(TUAG)- Những
tháng đầu năm 2024, kinh tế thế giới chịu sự tác động tiêu cực của
nhiều yếu tố như: Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn;
xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài, xung đột địa chính trị tại
Biển Đỏ, dải Gaza leo thang, tiếp tục làm gia tăng rủi ro đối với an
toàn hàng hải, thương mại quốc tế, chuỗi cung ứng hàng hóa, dầu thô,
lương thực toàn cầu… nhưng vẫn tiếp tục xu hướng khởi sắc.

Chỉ
số PMI tổng hợp toàn cầu tháng 2/2024 đạt 52,1 điểm, ghi nhận mức cao
nhất kể từ tháng 6/2023. Đáng lưu ý, tăng trưởng được ghi nhận ở cả khu
vực sản xuất và khu vực dịch vụ. Sản lượng đang tăng ở Mỹ và các nền
kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, trong khi vẫn tiếp tục
xu thế suy giảm ở Nhật Bản và châu Âu.
Tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng cải thiện tốt hơn so với kỳ vọng và hướng tới mức năm 2023.
Trong dự báo mới nhất (tháng 01/2024), Quỹ Tiền tệ quốc tế đã điều
chỉnh dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới về mức 3,1%, bằng với
mức tương ứng năm 2023 và tăng 0,2 điểm% so với dự báo trước đó (tháng
11/2023). Mức điều chỉnh tăng này dựa vào sự phục hồi của kinh tế Mỹ và
các nước có nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đang được cải thiện
theo thời gian cùng với đó là duy trì đà tăng trưởng tốt của nhóm nước
đang phát triển có thu nhập thấp. Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, tuy
còn chậm hơn so với trước đại dịch, nhưng hiện đang phát triển nhanh
hơn so với phần còn lại của thế giới[1]. Phục hồi thương mại là nguyên nhân chính giúp các nước đang phát triển ở Châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Trung Quốc[2]) tăng trưởng 4,6% trong năm 2024 - nhanh hơn mức 4,4% đạt được vào năm 2023.
Lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao song đã hạ nhiệt, dự báo sẽ ổn định vào cuối năm 2024.
Theo dự báo mới nhất của IMF (tháng 01/2024), lạm phát thế giới năm
2023 ước là 6,8%, dự báo năm 2024 hạ xuống còn khoảng 5,8%. Tiến trình
giảm lạm phát đang tiếp diễn ở các nền kinh tế phương Tây trong năm nay
có lợi cho các ngân hàng trung ương có ảnh hưởng trên thế giới hoạch
định kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ thắt chặt đã áp dụng trong hai
năm qua nhằm kiềm chế đà tăng cao của lạm phát. Thụy Sĩ đã trở thành
nền kinh tế lớn đầu tiên cắt giảm lãi suất và Ngân hàng trung ương Nhật
Bản cũng tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng chậm lại nhưng vẫn chuyển dịch mạnh vào khu vực châu Á[3].
Tăng trưởng đầu tư ở cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển
năm 2024 dự báo sẽ chậm lại trên phạm vi toàn cầu do bất ổn kinh tế,
gánh nặng nợ cao và lãi suất tăng. Tuy nhiên, xét về khu vực hấp dẫn các
nhà đầu tư, dòng vốn FDI tiếp tục có xu hướng dịch chuyển mạnh về các
nước châu Á.
Các nền kinh tế lớn trên thế giới cho thấy những dấu hiệu tích cực.
(i) Kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng 3,4% trong quý IV/2023, được điều
chỉnh tăng so với mức 3,2% được báo cáo trước đó, phản ánh tăng trưởng
trong mức chi tiêu của người tiêu dùng, gia tăng chi tiêu của doanh
nghiệp và chính quyền địa phương. Trong dự báo mới nhất, Fed dự báo Mỹ
sẽ đạt mức tăng trưởng 2,1% trong năm 2024 (tăng mạnh so với mức 1,4%
đưa ra tháng 12 năm 2023), đồng thời cũng cao hơn so với tiềm năng tăng
trưởng dài hạn. (ii) Kinh tế ở châu Âu tiếp tục giảm nhẹ, nhưng đang
tiến tới ổn định. Chỉ số PMI của khu vực eurozone ở mức 49,9 trong tháng
3/2024, so với mức 49,2 của tháng 2/2024. Hoạt động kinh tế ổn định chủ
yếu nhờ vào sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ. (iii) Kinh tế Trung Quốc
đón nhận nhiều thông tin thuận lợi, phản ánh những dấu hiệu tăng trưởng
tích cực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tại kỳ họp Quốc hội Trung
Quốc tháng 3/2024, Chính phủ Trung Quốc công bố đặt mục tiêu tăng
trưởng GDP “khoảng 5%” cho năm 2024, tương tự như mục tiêu của năm 2023;
tạo thêm 12 triệu việc làm mới ở khu vực đô thị trong năm 2024 và duy
trì tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị ở mức khoảng 5,5%, đồng thời tiếp tục
duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và chính sách tài khóa chủ động,
với tỷ lệ thâm hụt ngân sách tính trên GDP trong năm 2024 dự kiến khoảng
3%.
Các nước ưu tiên tìm kiếm động lực kinh tế mới để tranh
thủ thành quả của Cách mạng 4.0 và các xu thế công nghệ mới, đặc biệt là
Trí tuệ nhân tạo (AI). Điều này khiến các nước tăng cường hợp tác quốc tế trong quản trị AI, tối ưu hoá lợi ích và giảm thiểu rủi ro.
___________
[1]Thông cáo báo chí của WB ngày 01/4/2024.
[2]Trung Quốc sẽ giảm tốc xuống mức tăng trưởng 4,5% (so với mức 5,2% của năm 2023).
[3]Liên hợp quốc, Báo cáo thực trạng và triển vọng kinh tế thế giới năm 2024.