Nắng nóng thiêu đốt, nhiệt độ toàn cầu lên mức báo động
 |
Một cậu bé dội nước lên đầu để giải nhiệt tại đài phun
nước ở quảng trường Piazza del Popolo tại thủ đô Rome (Italia). (Ảnh:
Tiziana Fabi/AFP) |
Châu Á, châu Âu và Mỹ đều ghi nhận mức
nhiệt đỉnh điểm trong những ngày gần đây (17/7), khi nhiệt độ toàn cầu
tăng cao lên mức báo động. Khu vực phía Tây và phía Nam của Mỹ bị thiêu
đốt bởi nhiệt độ kỷ lục, trong khi phía Đông Bắc hứng chịu mưa lớn gây
lũ lụt, còn vùng Trung Tây chìm trong khói cháy rừng. Một vòm nhiệt ở
vùng phía Tây của Mỹ đã đẩy nhiệt độ ghi nhận tại thung lũng Death
Valley ở bang California lên 128 độ F, tương đương 53 độ C, vào ngày
16/7 - một trong những mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận trên Trái
Đất trong suốt 90 năm qua.
Nhiệt độ ở thành phố Phoenix của bang
Arizona chạm 114 độ F (45,5 độ C) vào ngày 17/7, lập kỷ lục 18 ngày liên
tiếp trên 110 độ F. Theo dự báo thời tiết, chuỗi kỷ lục này có thể kéo
dài thêm ít nhất 1 tuần nữa.
Đợt sóng nhiệt này ở Mỹ xảy ra đồng thời với tình trạng nhiệt độ cực đoan ở nhiều nơi khác ở bán cầu Bắc
Thị trấn Sanbao ở phía Tây Bắc Trung Quốc đã ghi nhận mức nhiệt kỷ lục ở nước này là 52,2 độ C.
Một đợt sóng nhiệt nghiêm trọng và kéo
dài cũng đang hoành hành ở châu Âu. Số người đã chết ở châu Âu vì các
đợt nắng nóng vào mùa hè năm ngoái có thể lên tới 61.000 người và bi
kịch được cảnh báo có thể lặp lại trong mùa này.
Cơ quan y tế cộng đồng của Pháp cho biết
đợt nắng nóng kéo dài hiện nay có thể sẽ khiến nhiều người phải nhập
viện hoặc thiệt mạng, giống như các đợt nắng nóng đã xảy ra hầu như vào
mọi mùa hè kể từ năm 2015. Trong khi đó, các tình nguyện viên ở Hy Lạp
đã phát nước uống cho người dân. Còn ở Tây Ban Nha, các nhà chức trách
nước này đã nhắc nhở mọi người tự bảo vệ mình để tránh hít phải khói từ
các đám cháy.
Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng
biến đổi khí hậu do khí thải CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch sẽ
khiến các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn và gây
chết người nhiều hơn. Họ nói rằng các chính phủ cần phải có những hành
động quyết liệt để giảm lượng, nhằm ngăn chặn thảm họa khí hậu.
Hội nghị G20 không ra được tuyên bố chung
 |
Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Ấn Độ không đưa ra được tuyên bố chung. Ảnh: Bloomberg/vietnamnet. |
Sau 2 ngày thảo luận 17-18/7, các Bộ
trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế
phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã không ra được tuyên bố
chung do các cường quốc không đạt được tiếng nói chung về xung đột tại
Ukraine. Thay vào đó, nước chủ nhà Ấn Độ đã ra tài liệu tóm tắt và kết
quả của Chủ tịch G20.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Tài
chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman nhấn mạnh Ấn Độ lấy tuyên bố từ Hội nghị
thượng đỉnh G20 tại Bali (Indonesia) năm ngoái và tuyên bố của Hội nghị
Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 tại Bengaluru
(Ấn Độ) hồi tháng 2 làm cơ sở cho tuyên bố.
