Cộng đồng quốc tế lên án cuộc đảo chính tại Gabon
 |
Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat. (Ảnh: Reuters) |
Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Liên minh châu Phi và Chính phủ nhiều
nước đã bày tỏ lo ngại về tình hình Gabon sau khi các sĩ quan nổi loạn ở
quốc gia Trung Phi tuyên bố đã nắm quyền và bắt giữ Tổng thống Ali
Bongo Ondimba.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio
Guterres đã lên án cuộc đảo chính tại Gabon, kêu gọi tất cả những người
liên quan “kiềm chế, tham gia vào một cuộc đối thoại toàn diện, có ý
nghĩa và đảm bảo nhà nước pháp quyền”.
Ông Stephane Dujarric, Người phát ngôn
của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Tổng thư ký
đang theo dõi chặt chẽ tình hình đang diễn biến ở Gabon, kiên quyết lên
án việc sử dụng đảo chính như một phương tiện để giải quyết vấn đề hậu
bầu cử. Tổng thư ký tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ đối với các cuộc
đảo chính quân sự, kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, tham gia
vào một cuộc đối thoại toàn diện và có ý nghĩa, đồng thời đảm bảo luật
pháp và nhân quyền được tôn trọng đầy đủ. Liên hợp quốc luôn sát cánh
cùng người dân Gabon”.
Ngày 30/8, Chủ tịch Ủy ban Liên minh
châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat tuyên bố “cực lực lên án” điều mà ông
gọi là một cuộc đảo chính ở Gabon. Ông Faki mô tả hành động này là "sự
vi phạm trắng trợn" các công cụ pháp lý và chính trị của AU. Bên cạnh
đó, Chủ tịch Hội đồng An ninh và Hòa bình của AU Willy Nyamitwe đã triệu
tập cuộc họp khẩn cấp với Đại sứ các nước Burundi, Senegal và Cameroon
để phân tích tình hình đảo chính ở Gabon.
Trước đó cùng ngày, một số sĩ quan quân
đội cấp cao Gabon tuyên bố đã lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, đồng thời
giải tán Chính phủ, Thượng viện, Hạ viện và Tòa án Hiến pháp. Động thái
diễn ra sau khi cơ quan bầu cử nhà nước thông báo Tổng thống Ali Bongo
Ondimba, 64 tuổi, đắc cử nhiệm kỳ thứ 3. Một số sĩ quan quân đội cho
biết Nhà lãnh đạo này đang bị quản thúc tại gia, trong khi nhiều người
thân cận với ông đã bị bắt giữ.
Cuộc đảo chính tại Gabon diễn ra chỉ hơn
1 tháng sau cuộc đảo chính tại Niger. Tổng thống Nigeria Bola Tinubu,
hiện giữ chức Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS)
cho biết đang hợp tác chặt chẽ với các nhà lãnh đạo châu Phi khác nhằm
bàn cách ứng phó với tình hình Gabon. Liên minh châu Phi, Liên minh châu
Âu lên án các sự kiện và kêu gọi quân đội đảm bảo an toàn cho Tổng
thống Ali Bongo Ondimba và gia đình. Trong khi đó Nga và Trung Quốc cho
biết hai nước hy vọng sự ổn định sẽ nhanh chóng trở lại với quốc gia
Trung Phi.
Liên hợp quốc thúc đẩy khôi phục hòa đàm tại CH Cyprus
 |
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: UN)
|
Ngày 28/8, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp
quốc (LHQ) phụ trách châu Âu, Trung Á và châu Mỹ, ông Miroslav Jenca đã
gặp riêng rẽ Tổng thống CH Cyprus Nikos Christodoulides và lãnh đạo cộng
đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ Ersin Tatar để thảo luận việc tái khởi
động các cuộc đàm phán hòa bình đang bị đình trệ tại quốc đảo này.
Ông Jenca được Tổng thư ký LHQ Antonio
Guterres giao nhiệm vụ đánh giá triển vọng nối lại hòa đàm để tìm giải
pháp cho vấn đề đảo Cyprus.
Phát biểu với báo giới sau hai cuộc gặp,
ông Jenca cho biết Tổng thư ký Guterres rất quan tâm tình hình đảo
Cyprus và sẽ nỗ lực hết sức để giúp tìm kiếm giải pháp cho vấn đề tại
đây. Ông Jenca bày tỏ hy vọng "trong tương lai sẽ có điểm chung để nối
lại các cuộc đàm phán hòa bình vì lợi ích của tất cả các bên”.
