(TUAG)- Việc một số nước châu Âu gồm Tây Ban
Nha, Na Uy và Ireland thông báo chính thức công nhận nhà nước Palestine
sẽ phần nào thúc đẩy những nỗ lực của Palestine để gia nhập Liên hợp
quốc.
Theo các nhà lãnh đạo Ireland, Na Uy và
Tây Ban Nha, việc công nhận nhà nước Palestine sẽ tạo “động lực” giúp
khởi động một tiến trình đàm phán mới cho cuộc xung đột Israel -
Palestine dai dẳng trong nhiều thập kỷ. Điều này phù hợp với Sáng kiến
hòa bình Trung Đông do các nước Arab đề xuất.
 |
Các nghị sĩ đứng dậy vỗ tay sau khi Thủ tướng Pedro
Sanchez có bài phát biểu thông báo Tây Ban Nha sẽ công nhận Nhà nước
Palestine. (Ảnh: Getty Images)
|
Ngày 22/5, Tổng thống Palestine đã lên
tiếng hoan nghênh sự công nhận này. Trong một tuyên bố được đăng tải
trên hãng thông tấn chính thức WAFA, các nhà lãnh đạo Palestine cho biết
họ đánh giá cao sự đóng góp của Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha trong
việc thúc đẩy quyền tự quyết của người dân Palestine trên vùng đất của
mình, cũng như thực hiện các bước đi thực tế để hỗ trợ việc thực hiện
giải pháp hai nhà nước.
Tuy nhiên, trái với sự đón nhận của
Palestine, Ngoại trưởng Israel Israel Katz, ngày 22/5 cho biết ông đã
chỉ thị triệu hồi ngay lập tức các Đại sứ Israel tại Ireland và Na Uy để
tham vấn về quyết định của các nước này về việc công nhận Nhà nước
Palestine.
Việc Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland công
nhận Nhà nước Palestine đã gây ra những phản ứng trái chiều ở châu Âu.
Hiện Malta, Slovenia và Slovakia bày tỏ sự ủng hộ động thái này, thậm
chí Slovenia đã khởi động các bước hướng tới công nhận Nhà nước
Palestine. Trong khi đó, một số nước châu Âu khác gồm CH Séc, Hà Lan và
Litva lại bày tỏ thái độ thận trọng trước việc công nhận Nhà nước
Palestine.
PV