 |
Thế giới phải đối mặt nhiều thách thức về xoá nghèo. (Ảnh minh hoạ: UN)
|
Với Nghị quyết 47/196 thông qua vào ngày
22/12/1992, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức tuyên bố ngày 17/10
hàng năm là Ngày Quốc tế xóa nghèo và kêu gọi tất cả các quốc gia cùng
kỷ niệm ngày này, tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng nước mà tiến hành các
hoạt động cụ thể nhằm loại bỏ nghèo đói và khổ đau. Ý tưởng về ngày này
được lấy cảm hứng từ sự kiện ngày 17/10/1987, khi khoảng 100.000 người
tập trung tại quảng trường Trocadéro, Paris (Pháp) để tưởng nhớ các nạn
nhân của đói nghèo, bạo lực và đói khát.
Kể từ đó, ngày 17/10 hàng năm đã trở
thành ngày để các nước trên thế giới tôn vinh những nỗ lực trong việc
xóa đói giảm nghèo, nâng cao nhận thức về vấn đề này và kêu gọi hành
động từ chính phủ, tổ chức quốc tế, và cộng đồng nhằm đạt được mục tiêu
xóa bỏ nghèo đói toàn cầu. Năm nay, chủ đề Ngày Quốc tế xóa nghèo là
"Chấm dứt ngược đãi xã hội và thể chế, hành động cùng nhau vì xã hội
công bằng, hòa bình và hòa nhập".
Thời gian qua, mặc dù đã đạt được nhiều
tiến bộ, song công cuộc xoá nghèo của thế giới vẫn đang phải đối mặt với
nhiều thách thức.
Một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế
giới (WB) cho biết 26 quốc gia nghèo nhất trên thế giới, nơi sinh sống
của 40% dân số có hoàn cảnh khó khăn nhất, đang mắc nợ nhiều hơn bao giờ
hết kể từ năm 2006. Các nước này nằm ở khu vực cận Sahara châu Phi, từ
Ethiopia đến Chad và Congo. Afghanistan và Yemen cũng nằm trong nhóm các
quốc gia nghèo nhất.
Báo cáo chỉ ra nền kinh tế của 26 quốc
gia này thậm chí còn gặp phải nhiều khó khăn hơn so với thời điểm ngay
trước đại dịch COVID-19, dù phần lớn thế giới đã phục hồi và quay lại
quỹ đạo tăng trưởng. Báo cáo cho biết thêm, 2/3 trong số 26 quốc gia
nghèo nhất đang phải trải qua xung đột vũ trang hoặc gặp khó khăn với
việc duy trì trật tự xã hội, ngăn cản nhiều cơ hội đầu tư nước ngoài.
Ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí
hậu cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng nghèo đói
vẫn là thách thức lớn tại nhiều quốc gia.
Ngày 15/10, Chương trình Lương thực Thế
giới (WFP) cho biết nhiều tháng hạn hán ở miền Nam châu Phi do ảnh hưởng
của hiện tượng El Niño đã gây ra tác động tàn phá đối với hơn 27 triệu
người và nguy cơ trở thành nạn đói tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ ở khu
vực này. Cụ thể, 5 quốc gia miền Nam châu Phi gồm Lesotho, Malawi,
Namibia, Zambia và Zimbabwe - đã tuyên bố thảm họa quốc gia do hạn hán
và nạn đói gây ra. Ngoài 5 quốc gia tuyên bố thảm họa nói trên đã xin
viện trợ quốc tế, Angola và Mozambique cũng đang "bị ảnh hưởng nghiêm
trọng". WFP ước tính rằng khoảng 21 triệu trẻ em ở miền Nam châu Phi
hiện đang bị suy dinh dưỡng vì mất mùa.
Các nhà khoa học cho biết châu Phi cận
Sahara là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới
trước biến đổi khí hậu do phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp dựa vào nước
mưa và tài nguyên thiên nhiên. Sinh kế của nhiều triệu người dân châu
Phi phụ thuộc vào khí hậu, trong khi các nước nghèo không có khả năng
tài trợ cho các biện pháp chống chịu với khí hậu.

Trong khi đó, “Khảo sát thế giới về vai
trò của phụ nữ trong phát triển năm 2024” của Cơ quan Liên hợp quốc về
bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã chỉ ra rằng khoảng
cách giới tính ngày càng gia tăng trong bảo vệ xã hội khiến phụ nữ và
trẻ em gái dễ rơi vào cảnh nghèo đói hơn.
UN Women cũng đề cập tới thực tại khắc
nghiệt về bản chất giới của đói nghèo. Phụ nữ và trẻ em gái chiếm tỷ lệ
lớn trong số người nghèo ở mọi giai đoạn của cuộc đời, với khoảng cách
lớn nhất là trong những năm sinh nở. Phụ nữ trong độ tuổi 25-34 có khả
năng sống trong các hộ gia đình cực kỳ nghèo cao hơn 25% so với nam giới
trong cùng nhóm tuổi. Xung đột và biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm
sự bất bình đẳng này./.