Chuyến thăm của đặc phái viên Jenca tới
Cyprus diễn ra hơn 1 tuần sau một cuộc tấn công của người Cyprus gốc Thổ
Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ đang ngăn chặn việc xây
dựng một con đường trái phép tại vùng đệm gần Pyla - một ngôi làng ven
biển phía Đông Nam đảo Cyprus, nơi sinh sống của cả người Cyprus gốc Hy
Lạp và gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Jenca dự kiến sẽ đến khu vực trên để tìm hiểu tình hình liên quan.
Mỹ - Trung nhất trí khởi động đối thoại kiểm soát xuất khẩu
 |
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đối thoại với Bộ
trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào ở Bắc Kinh ngày 28/8. (Ảnh:
AP) |
Ngày
28/8, Bộ Thương mại Mỹ xác nhận nước này và Trung Quốc đã nhất trí khởi
động cuộc đối thoại nhằm trao đổi thông tin về việc thực thi các biện
pháp kiểm soát xuất khẩu cũng như xây dựng nhóm công tác giải quyết các
vấn đề thương mại.
Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina
Raimondo, cuộc gặp giữa bà và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn
Đào tại Bắc Kinh ngày 28/8 đã mang lại cơ hội để hai bên bớt hiểu lầm về
các chính sách an ninh của Mỹ đối với Trung Quốc.
Trước đó, tháng 10/2022, Mỹ đã áp đặt
các hạn chế sâu rộng đối với việc xuất khẩu chip, công nghệ và thiết bị
sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Washington cũng cấm công dân Mỹ
tham gia phát triển hoặc sản xuất chip tại các cơ sở của Trung Quốc nếu
không có được phép của Chính phủ. Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung
Quốc cho biết, kể từ ngày 1/8, nước này áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với
hai kim loại quan trọng cần thiết cho sản xuất chất bán dẫn là gali và
germani. Theo đó, việc xuất khẩu gali và germani bắt buộc phải có giấy
phép đi kèm, trong đó mục đích xuất khẩu và đơn vị cuối cùng tiếp nhận
lô hàng xuất khẩu phải được khai báo rõ ràng.
Chưa giải quyết được những bất đồng, do
vậy hai bên đã nhất trí thành lập một nhóm công tác để "tìm kiếm giải
pháp về các vấn đề thương mại và đầu tư cũng như thúc đẩy lợi ích thương
mại của Mỹ ở Trung Quốc". Theo đó, nhóm công tác sẽ họp 6 tháng một lần
ở cấp Thứ trưởng, và phía Mỹ sẽ đăng cai tổ chức cuộc họp đầu tiên vào
đầu năm tới.
Bên cạnh đó, Washington và Bắc Kinh sẽ
triệu tập một cuộc họp chung với chuyên gia của cả hai nước nhằm thảo
luận chuyên sâu về việc tăng cường bảo vệ bí mật thương mại và thông tin
kinh doanh bảo mật. Hai bên cũng đặt mục tiêu thực hiện các cuộc gặp
thường niên cấp Bộ trưởng Thương mại. Ngoài ra, hai bên nhất trí khởi
động đối thoại nhằm "trao đổi thông tin thực thi kiểm soát xuất khẩu".
Đây được xem như một nền tảng để "giảm bớt sự hiểu lầm về các chính sách
an ninh quốc gia của Mỹ”.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ đang có chuyến
thăm Trung Quốc từ ngày 27 - 30/8. Chuyến thăm của bà Gina Raimondo nối
tiếp loạt chuyến thăm Trung Quốc của các quan chức cấp cao trong Chính
phủ Mỹ diễn ra trong vài tháng trở lại đây nhằm xoa dịu căng thẳng giữa
hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hàn - Nhật - Trung lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào cuối năm nay
Ngày
29/8, hãng tin Kyodo dẫn lời Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Cho Hyun-dong cho
biết nước này, Nhật Bản và Trung Quốc có kế hoạch tổ chức hội nghị
thượng đỉnh ba bên vào cuối năm nay. Nếu diễn ra, đây sẽ là hội nghị
thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc được
tổ chức trong khoảng 4 năm qua.
