Tổng thư ký Liên hợp quốc gửi thông điệp trước thềm năm mới
Trong thông điệp được truyền thông nước
ngoài chia sẻ ngày 29/12, người đứng đầu Liên hợp quốc Antonio Guterres
bày tỏ, 2023 là một năm đầy đau khổ, bạo lực và hỗn loạn về khí hậu.
"Nhân loại đang đau khổ và hành tinh của chúng ta đang gặp nguy hiểm.
Năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận” - ông Guterres nói.
 |
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: UN) |
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, các vấn
đề toàn cầu cấp bách đang khiến những thách thức của thế giới trở nên
nghiêm trọng hơn. Xung đột vẫn tiếp diễn, cướp đi sinh mạng của hàng
chục nghìn dân thường, nhiều người trong số họ là phụ nữ và trẻ em. Hàng
triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa, đối mặt với nạn đói và bệnh tật.
Nghèo đói tiếp tục đè nặng lên số phận của người dân, trong khi xung đột
và chiến tranh ngày càng gia tăng về số lượng và cường độ. Niềm tin cả
giữa các quốc gia và trong cộng đồng đang “thiếu hụt”.
Nhìn về phía trước, người đứng đầu Liên
hợp quốc kêu gọi cộng đồng thế giới hãy biến 2024 thành năm của nỗ lực
“xây dựng lại niềm tin và khôi phục hy vọng”.
“Nhân loại mạnh mẽ nhất khi chúng ta sát
cánh cùng nhau. Năm 2024 phải là năm để xây dựng lại niềm tin và khôi
phục lại hy vọng… Chúng ta phải cùng nhau vượt qua những chia rẽ để tìm
ra giải pháp chung, bao gồm thực hiện hành động quyết liệt đối với tình
trạng biến đổi khí hậu, tạo ra các cơ hội kinh tế và thiết lập một hệ
thống tài chính toàn cầu công bằng hơn, mang lại lợi ích cho tất cả mọi
người” - ông Guterres nói.
Kết thúc thông điệp, ông Guterres tái
khẳng định cam kết vững chắc của Liên hợp quốc trong việc đoàn kết thế
giới vì hòa bình, phát triển bền vững và nhân quyền.
Thông điệp của nhà lãnh đạo Liên hợp
quốc nhận được sự chú ý và hưởng ứng tích cực từ cộng đồng quốc tế, tạo
động lực cho mọi người tham gia vào nỗ lực chung xây dựng tương lai tích
cực hơn cho toàn nhân loại.
Các nước mừng đón Giáng sinh
Dù có những lo ngại về vấn đề an ninh
hay xung đột, sự ảm đạm của tình hình kinh tế,... người dân các nước đều
mong ước về những điều tốt lành nhân dịp đón Giáng sinh và năm mới
2024.
 |
Không khí đón Giáng sinh và năm mới ở Nga. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Tại những địa điểm nổi tiếng của các
nước ở châu Âu, trong tuần qua, không khí mừng đón Noel vẫn rộn ràng dù
vấn đề an ninh được thắt chặt ở khắp nơi do lo ngại các cuộc tấn công
khủng bố từ những phần tử cực đoan.
Tại Đức, cảnh sát đã điều động lực lượng
đến đảm bảo an ninh tại nhà thờ chính tại Cologne sau khi nhận được
thông tin cảnh báo về âm mưu xảy ra tấn công. Theo đó, khách tham quan
bị cấm vào bên trong nhà thờ chính, trong khi những người đến dự Thánh
lễ cầu nguyện Giáng sinh vào nửa đêm 24/12 đều bị kiểm tra an ninh gắt
gao. Tại Áo, cảnh sát cũng đã tăng cường đảm bảo an ninh quanh các nhà
thờ ở Vienna và các chợ Giáng sinh sau khi nhận được các thông tin về
nguy cơ xảy ra tấn công. Tại Cộng hòa Séc, người dân đang có một mùa
Giáng sinh và đón năm mới trong điều kiện an ninh tăng cường, đặc biệt
tại thủ đô, sau vụ xả súng ngày 21/12 khiến 15 người thiệt mạng và 25
người bị thương. Các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn được gia
tăng trên khắp nước Séc với trọng tâm là các địa điểm tập trung đông
người như bến tàu xe, các khu chợ Giáng sinh, khu dân cư và trường học.
