(TUAG)- Xung đột tại khu vực Trung Đông leo thang ngày càng rộng và khốc liệt. Đặc biệt là những xung đột, căng thẳng giữa Israel với Iran và lực lượng Hezbollah tại Li-băng. Quy mô và cường độ tấn công đáp trả giữa Israel và lực lượng Hamas, Hezbollah ở Li-băng và Yemen gia tăng. Những nỗ lực ngoại giao nhằm giảm căng thẳng tới nay vẫn bế tắc.

Căng thẳng giữa Israel và Hezbollah đã leo thang lên mức độ nguy hiểm thời gian qua khi Israel tiến hành không kích khiến thủ lĩnh Hezbollah thiệt mạng đồng thời đưa binh sỹ vào miền Nam Liban. Sự kiện trên tiếp nối chuỗi các đợt tấn công của Israel nhằm vào Dải Gaza, Bờ Tây và Li-băng. Không chỉ tại Dải Gaza, Israel cũng tiếp tục tiến hành các cuộc không kích dữ dội vào Syria. Theo công bố của chính phủ Li-băng vào ngày 02/10, đã có hơn 1.000 người thiệt mạng và hơn 3.000 người bị thương. Theo giới chức Libăng, xung đột đã khiến khoảng 1,2 triệu người ở nước này phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Hơn 400.000 người đã tìm nơi ẩn náu tại quốc gia láng giềng Syria. Đây là chiến dịch tấn công lớn nhất mà Israel thực hiện nhằm vào khu vực miền Nam Li-băng kể từ năm 2006.
Trước những hành động trên của Israel, Iran cho rằng đây là những hành động diệt chủng; khẳng định sẽ đoàn kết và hỗ trợ Li-băng, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả các hành động của Israel. Chính quyền Li-băng kêu gọi cộng đồng quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, cần có những động thái can thiệp mạnh mẽ hơn để giảm leo thang, giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay. Đồng thời, đề nghị các bên thực hiện nghiêm Nghị quyết 1701 năm 2006 về kêu gọi ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah và một số lực lượng dân quan Palestine tại đây, chỉ có quân đội của chính phủ Li-băng và lực lượng lâm thời Liên hợp quốc tại Li-băng (UNIFIL) được duy trì hiện diện quan sự tại miền Nam Li-băng.
Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, quốc tế kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tránh leo thang căng thẳng, khẩn trương đạt được lệnh ngừng bắn. Trong tuyên bố tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) ngày 08/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, Li-băng đang “trên bờ vực của cuộc chiến tranh toàn diện”. Nga và Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình, khẳng định ủng hộ lập trường của Li-băng và lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường. Đài phát thanh Israel Kan đưa tin, Mỹ đang nỗ lực đạt được thỏa thuận với Israel để nước này không tấn công các mục tiêu của Iran nhằm tránh nguy cơ leo thang không kiểm soát được giữa hai quốc gia duy nhất có năng lực hạt nhân tại khu vực…
Theo các chuyên gia, những diễn biến tình hình khu vực Trung Đông đã khiến an ninh khu vực tiếp tục đối mặt với nguy cơ lan rộng; làm bùng phát làn sóng di cư, gây khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Đồng thời, làm gia tăng bất ổn về an ninh, an toàn, tác động đến thương mại, vận tải, logistics, giá dầu tại khu vực và toàn cầu.

Iliya Kusa, chuyên gia về chính trị quốc tế và Trung Đông tại Viện nghiên cứu Tương lai Ukraine, nhận định "bất kỳ sự bất ổn nào ở Trung Đông cũng sẽ có tác động tiêu cực đến tình hình an ninh chung, bao gồm cả an ninh của Liên minh châu Âu (EU)". Chuyên gia Kusa đã chỉ ra một số điểm đáng chú ý trong vấn đề này.
Thứ nhất, một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn, đặc biệt là nếu nó kéo dài, có thể dẫn đến giá dầu tăng tạm thời, điều này sẽ có lợi cho Nga.
