Nhật Bản tổ chức Lễ quốc tang cố Thủ tướng Abe Shinzo
 |
Toàn cảnh Lễ Quốc tang cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Nippon Budokan, trung tâm thủ đô Tokyo,
ngày 27/9/2022. (Ảnh: Kyodo/TTXVN) |
Chiều 27/9, Chính phủ Nhật Bản đã
long trọng tổ chức quốc tang cố Thủ tướng Abe Shinzo tại Võ Đạo quán
Nhật Bản (Nippon Budokan) ở trung tâm thủ đô Tokyo. Đây là quốc tang thứ
hai dành cho một cựu Thủ tướng trong thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ
Hai ở Nhật Bản.
Tham dự quốc tang có hơn 4.000 quan khách trong và ngoài nước, trong
đó có Thủ tướng Kishida Fumio, Chủ tịch Hạ viện Hosoda Hiroyuki, Chủ
tịch Thượng viện Otsuji Hidehisa, hơn 700 nghị sỹ, nguyên nghị sỹ Quốc
hội và 44 thống đốc các tỉnh, thành, cùng với hơn 700 quan khách nước
ngoài đến từ 218 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới và các tổ chức
quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Kishida đã bày tỏ “sự tiếc nuối sâu
sắc nhất” trước sự ra đi của cố Thủ tướng Abe. Ông đánh giá cao các di
sản của cố Thủ tướng Abe, trong đó có việc tăng cường quan hệ đồng minh
Nhật-Mỹ, đề xuất thiết lập khuôn khổ Đối thoại An ninh Bốn bên (thường
gọi là nhóm Bộ Tứ - Quad) giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, và thúc
đẩy sáng kiến “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP)...
Trong bài phát biểu sau đó, cựu Thủ tướng Suga Yoshihide đã thay mặt
những người bạn của cố Thủ tướng bày tỏ nỗi đau buồn trước sự ra đi đột
ngột của ông.
Trước đó, sáng 27/9, đông đảo người dân Nhật Bản đã tới đặt hoa viếng
cố Thủ tướng Abe ở hai hương án mà Chính phủ Nhật Bản bố trí tại công
viên Kudanzaka, bên ngoài Nippon Budokan. Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn
người đã xếp hàng để chờ vào dâng hoa và thể hiện tình cảm sâu sắc với
ông Abe.
Cố Thủ tướng Abe sinh ngày 21/9/1954 tại thủ đô Tokyo trong một gia
đình có truyền thống chính trị. Sau khi bước chân vào chính trường Nhật
Bản vào năm 1993, ông đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong chính
phủ và LDP. Tháng 9/2006, ông được bầu làm Chủ tịch LDP và được Quốc hội
bầu làm thủ tướng thứ 90 của Nhật Bản vào ngày 26/9 năm đó. Khi đó, ông
mới 52 tuổi và là vị Thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản thời hậu chiến. Tuy
nhiên, tháng 9/2007, ông đã phải từ chức Thủ tướng vì lý do sức khỏe.
Tháng 9/2012, ông Abe quay trở lại vị trí người đứng đầu LDP sau cuộc
bầu cử chủ tịch đảng này. Vào tháng 12/2012, chính trị gia này đã dẫn
dắt LDP giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện. Ngày
26/12/2012, ông Abe đã chính thức được bổ nhiệm làm Thủ tướng sau cuộc
bỏ phiếu tại Quốc hội. Đến tháng 8/2020, ông đã một lần nữa từ chức thủ
tướng vì lý do sức khỏe. Cố Thủ tướng Abe chính là vị Thủ tướng có thời
gian tại nhiệm liên tục dài nhất Nhật Bản, vượt qua kỷ lục của Thủ tướng
Eisaku Sato.
Sau khi rời nhiệm sở, ông Abe vẫn tích cực tham gia các hoạt động
chính trị. Ngày 11/11/2021, chính trị gia này đã trở thành nhà lãnh đạo
của Seiwa Seisaku Kenkyukai – phái lớn nhất trong LDP. Tuy nhiên, vào
ngày 8/7 vừa qua, ông đã bị sát hại khi đang vận động tranh cử cho một
ứng cử viên của LDP ở thành phố Nara, miền Tây Nhật Bản.
