(TUAG)- Chiều ngày 12/5, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An
Giang tổ chức buổi làm việc tại UBND thị trấn Đa Phước, huyện An Phú về
việc đánh giá hiện trạng, thực hiện dự án “Làng bè sắc màu ngã ba sông
Châu Đốc”.

Thành
phần tham dự gồm có lãnh đạo Ủy ban nhân dân thị trấn Đa Phước, trưởng
khóm, ấp thuộc khu vực triển khai dự án làng bè và đại diện các hộ dân
tiêu biểu thuộc khu vực triển khai dự án.

Ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang phát biểu tại buổi làm việc
Tại đây, các chuyên gia tư vấn cùng các đại biểu đã khảo sát thực tế,
đánh giá hiện trạng số lượng làng bè để triển khai thực hiện dự án Làng
bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc. Đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng
của các hộ dân để có cái nhìn khách quan khi phát triển dự án.
Theo
kế hoạch, dự án “Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc” với số lượng
khoảng 165 nhà bè, mỗi nhà bè sẽ sơn một màu sắc sáng tạo riêng, tạo sản
phẩm đặc thù phục vụ khách du lịch.

Một góc nhỏ của làng bè Châu Đốc
Làng bè Châu Đốc nằm trải dài từ ngã ba sông Châu Đốc kéo dài lên phía
đầu nguồn châu thổ sông Hậu và sông Châu Đốc của huyện An Phú. Làng bè
Châu Đốc là nơi nuôi trồng cá nước ngọt nổi tiếng của tỉnh An Giang nói
riêng và miền Tây nói chung. Đây là địa điểm du lịch độc đáo phát triển
trong một vài năm trở lại đây.
Điểm đặc biệt của làng bè Châu Đốc
là những căn nhà nổi cùng các bè cá nép gần nhau, tạo thành “làng” dọc
sông, kéo dài khoảng 4 km. Khi dự án được hoàn thành sẽ tạo nên một cảnh
quan đặc sắc, duy nhất của Đồng bằng sông Cửu Long, do địa thế từ trên
cao nhìn xuống sẽ là những mảng màu đan xen kết nối, tạo nên quang cảnh
rực rỡ sắc màu, là điểm nhấn độc đáo khu vực ngã ba sông nhìn từ nhiều
hướng. Mặt khác, khi được đầu tư đèn màu về đêm sẽ tạo nên một làng bè
lung linh soi mình trong nước. Đây sẽ là địa điểm lý tưởng để du khách
thưởng lãm và chụp ảnh check-in lưu niệm.
Dự án “Làng bè sắc màu
ngã ba sông Châu Đốc” sẽ góp phần phát huy vẻ đẹp và nét độc đáo của
làng bè nổi Châu Đốc, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc Chăm về
việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là tập trung
khôi phục làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan, thêu, móc... để tạo
ra sản phẩm mang bản sắc đặc trưng của người Chăm Đa Phước, đáp ứng yêu
cầu phục vụ du khách khi đến tham quan. Đồng thời, nâng chất và phát huy
giá trị trong chuỗi tham quan du lịch khi du khách đến Châu Đốc. Bao
gồm các điểm tham quan như: Miếu Bà Chúa xứ núi Sam, chợ Châu Đốc, làng
bè, làng Chăm Đa Phước, làng Chăm Châu Phong, Búng Bình Thiên…
Nguyễn Hảo