Thứ hai, một cuộc chiến tranh lớn sẽ chuyển hướng các nguồn lực, năng lượng và sự chú ý của các nước EU và NATO khỏi Ukraine vì họ sẽ buộc phải sử dụng một số nguồn lực để giảm thiểu rủi ro có thể phát sinh, bao gồm cả những rủi ro liên quan đến làn sóng người tị nạn mới tiềm tàng từ Trung Đông.
Thứ ba, xét về quan điểm an ninh quốc tế và chính trị quốc tế, Nga dường như không có rủi ro nghiêm trọng nào vì, mặc dù vị thế của họ ở Syria dễ bị tổn thương, một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn ở Trung Đông sẽ có lợi cho họ. Nga có thể sẽ được hưởng lợi từ sự hỗn loạn và bất ổn, khiến các nước EU và NATO mất tập trung khỏi Ukraine. Sau đó, Nga sẽ có thể tăng cường nỗ lực thúc đẩy các đối tác phương Tây gây sức ép với Ukraine để đàm phán.
"Theo quan điểm về lợi ích chiến lược của Ukraine, sẽ tốt hơn nếu không có chiến tranh ở Trung Đông và sự leo thang giữa Israel và Iran kết thúc bằng một cuộc không kích, như trường hợp hồi tháng 4, và sau đó là đóng băng xung đột", chuyên gia Kusa cho biết.
Theo Omar Oscar Ashour, giáo sư nghiên cứu quân sự tại Đại học Exeter và Viện nghiên cứu Doha, "Israel và Nga có những thỏa thuận và bất đồng riêng, chủ yếu là các thỏa thuận liên quan đến Syria, cộng đồng người Nga tại Israel và di cư từ Nga sang Israel". Ông chỉ ra rằng nỗ lực của Israel nhằm phá vỡ sự hợp tác Iran - Nga có thể ảnh hưởng đến Ukraine.
"Mối quan hệ giữa Nga và Iran tại Syria một phần là liên minh, một phần là cạnh tranh... Nga không chặn các cuộc không kích của Israel vào Syria vì hiểu rằng Israel chỉ tấn công các mục tiêu của Iran, không phải của Nga. Tôi chắc chắn rằng Nga muốn nhận lại điều gì đó từ Israel, chứ không phải để giúp Ukraine. Thỏa thuận đó sẽ bị thử thách nếu có một cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông", giáo sư Ashour nhận định.
Giáo sư Ashour cho rằng, Iran tất nhiên sẽ gây sức ép để Nga giúp đỡ, trong khi Israel cũng sẽ gây sức ép, cố gắng tạo điều kiện để Nga tránh xa vấn đề này.
Vitaly Portnikov, một nhà báo và nhà bình luận chính trị người Ukraine, dự đoán sự ủng hộ của các đồng minh dành cho Ukraine chắc chắn không phụ thuộc vào những gì đang diễn ra ở Trung Đông.
"Một cuộc chiến như vậy có thể chuyển hướng sự chú ý của giới truyền thông, nhưng cần nhớ rằng cuộc chiến Nga - Ukraine đã diễn ra trong hơn 2 năm rưỡi và mọi người đã quen với thông tin về nó, bất kể có xung đột mới nào xuất hiện hay không. Một cuộc chiến lớn hơn ở Trung Đông cũng sẽ không ảnh hưởng đến viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine vì được viện trợ từ một ngân sách khác.
Chuyên gia Portnikov chỉ ra rằng, tác động của một cuộc chiến tranh quy mô lớn tiềm tàng ở Trung Đông đối với Ukraine sẽ phụ thuộc vào quy mô tham gia của các bên trong cuộc xung đột và các đồng minh của họ.
"Quân đội Mỹ khó có thể chiến đấu ở Iran. Mỹ nhiều khả năng nhất cũng chỉ đồng ý với Israel về các cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc các cuộc tấn công khác chống lại Iran. Nga chắc chắn sẽ không tham gia vào việc bảo vệ Iran chống lại các cuộc tấn công này bằng tên lửa của riêng mình và sẽ không can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột này", chuyên gia Portnikov nhận định.
P.V (tổng hợp)