(TUAG)- Từ ngày 06 - 08/5/2025, tại Học viện Phật giáo Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh), Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 với chủ đề: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững”.

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc tổ chức tại TPHCM.
Ngày 15/12/1999, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 54 quyết định Vesak hay Lễ Tam hợp kỷ niệm ngày đản sinh, thành đạo và Niết bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là lễ hội văn hóa tôn giáo vì hòa bình. Từ năm 2000 đến nay, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc đã được tổ chức 19 kỳ tại Trụ sở Liên hợp quốc và các nước trên thế giới. Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công 3 kỳ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc vào các năm: Năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội; năm 2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình; năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam.
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 có khoảng 2.700 đại biểu khách mời, trong đó có 1.200 đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lễ Phật đản, hay còn được biết đến là Vesak, là sự kiện trọng đại, thiêng liêng được tổ chức hằng năm của Tăng Ni, Phật tử trên toàn thế giới. Đại lễ Vesak kỷ niệm 3 sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là: Đức Phật đản sinh, Thành đạo và nhập Niết bàn.
Đại lễ Vesak năm nay diễn ra trong không khí tràn đầy hân hoan kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước: 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); 80 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025). Đây là sự kiện đối ngoại văn hóa quốc tế vô cùng ý nghĩa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của Việt Nam năm 2025.
Các hoạt động tại Đại lễ và Hội thảo khoa học quốc tế tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) dự kiến có sự tham gia của 2.000 đại biểu chính thức. Trong đó, có 1.000 đại biểu khách mời quốc tế là một số nguyên thủ các quốc gia, lãnh đạo các cơ quan của Liên hiệp quốc; lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, học giả và các nhà nghiên cứu. Khách mời trong nước có 1.000 đại biểu tăng, ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, bộ, ngành Trung ương và TP.HCM, một số tỉnh thành, cùng hàng ngàn Phật tử và người dân Việt Nam.
Đây là lần thứ 4 Việt Nam đăng cai tổ chức Lễ Vesak, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc đã vượt trên một lễ hội văn hóa tôn giáo thông thường nhằm phát huy tinh hoa của đạo Phật và trao truyền thông điệp lâu đời của đức Phật Thích ca về hòa bình, hòa hợp, khoan dung và nhân ái mà đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Đó cũng là nền tảng cho việc thiết lập mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia, các dân tộc, tôn giáo và là chất liệu góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, chân lý hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững vì lợi ích tốt đẹp của nhân loại.
Trước và trong dịp Đại lễ, Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành, các chùa tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi và tặng quà cho những tăng, ni, Phật tử có uy tín, có công lao với Đạo pháp hoặc những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật…. Thông qua các hoạt động này là dịp để mỗi người con Phật nhận diện về vai trò của mình đối với trách nhiệm xây dựng xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, theo đúng phương châm của đạo Phật “sống tốt đời, đẹp đạo”.
Đồng thời, đây cũng là thời khắc để mỗi người phật tử thể hiện lòng biết ơn và tôn kính đối với đức Phật. Hơn nữa, thông qua việc tham gia vào các nghi lễ cúng dường, ngày lễ này còn mang thông điệp về việc sống lành mạnh và chia sẻ sự bình yên, hạnh phúc đến mọi người. Lễ Phật đản cũng là minh chứng cho sự vĩnh cửu của hình ảnh đức Phật trong tâm thức của người Phật tử, một hình ảnh không bao giờ nhạt phai dù thời gian có trôi qua.
Đại lễ Vesak 2025 thêm một lần nữa khẳng định Nhà nước Việt Nam quan tâm và tôn trọng những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, hướng con người tới Chân-Thiện-Mỹ, phù hợp với văn hóa, đạo đức và lối sống hướng thiện của con người Việt Nam; là cầu nối hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới; đặc biệt quan trọng hơn là khẳng định được vị thế, trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên Hiệp quốc, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần tăng cường vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới.
Đại lễ cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và đầu tư kinh tế vào Việt Nam. Đồng thời cũng là dịp để Việt Nam trở thành điểm đến của du khách quốc tế từ hình ảnh đẹp mà Việt Nam tạo được qua Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025.
NGUYỄN VĂN LÊN
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy