tiên lựa chọn.


Người dân Bảy Núi canh tác vào mùa mưa

Thời điểm này, không khí ở Bảy Núi mát mẻ, dễ chịu, cây cối cũng nhiều hơn xanh tươi hơn nên du khách khi đến với Bảy Núi sẽ chụp hình “check-in” được rất nhiều cảnh đẹp. Đặc biệt, mùa mưa ở Bảy Núi có nhiều con suối rất đẹp, nhìn như những con rồng đang uốn lượn qua từng vách đá rồi trườn mình phun nước xuống những tảng đá chồng lên nhau dưới chân thác làm tung bọt trắng xóa mát lạnh. Ngoài ra, mùa mưa còn mang lại đủ các loại rau rừng và món ăn đặc sản nổi tiếng ở vùng Bảy Núi, như: cua núi, ốc núi, ếch nướng… Em Nguyễn Thị Bích Hạnh du khách ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Em rất thích về Bảy Núi vào mùa mưa, vì thời điểm này thời tiết Bảy Núi mát mẻ, đồi núi xanh rờn, các hồ nước và suối thì có nhiều nước chụp ảnh rất đẹp. Hơn nữa, mùa mưa em còn được thưởng thức nhiều loại trái cây và đặc sản ngon chỉ có ở Bảy Núi”.

Với những điều kiện thuận lợi mà mùa mưa mang lại, hy vọng cư dân Bảy Núi sẽ có thêm được vụ mùa bội thu, làm ăn sung túc và các du khách đến với Bảy Núi sẽ có những khám phá, trải nghiệm thú vị không thể nào quên về vùng đất, văn hóa, cảnh đẹp, khí hậu và người dân nơi đây./.
THÚY UYÊN
Lượt người xem:  Views:   162
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật(click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by