Để ghi nhận các đóng góp của cố Thủ tướng Abe, vào ngày 11/7, Chính
phủ Nhật Bản đã quyết định truy tặng “Chiếc vòng cổ Huân chương Hoa
cúc”, danh hiệu cao quý nhất của nước này cho ông.
Bầu cử Italy: Liên minh trung hữu giành đa số rõ rệt tại Quốc hội
 |
Bà Giorgia Meloni, lãnh đạo đảng Anh em Italy (Fratelli d’Italia - FdI). (Ảnh: AFP) |
Kết quả chính thức của cuộc tổng
tuyển cử tại Italy ngày 25/9/2022 cho thấy, Liên minh trung hữu, gồm
đảng Anh em Italy (Fratelli d’Italia - FdI) của bà Giorgia Meloni, đảng
Liên đoàn phương Bắc của cựu Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini và đảng
Tiến lên Italy (Forza Italy) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, đã
giành được đa số rõ rệt tại cả Thượng viện và Hạ viện Italy.
Theo số liệu do Bộ Nội vụ Italy cung cấp, trong khi việc kiểm phiếu
đã hoàn tất ở 99% số điểm bỏ phiếu của đất nước này, đảng Anh em Italy
(Fratelli d’Italia - FdI) đã thu được 26% số phiếu bầu. Do đó, bà
Giorgia Meloni, nhà lãnh đạo của Fdl, rất có thể sẽ trở thành Thủ tướng
tiếp theo của đất nước Italy. Nếu đúng như vậy, bà sẽ là người phụ nữ
đầu tiên nắm giữ chức vụ và lãnh đạo chính phủ cánh hữu nhất trong lịch
sử nước Italy thời hậu chiến.
Cùng trong Liên minh trung hữu, đảng Liên đoàn phương Bắc của cựu Bộ
trưởng Nội vụ Matteo Salvini và đảng Tiến lên Italy (Forza Italy) của
cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi giành được lần lượt khoảng 8,7% và 8,1%
số phiếu.
Đối thủ cạnh tranh chính của Fdl, Đảng Dân chủ (PD) do ông Enrico
Letta lãnh đạo đã giành được 19% số phiếu và thừa nhận thất bại. Trong
khi toàn bộ liên minh cánh hữu giành được từ 43,7 – 44% số phiếu, thì
liên minh trung tả - bao gồm PD và 3 đồng minh nhỏ - giành được khoảng
26%. Điều này có nghĩa là chính phủ cánh hữu tiếp theo sẽ có thể kiểm
soát đa số ghế trong Hạ viện và Thượng viện.
Phong trào 5 Sao (M5S) theo chủ nghĩa dân túy đã giành được hơn 15%
số phiếu bầu, và lãnh đạo của M5S là cựu Thủ tướng Giuseppe Conte tuyên
bố rằng họ sẽ đóng vai trò là đảng đối lập trong Quốc hội tiếp theo.
Gần 51 triệu cử tri đủ điều kiện trong tổng dân số 59 triệu người tại
Italy đã tham gia bỏ phiếu để bầu 200 thượng nghị sĩ và 400 hạ nghị sĩ.
Điểm đặc biệt của cuộc bầu cử lần này là các cử tri trên 18 tuổi lần
đầu được bầu các thành viên của Thượng viện. Trước đây, họ chỉ được bỏ
phiếu bầu các thành viên của Hạ viện và chỉ những cử tri trên 25 tuổi
mới được đi bầu các thượng nghị sĩ.
Triều Tiên lại phóng tên lửa
 |
Người dân Seoul, Hàn Quốc, xem truyền hình đưa tin Triều Tiên phóng tên lửa
đạn đạo ngày 25/9. (Ảnh: Reuters) |
Theo hãng tin Yonhap, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) của Hàn
Quốc cho biết tối 29/9, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn
(SRBM) từ khu vực Sunchon ở tỉnh Nam Pyongan ra vùng biển phía Đông nước
này.