Tại khu vực Trung Đông vốn đầy biến
động, người dân cũng tạm gác lại những muộn phiền của xung đột, của
những khó khăn thường trực cuộc sống để chuẩn bị cho lễ Giáng sinh. Tuy
nhiên, mùa Giáng sinh năm nay trở nên lặng lẽ hơn ở Dải Gaza trong bối
cảnh xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas vẫn đang diễn ra.
Tại châu Á, các hoạt động liên quan đến
Giáng sinh và năm mới đã được tổ chức tại các nước nhằm thu hút người
dân và khách du lịch tham gia. Ngoài trang trí Giáng sinh, nhiều trung
tâm mua sắm còn tổ chức các khu chợ Giáng sinh và nhiều hoạt động khác
để làm tăng bầu không khí lễ hội.
Tết Nguyên đán trở thành ngày nghỉ lễ của Liên hợp quốc
Việc Đại hội đồng thông qua Nghị quyết
nêu trên ngay trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024 không chỉ có nghĩa quan
trọng với các nước chính thức kỷ niệm Tết Nguyên đán mà còn là tin vui
cho gần 2 tỷ người dân trên toàn thế giới coi năm mới âm lịch là dịp lễ
quan trọng nhất trong năm.
 |
Nghị quyết công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ của Liên hợp quốc được thông qua tại phiên họp Đại hội đồng ngày 22/12/2023. (Ảnh: UN) |
Ngày 22/12, tại trụ sở Liên hợp quốc,
New York, Hoa Kỳ, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lần
đầu tiên công nhận Tết Nguyên đán (Lunar New Year) là ngày nghỉ lễ hàng
năm của Liên hợp quốc. Nghị quyết của Đại hội đồng nhấn mạnh Tết Nguyên
đán là ngày lễ được kỷ niệm ở nhiều quốc gia thành viên, khuyến khích
các cơ quan Liên hợp quốc không tổ chức họp vào ngày đầu tiên của năm
mới âm lịch.
Việc Đại hội đồng thông qua Nghị quyết
nêu trên ngay trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024 không chỉ có nghĩa quan
trọng với các nước chính thức kỷ niệm Tết Nguyên đán mà còn là tin vui
cho gần 2 tỷ người dân trên toàn thế giới coi năm mới âm lịch là dịp lễ
quan trọng nhất trong năm.
Đây là sự công nhận của cộng đồng quốc
tế đối với văn hoá cổ truyền Á Đông, là kết quả của quá trình phối hợp
vận động tại Liên hợp quốc, trong đó Việt Nam là một trong 12 nước tham
gia thư chung gửi lãnh đạo Liên hợp quốc hồi tháng 8/2023 và tích cực
thúc đẩy vấn đề này.
Theo quy định, cán bộ nhân viên của Liên
hợp quốc mỗi năm có 10 ngày nghỉ lễ. Nghị quyết được Đại hội đồng Liên
hợp quốc thông qua ngày 22/12/2023 đã đưa Tết Nguyên đán (Lunar New Year
- ngày đầu tiên năm mới âm lịch) trở thành 01 trong 10 ngày nghỉ lễ của
Liên hợp quốc kể từ năm 2024.
Cháy xe bồn chở xăng tại Liberia, 40 người thiệt mạng
Ngày 27/12, giới chức Liberia thông báo
số người thiệt mạng trong vụ cháy xe bồn chở xăng ở quận Bong, miền
Trung nước này trước đó một ngày đã lên tới ít nhất 40 người.
 |
Hình ảnh về vụ cháy xe bồn chở xăng ở Liberia (Ảnh: sierraleonemonitor.com) |
Giới chức y tế cho biết nhiều người vẫn
phải đang nằm viện trong tình trạng bỏng nặng và dự báo số người thiệt
mạng có thể tăng lên trong thời gian tới.