Hội nghị do Ấn Độ tổ chức tại thủ phủ
Gandhinagar, bang miền Tây Gujarat với tư cách là Chủ tịch G20, nhằm đưa
ra những cải cách cho các ngân hàng đa phương, thiết lập các hướng dẫn
toàn cầu về tiền điện tử và đẩy nhanh việc giải quyết nợ cho các quốc
gia dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine đã làm
lu mờ các mục tiêu này, dẫn đến bất đồng giữa các quốc gia thành viên.
Chính vì vậy, Ấn Độ, với tư cách là nước chủ nhà, đã không thể soạn thảo
một thông cáo chung cuối cùng được tất cả các bên chấp nhận do có những
quan điểm khác nhau về bản chất của xung đột Nga-Ukraine.
Như vậy, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn
Độ, bắt đầu vào tháng 12/2022, đã phải đối mặt với những thách thức
trong việc đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống
đốc ngân hàng trung ương G20 này là hội nghị thứ ba được Ấn Độ tổ chức
trong thời gian giữ chức Chủ tịch mà không thể đưa ra một tuyên bố
chung.
Các cuộc thảo luận trước đó cũng thiếu
sự đồng thuận và Ấn Độ chỉ đưa ra tài liệu tóm tắt và kết quả của Chủ
tịch G20 về những bất đồng.
Nga dừng tham gia thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen
 |
Tàu chở lúa mỳ của Ukraine cập cảng Djibouti. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 17/7, Người phát ngôn Điện Kremlin
Dmitry Peskov cho biết thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen chấm dứt
hiệu lực, đồng thời nói thêm rằng phần thỏa thuận liên quan đến Nga đã
không được thực hiện.
Phát ngôn viên này khẳng định, sự cố cầu
Crimea bị tấn công không phải là lý do Nga không tiếp tục gia hạn vào
thời điểm thỏa thuận ngũ cốc hết hiệu lực, mà do phần liên quan đến Nga
trong thỏa thuận vẫn chưa được thực hiện. Nga sẽ quay lại thực hiện thỏa
thuận ngay sau khi các nội dung này được hoàn tất.
Thỏa thuận kéo dài một năm qua này cho
phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc thông qua một hành lang vận chuyển an
toàn ở Biển Đen. Việc Nga quyết định dừng tham gia Thỏa thuận Ngũ cốc
Biển Đen làm dấy lên lo ngại giá lương thực ở những nước nghèo sẽ bị đẩy
lên cao vượt khả năng chi trả của người dân. Sau khi Nga quyết định
không gia hạn Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen, các nước đã bày tỏ quan ngại
về quyết định này và cho biết đang nỗ lực tìm các giải pháp thay thế.
Ngày 18/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr
Zelenskiy cho rằng Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen phải được duy trì và có
thể vận hành mà không có sự tham gia của Nga, sau khi Nga rút khỏi thỏa
thuận này vào ngày 17/7.
Tuy nhiên, khi bình luận về đề xuất của
Ukraine với Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine bất chấp
việc Nga dừng tham gia thỏa thuận này, người phát ngôn Điện Kremlin, ông
Dmitry Peskov tuyên bố đây là ý định sẽ đem lại nhiều rủi ro. Theo ông
Peskov, vấn đề này liên quan đến khu vực tiếp giáp với hoạt động quân sự
và nếu không có đảm bảo an ninh thích hợp sẽ xuất hiện những nguy cơ
nhất định tại đây. Do đó, ông Peskov nhấn mạnh các bên cần tính đến
những nguy cơ này nếu thực hiện thỏa thuận mà không có Nga.
Dấu mốc mới cho tự do hóa thương mại toàn cầu
 |
Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Kemi Badenoch ký
nghị định thư tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên
Thái Bình Dương (CPTPP) tại cuộc họp ở Auckland, New Zealand ngày
16/7/2023. (Ảnh: RNZ/TTXVN) |
Việc Vương quốc Anh chính thức gia nhập
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),
trở thành thành viên mới đầu tiên kể từ khi khối thành lập vào năm 2018,
đã mở ra dấu mốc mới cho tự do hóa thương mại toàn cầu.
Bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập
CPTTP từ tháng 6/2021, sau gần 2 năm, Anh đã đạt được thỏa thuận về
nguyên tắc để gia nhập khối vào ngày 31/3 và đã chính thức gia nhập vào
ngày 16/7 tại Aukland (New Zealand).
Giới chức Anh khẳng định, đây là hiệp định thương mại quan trọng nhất mà London ký kết thời hậu Brexit.
Gia nhập CPTPP gửi đi thông điệp mạnh mẽ về nỗ lực của Anh mở cánh cửa đến các thị trường mới trên thế giới.
Chính phủ Anh đánh giá CPTPP sẽ tạo ra
lợi ích lâu dài cho cả Anh và các nước thành viên, với tổng giá trị
thương mại của CPTPP sẽ tăng lên mức 12.000 tỷ USD, chiếm khoảng 15% GDP
toàn cầu.
Chính phủ Anh ước tính, tham gia CPTPP
mang lại khoảng 2,2 tỷ USD mỗi năm và con số này còn tăng khi CPTPP tiếp
tục được mở rộng.
Tư cách thành viên cũng sẽ giúp Anh tiếp
cận khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với khu vực chiến 60% dân số
thế giới là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, vốn được xem là trọng tâm
trong chiến lược “nước Anh toàn cầu” của London.
Bên cạnh những lợi ích thiết thực về
kinh tế, tham gia CPTPP được coi là thắng lợi về mặt chính trị của
London. Đây là cơ hội để Anh gia tăng sự hiện diện về kinh tế tại vành
đai châu Á-Thái Bình Dương, tiếp nối sự hiện diện về an ninh thông qua
thỏa thuận AUKUS ký với Mỹ và Australia.
Các chương trình tiêm chủng trẻ em tăng tốc trở lại sau dịch COVID-19
 |
Ảnh minh họa |
Ngày 17/7, Liên hợp quốc cho biết việc
tiêm chủng định kỳ cho trẻ em đang tăng trở lại sau khi ghi nhận sự sụt
giảm nghiêm trọng trong suốt thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát, song
cảnh báo vẫn tồn tại những khoảng trống nguy hiểm.
Theo dữ liệu do Quỹ Nhi đồng Liên hợp
quốc (UNICEF) công bố, số trẻ em được tiêm vaccine định kỳ trong năm
2022 đã tăng 4 triệu trẻ so với năm trước đó.
Giám đốc chương trình tiêm chủng và
vaccine của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Kate O'Brien coi đây là một tín
hiệu tích cực, đồng thời cho biết nhìn chung, các nước trên khắp thế
giới đang phục hồi và tỷ lệ tiêm chủng đang gần bằng mức trước đại dịch.
Cùng chung nhận định trên, Tổng Giám đốc
WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định dữ liệu trên “đáng khích lệ,”
song theo ông, điều này chưa phản ánh thực trạng bất bình đẳng nghiêm
trọng và dai dẳng trong vấn đề tiêm chủng. Ông nhấn mạnh trẻ em là đối
tượng chịu thiệt thòi nhất nếu các quốc gia không thúc đẩy việc “phủ
sóng” tiêm vaccine.
Bên cạnh những tiến bộ đạt được, cả WHO
và UNICEF đều đặc biệt lo ngại về sự chậm trễ trong việc tiêm vaccine
phòng bệnh sởi, một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế
giới. Theo đó, trong số 73 nước ghi nhận tỷ lệ bao phủ vaccine phòng sởi
giảm mạnh trong đại dịch COVID-19, có 15 nước đã ghi nhận mức độ "phủ
sóng" tiêm chủng như trước đại dịch, 24 nước đang trên đà phục hồi,
trong khi có tới 34 nước ghi nhận tỷ lệ sụt giảm hoặc trì trệ.
UNICEF cảnh báo, trẻ em trên thế giới
vẫn có nguy cơ mắc bệnh hoặc tử vong do các bệnh có thể ngăn ngừa được,
nếu chính phủ các nước không khắc phục được những khoảng trống về tiêm
chủng./.