(TUAG)- Sau 02 năm vắng bóng bởi tình hình dịch bệnh COVID-19, sáng nay
24/9/2022, Hội Đua bò Bảy Núi tại An Giang đã chính thức trở lại với 56
đôi bò tham gia tranh tài kịch tính tại sân đua bò huyện Tịnh Biên (gần
chùa Thơ Mít, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang).
Các đại biểu tham dự ngày Hội
Dàn nhạc ngũ âm truyền thống của đồng bào dân tộc
56 đôi bò diễu hành trước khi thi đấu tại ngày Hội
Trao cờ lưu niệm cho các chủ bò
Tặng hoa cho nhà tài trợ
Các
đôi bò tranh tài năm nay đến từ các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại
Sơn, Châu Phú, Châu Thành, tỉnh An Giang và huyện Giang Thành, tỉnh Kiên
Giang.

Những màn đua tóe nước làm khán giả phấn khích hò hét

Nhiều du khách nước ngoài hào hứng đón xem các trận đấu
Theo ghi nhận, có hàng nghìn khán giả, du khách, nhiếp ảnh gia từ khắp
vùng miền đã đến vui chơi, cổ vũ và săn ảnh trong ngày Hội. Đến với Hội
Đua bò Bảy Núi, khán giả được mãn nhãn với những phút so kè kịch tính
giữa 02 đôi bò. Các “tài xế” bò phải tập trung cao độ, vừa giữ cho đôi
bò không đạp lên bừa của nhau trước khi đến vạch vòng thả về đích, “lái”
cặp bò không cho leo lề, vừa phải bán sát đối thủ để kịp trở tay khi
đối thủ qua mặt hoặc tăng tốc về đích trước (luật đua qui định các đôi
bò đều chạy một vòng hô (chạy chậm), sau đó chuyển sang vòng thả (chạy
nhanh) trên đoạn đường quyết định khoảng 100 mét. Đôi nào vượt lên về
đích trước sẽ thắng cuộc với điều kiện không chạy ra khỏi đường đua.
Trường hợp vào vòng thả, cách điểm xuất phát khoảng 30 mét trở lên nếu
đôi sau đạp lên cây bừa của đôi trước thì được công nhận thắng cuộc
không cần phải đến đích).
Khán giả tận dụng lá tràm tránh nắng để ngồi xem hết trận đấu
Khán giả tận dụng những chỗ cao để xem mãn nhãn trận đấu
Dưới trời nắng gắt, khán giả vẫn nhiệt tình ngồi xem, hò hét, cỗ vũ
không bỏ sót trận nào, nhiều người tận dụng nhánh tràm để che bớt cái oi
bức giữa trời nắng. Một số khán giả muốn quan sát rõ trận đấu hơn đã
leo lên các tán cây để xem mãn nhãn các màn đua kịch tính.

Đến vòng thả, các đôi bò bức tốc về đích
Hội Đua bò Bảy Núi khởi tranh trở lại như một dấu ấn đậm nét của
hoạt động văn hóa - thể thao của tỉnh An Giang. Đây là hoạt động lễ hội
độc đáo có một không hai của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi An
Giang gồm 02 huyện Tịnh Biên, Tri Tôn nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.
Sự kiện tổ chức vào đúng dịp lễ Sene Dolta (lễ cúng ông, bà của dân tộc
Khmer Nam bộ) mang đậm dấu ấn truyền thống văn hóa dân gian của cư dân
làm nông nghiệp lúa nước. Qua đó, góp phần phát triển mạnh mẽ phong trào
văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng, nhất là các môn thể
thao bản sắc dân tộc, phát huy bản sắc văn hoá theo định hướng xây dựng
nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nguyễn Hảo