Ngày 24/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio
Guterres cảnh báo cuộc xung đột quân sự ở Sudan có thể nhấn chìm toàn bộ
khu vực và cả ở phạm vi xa hơn. Qua đó, ông kêu gọi tất cả các thành
viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sử dụng đòn bẩy tối đa với các bên
liên quan để chấm dứt bạo lực ở Sudan, khôi phục trật tự và đưa quốc gia
Bắc Phi quay trở lại con đường chuyển đổi dân chủ.
 |
Xung đột kéo dài 10 ngày qua tại Sudan đã khiến hơn 400 người thiệt mạng. (Ảnh: EPA) |
Theo đánh giá của người đứng đầu Liên
hợp quốc, tình hình ở Sudan đang diễn biến theo chiều hướng xấu. Kể từ
khi các cuộc giao tranh giữa quân đội Chính phủ và Lực lượng hỗ trợ
tranh (RSF) – nhóm bán quân sự lớn mạnh ở Cộng hòa Sudan bùng phát từ
ngày 15/4 đến nay đã khiến hàng trăm người thiệt mạng cùng hàng nghìn
người khác bị thương.
Mở đầu cuộc tranh luận mở của Hội đồng
Bảo an Liên hợp quốc về chủ nghĩa đa phương, ngày 24/4, ông Guterres
nhấn mạnh: "Bạo lực phải chấm dứt. Điều này có nguy cơ gây ra một thảm
họa tàn khốc ở Sudan, có thể nhấn chìm toàn bộ khu vực và xa hơn thế
nữa".
Người đứng đầu Liên hợp quốc mạnh mẽ lên
án các hành vi bắn phá bừa bãi vào các khu vực dân sự, bao gồm cả các
cơ sở chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi các bên đối địch
ngừng các hoạt động giao tranh các khu vực đông dân cư và không cản trở
các hoạt động viện trợ nhân đạo. “Dân thường phải được tiếp cận thực
phẩm, nước uống và các nguồn cung cấp thiết yếu khác, cũng như được sơ
tán khỏi các khu vực chiến sự” – ông Guterres nhấn mạnh.
Người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết
ông thường xuyên liên lạc với các bên xung đột và kêu gọi họ thực hiện
các bước giảm căng thẳng, quay trở lại bàn đàm phán. Liên hợp quốc sẽ
tiếp tục duy trì liên hệ với các đối tác để đảm bảo chấm dứt cuộc chiến
càng sớm càng tốt. "Dựa trên tinh thần phối hợp với các tổ chức nhân đạo
trên thực địa, chúng tôi đang sắp xếp lại sự hiện diện của mình ở Sudan
để có thể tiếp tục hỗ trợ người dân Sudan. Tôi xin nói rõ: Liên hợp
quốc sẽ không rời khỏi Sudan. Cam kết của chúng tôi là ủng hộ mong muốn
của người dân Sudan về một tương lai hòa bình và an toàn. Chúng tôi sát
cánh cùng họ vào thời điểm khủng khiếp này" – ông Guterres nói.
Tổng thư ký Guterres cho biết đã cấp
phép di dời tạm thời (cả ở phạm vi trong và ngoài lãnh thổ Sudan) đối
với một số nhân viên Liên hợp quốc và gia đình của họ. Theo thống kê, tổ
chức đa phương này hiện đang duy trì sự hiện diện của khoảng 4.000 nhân
viên ở Sudan, với 800 người trong số này là người nước ngoài.
Ngoài ra, ông Guterres cũng kêu gọi tất
cả các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sử dụng đòn bẩy tối đa
với các bên để chấm dứt bạo lực ở Sudan, khôi phục trật tự và đưa quốc
gia Bắc Phi quay trở lại con đường chuyển đổi dân chủ.
 |
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu về
tình hình Sudan tại một cuộc tranh luận mở của Hội đồng Bảo an về chủ
nghĩa đa phương tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), ngày
24/4/2023.
(Ảnh: Xinhua) |
Sudan đã lâm vào tình trạng bất ổn chính
trị và kinh tế ngày càng sâu sắc kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021.
Căng thẳng giữa lực lượng quân đội và RSF đã leo thang trong nhiều tháng
nay khiến các đảng phái chính trị ở nước này chưa thể ký một thỏa thuận
được quốc tế ủng hộ nhằm nối lại quá trình chuyển tiếp chính phủ trong
nước.
Căng thẳng âm ỉ kéo dài suốt nhiều tháng
qua tại Sudan đã leo thang đỉnh điểm vào ngày 15/4 khi nổ ra các vụ
đụng độ dữ dội giữa quân đội và RSF tại nhiều địa điểm trên toàn quốc,
trong đó có cả Thủ đô Khartoum. Chiến sự leo thang trong những ngày qua
đang đẩy quốc gia này bên bờ vực của một cuộc nội chiến toàn diện. Theo
số liệu thống kê của Liên hợp quốc, tới nay đã có khoảng 427 người thiệt
mạng và hơn 3.700 người bị thương do tình hình bất ổn kéo dài 10 ngày
qua tại Sudan.
Ngày 24/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony
Blinken cho biết các phe phái đối địch ở Sudan đã đồng ý thực hiện lệnh
ngừng bắn trên toàn quốc trong 72 giờ, bắt đầu từ nửa đêm ngày 24/4
(theo giờ địa phương). Nhà ngoại giao Mỹ cho biết đây là kết quả sau 48
giờ đàm phán căng thẳng giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và RSF. Ông
Blinken kêu gọi các bên ở Sudan ngay lập tức tuân thủ và duy trì lệnh
ngừng bắn này.
Cùng ngày, RSF xác nhận lực lượng này đã
đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ làm trung gian để tạo điều kiện
cho các hoạt động nhân đạo trong thời gian đình chiến.
Các lệnh ngừng bắn đã được thống nhất
trước đó giữa SAF và RSF đã bị phá vỡ, mặc dù giao tranh tạm lắng trong
một thời gian ngắn đã cho phép nhiều người nước ngoài so tán khỏi Sudan
đến nơi an toàn. Nếu lệnh ngừng giao tranh kéo dài ba ngày mới được duy
trì, thì đây sẽ là “khoảng thời gian quan trọng” để các lực lượng cứu
trợ phân phát như thực phẩm và vật tư y tế tới những người có nhu cầu./.
Nguồn: ĐCSVN