Phát biểu tại sự kiện, do Trung tâm
Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), có trụ sở ở Washington D.C (Mỹ) tổ
chức, Đại sứ Cho Hyun-dong nhấn mạnh Hàn Quốc - nước đang giữ cương vị
Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Nhật-Trung, đang nỗ lực hết sức để
hiện thực hóa kế hoạch này. Theo ông, Tokyo đã phản ứng "tích cực” trước
đề xuất trên, trong khi Bắc Kinh cũng thể hiện "khá sẵn sàng".
Thông tin trên được đưa ra trong bối
cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản gia tăng căng thẳng, sau khi
Tokyo ngày 24/8 chính thức xả nước thải nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện
hạt nhân Fukushima số 1 đã qua xử lý ra biển. Phản ứng trước động thái
trên, Bắc Kinh tuyên bố ngừng nhập khẩu tất cả hải sản có nguồn gốc từ
nước láng giềng.
Tuy nhiên, phát biểu tại sự kiện của
CSIS, Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Koji Komita hy vọng vấn đề xả thải nước
nhiễm xạ đã qua xử lý sẽ không cản trở nỗ lực ổn định quan hệ song
phương. Ông nêu rõ Tokyo sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm mối quan hệ "mang
tính xây dựng và ổn định" với Trung Quốc.
Tại hội nghị thượng đỉnh 3 bên đầu tiên
vào năm 2008, lãnh đạo 3 nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đã nhất trí
tổ chức hội nghị trên cơ sở thường niên và luân phiên. Tuy nhiên, sau
hội nghị gần nhất tại Trung Quốc vào tháng 12/2019, ba nước vẫn chưa tổ
chức hội nghị thượng đỉnh nào. Nguyên nhân dẫn tới việc này được cho là
do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cùng các vấn đề thời chiến khiến
quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Ông Tharman Shanmugaratnam trở thành Tổng thống thứ 9 của Singapore
 |
Sau cuộc bỏ phiếu ngày 1/9, ông Tharman Shanmugaratnam trở thành Tổng thống thứ 9 của Singapore.
(Ảnh: CNA) |
Kết quả bầu cử chính thức được công
bố vào sáng 2/9 cho thấy, ông Tharman Shanmugaratnam giành được 70,4%
tổng số phiếu bầu, trong khi hai ứng cử viên còn lại là ông Ng Kok Song
và ông Tan Kim Lian lần lượt đạt được 15,72% và 13,88% số phiếu bầu.
Ông Tharman Shanmugaratnam, 66 tuổi là
nhà kinh tế và một chính khách của Singapore. Ông đã từng là Phó Thủ
tướng từ năm 2011 đến 2019 và là Bộ trưởng cao cấp trong chính phủ từ
2019 đến 2023. Ông Tharman có bề dày kinh nghiệm về lãnh đạo, chuyên môn
tài chính và quan hệ quốc tế.
Sau khi có kết quả bầu cử, Thủ tướng
Singapore Lý Hiển Long đã gọi điện cho ông Tharman để chúc mừng chiến
thắng cũng như cam kết về sự hợp tác toàn diện của chính phủ. Thủ tướng
Lý Hiển Long tin tưởng ông Tharman sẽ đảm nhận xuất sắc vai trò Tổng
thống Singapore.
Theo dự kiến, ông Tharman sẽ bắt đầu
công việc của mình sau khi Tổng thống Halimah Yacob kết thúc nhiệm kỳ
vào ngày 13/9. Bà Halimah Yacob là nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử
Singapore, bà bắt đầu nhiệm kỳ từ năm 2017.
Ngày 1/9, hơn 2,7 triệu cử tri Singapore đã đi bỏ phiếu để lựa chọn ra vị tổng thống thứ 9 của đảo quốc sư tử.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Singapore
năm nay có ba ứng cử viên chính thức tranh cử, gồm cựu Bộ trưởng cấp cao
Tharman Shanmugaratnam, 66 tuổi; cựu Giám đốc Đầu tư của Quỹ Đầu tư
Chính phủ Singapore (GIC) Ng Kok Song, 75 tuổi; cựu Giám đốc công ty
bảo hiểm NTUC Income Tan Kin Lian, 75 tuổi.
Đây là cuộc bầu cử Tổng thống có cạnh
tranh đầu tiên của Singapore trong 12 năm qua. Những vấn đề nổi bật chi
phối tâm lý của các cử tri năm nay là chi phí sinh hoạt ngày càng đắt
đỏ, vấn đề nhà ở và việc làm./.