Trong khi đó, Phó Tổng thanh tra Cảnh
sát quốc gia Liberia - ông B. Mulbah cho hay nhà chức trách đang gặp khó
khăn trong việc xác định các nạn nhân sau vụ nổ.
Vào ngày 26/12, chiếc xe bồn chở xăng
gặp tai nạn giao thông đã mất lái và lao xuống một con mương dọc đường
Totota của quận Bong. Theo cảnh sát, người dân địa phương đã lao tới
chiếc xe sau tai nạn để lấy nhiên liệu. Chiếc xe bồn sau đó đã phát nổ
gây nhiều thương vong.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, an toàn
đường bộ thấp và cơ sở hạ tầng yếu kém là nguyên nhân khiến các nước ở
vùng sa mạc Sahara của châu Phi trở thành nơi xảy ra nhiều vụ tai nạn
chết người nhất thế giới, với tỷ lệ tử vong cao gấp ba lần so với mức
trung bình ở châu Âu.
Giá rét khắc nghiệt tại nhiều nước châu Á
Ngày 30/12, hãng thông tấn Yonhap đưa
tin Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) đã ban hành các cảnh báo tuyết rơi
dày tại nhiều khu vực thuộc vùng thủ đô Seoul, trong khi nhiều vùng khác
trên cả nước dự kiến sẽ có tuyết rơi hoặc mưa trước thềm Năm Mới 2024.
 |
Tuyết rơi dày ở Seoul, Hàn Quốc ngày 30/12/2023. (Ảnh: Yonhap/TTXVN) |
Theo KMA, cảnh báo được áp dụng từ 9h
sáng tại khu vực Đông Bắc và Tây Seoul, cũng như ở Incheon - phía Tây
thủ đô, một số vùng thuộc tỉnh Gyeonggi lân cận. Cảnh báo được đưa ra
khi lượng tuyết rơi dự kiến dày từ 5 cm trở lên trong vòng 24 giờ. KMA
cũng lưu ý có thể sẽ ban hành cảnh báo tuyết rơi dày ở các khu vực khác
tại khu vực Seoul và nhiều khu vực sâu bên trong tỉnh Gangwon ở miền
Đông do có nhiều đám mây tuyết kéo đến từ phía biển Hoàng Hải.
Trong khi đó, Thủ đô Bắc Kinh của Trung
Quốc đã ghi nhận kỷ lục về số giờ có nhiệt độ dưới 0°C trong tháng 12 kể
từ năm 1951, sau khi một đợt lạnh quét qua nhiều vùng đất nước và gây
ra bão tuyết, đẩy nhiệt độ xuống mức thấp lịch sử.
Các khu vực phía bắc và đông bắc của
Trung Quốc đã trải qua đợt lạnh kỷ lục kể từ tuần trước, với một số khu
vực có nhiệt độ ở mức âm 40°C trở xuống. Trước đó, tính từ ngày 11/12
đến ngày 24/12/2023, một trạm quan sát thời tiết ở Bắc Kinh đã ghi nhận
hơn 300 giờ có nhiệt độ dưới mức đóng băng. Đây là mức cao nhất trong
tháng kể từ khi hồ sơ bắt đầu được ghi lại vào năm 1951.
Thời tiết lạnh giá ở thủ đô Bắc Kinh
cũng gây ra nhiều vấn đề với hệ thống tàu điện ngầm của thành phố. Nhiệt
độ khắc nghiệt cũng cản trở nỗ lực cứu hộ sau trận động đất xảy ở các
tỉnh Cam Túc và Thanh Hải khiến ít nhất 127 người thiệt mạng và hàng
trăm người khác bị thương.
Nhật Bản cũng hứng chịu đợt giá rét khắc
nghiệt với tuyết rơi dày tại nhiều địa phương. Tại Mông Cổ, đợt không
khí lạnh mạnh có nguồn gốc từ Siberia, Nga cũng đã bao trùm, khiến nhiệt
độ giảm sâu, gây gió mạnh và bão tuyết./.