

Khách viếng tập trung trước quảng trường San Pietro để viếng Giáo hoàng Francis. Ảnh: Thanh Hải/PV TTXVN tại Italy
Sáng 23/4, thi hài của Giáo hoàng Francis quàn trong quan tài đã được
qua Quảng trường Thánh Peter để vào Vương cung thánh đường. Hộ tống
đoàn rước là các vệ binh Thụy Sĩ của Vatican, trong trang phục truyền
thống màu đỏ, xanh và vàng, cùng các hồng y mặc trang phục màu đỏ và
trắng và một đám đông lớn đứng phía sau.Thi hài của Giáo hoàng Francis
được đặt tại Vương cung thánh đường Thánh Peter. Thời gian viếng sẽ kéo
dài đến tối 25/4.
Chỉ vài ngày trước, Giáo hoàng Francis cũng đi qua Quảng trường Thánh
Peter trên xe giáo hoàng, trước khi xuất hiện trên ban công trung tâm
của Vương cung thánh đường để ban phước lành cho đám đông tụ tập trong
thánh lễ Chủ nhật Phục sinh.
Giáo hoàng Francis, người đứng đầu của 1,4 tỷ người Công giáo trên
thế giới, đã yêu cầu các nghi thức lễ tang đơn giản. Dù vậy, trên thực
tế, đám rước đã diễn ra rất trang trọng. Những người chờ đợi vào viếng
Giáo hoàng đã xếp hàng dài dọc theo con đường dẫn đến Vatican dù trời
nắng nóng.
Sau khoảng 4 giờ xếp hàng để được bước qua cánh cửa đồng lớn và vào
bên trong vương cung thánh đường, những người hành hương lặng lẽ chậm
bước về phía bàn thờ để bày tỏ lòng thành kính với Giáo hoàng Francis.

Khách viếng tập trung trước quảng trường San Pietro để viếng Giáo hoàng Francis. Ảnh: Thanh Hải/PV TTXVN tại Italy
Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Laura nhấn mạnh rằng Giáo hoàng
Francis là một người đặc biệt, không chỉ đối với người Công giáo mà còn
với tất cả mọi người. Bà nói "Giáo hoàng Francis là một người khiêm
nhường. Hôm nay, mặc dù không hẹn trước song chúng tôi có mặt tại đây
đều chung một mong muốn là gửi lời chào tạm biệt tới Giáo hoàng. Tại
quảng trường này, chúng ta thực sự có thể cảm nhận được cảm xúc tiếc
nuối về sự ra đi của Giáo hoàng”.
Về phần mình, anh Ricardo bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc đối với Giáo
hoàng Francis. Theo anh, dù một người không theo đạo Thiên Chúa, vẫn có
thể cảm nhận được sự tinh tế và phẩm chất đáng quý nơi vị Giáo hoàng.
Anh mô tả Giáo hoàng như một tấm gương về hòa bình, tình yêu thương,
lòng khiêm nhường và tinh thần đoàn kết.
Trong khi đó, du khách Aleksandra đến từ Đức, bày tỏ niềm xúc động
khi có mặt tại Quảng trường Thánh Peter trong khoảnh khắc đặc biệt này
để tiễn biệt Đức Giáo hoàng, để bày tỏ lòng tôn kính dành cho Giáo hoàng
Francis.
Lễ tang của Giáo hoàng Francis sẽ diễn ra tại Quảng trường Thánh
Peter vào sáng 26/4. Tham dự lễ tang có nhiều nhà lãnh đạo thế giới và
hoàng gia, trong đó có Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Thủ tướng Anh
Keir Starmer, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Hoàng tử Anh William. Sau
đó, Giáo hoàng Francis sẽ được chôn cất tại Vương cung thánh đường Thánh
Santa Maria Maggiore ở khu phố Esquilino của Rome, phá vỡ truyền thống
lâu đời của Vatican.
Khi các nghi thức lễ tang đang diễn ra, tối 23/4, 103 hồng y đã họp
và nhất trí để tang Giáo hoàng Francis 9 ngày kể từ ngày tang lễ. Do vậy
mật nghị hồng y - quá trình bầu cử bí mật để chọn ra một giáo hoàng mới
- dự kiến sẽ không bắt đầu trước ngày 5/5 tới.
Theo TTXVN