JCS nêu rõ đã phát hiện các vụ phóng từ khu vực Sunchon ở tỉnh Nam
Pyongan trong khoảng thời gian từ 20h48 – 20h57 (giờ địa phương). Tuy
nhiên, JCS không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Trong thông báo bằng văn bản gửi đến báo giới, JSC nêu rõ: "Trong khi
đang tăng cường cảnh giác và giám sát, quân đội của chúng tôi đang duy
trì tình trạng sẵn sàng cao và hợp tác chặt chẽ với Mỹ."
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada cho biết 2
tên lửa Triều Tiên vừa phóng đã bay khoảng 300 km ở độ cao 50 km. Chỉ
trích các vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên, ông cho rằng điều
này là “không thể chấp nhận được”.
Đây là lần thứ 3 Triều Tiên phóng tên lửa trong tuần này. Trước đó,
chiều 28/9, phía Nhật Bản và Hàn Quốc thông báo Triều Tiên vừa phóng tên
lửa đạn đạo ra vùng biển phía đông. Động thái của Triều Tiên diễn ra
ngay trước thềm chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Nhật
Bản và Hàn Quốc.
Cũng vào ngày 25/9, JCS khẳng định Triều Tiên đã phóng một tên lửa
đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản
vào sáng cùng ngày. JCS ước tính tên lửa đó bay được 600 km ở độ cao
khoảng 60 km, với tốc độ tối đa hơn 6.125 km/giờ.
Triều Tiên có động thái như trên trong lúc quân đội Hàn Quốc và Mỹ
tiến hành cuộc tập trận hải quân chung ở vùng biển ngoài khơi bờ biển
phía đông Hàn Quốc từ ngày 26-29/9, với sự tham gia của tàu sân bay USS
Ronald Reagan.
Nga điều tra "khủng bố quốc tế" vụ rò rỉ Nord Stream
 |
Một điểm rò rỉ khí đốt từ Nord Stream 2 trên vùng biển Đan Mạch. (Ảnh: Reuters)
|
Ngày 28/9, Văn phòng Công tố Liên bang Nga thông báo cơ quan an ninh
nước này đã mở cuộc điều tra “khủng bố quốc tế” đối với sự cố rò rỉ trên
các tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc dẫn khí đốt từ Nga sang Liên
minh châu Âu (EU).
Theo thông báo, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã mở cuộc điều
tra sau khi phát hiện "các hành động phá hoại có chủ đích nhằm vào các
đường ống dẫn khí đốt gần đảo Bornholm trên biển Baltic, gây thiệt hại
kinh tế đáng kể cho Liên bang Nga”.
Trước đó, ngày 27/9, Cơ quan Hàng hải Thụy Điển cảnh báo về 2 vết rò
rỉ trên tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), đoạn
chạy qua các vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch.
Cảnh báo được đưa ra ngay sau khi một vết rò rỉ trên tuyến đường ống
Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), đoạn chạy qua vùng đặc quyền
kinh tế của Đan Mạch, cũng được phát hiện. Cả 3 đoạn đường ống xảy ra sự
cố đều không hoạt động nhưng đã được bơm khí đốt.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Thủ tướng Đan
Mạch Mette Frederiksen ngày 27/9 cho rằng các vết rò rỉ là hậu quả của
hành vi phá hoại. Cảnh sát Thụy Điển cũng đã mở một cuộc điều tra sơ bộ
theo hướng trên.
Nord Stream 1 và 2 gần đây trở thành tâm điểm trong căng thẳng địa
chính trị, khi châu Âu tố Nga cắt nguồn cung khí đốt để vũ khí hóa năng
lượng, còn Moskva nói rằng các lệnh trừng phạt phương Tây khiến họ không
thể đảm bảo nguồn cung.
Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua
biển Baltic, gồm hai đường ống chạy song song với công suất mỗi bên là
27,5 tỷ m3 mỗi năm. Đường ống dừng hoạt động hoàn toàn từ đầu tháng 9,
khi tập đoàn Gazprom của Nga không thể mở lại sau bảo trì vì sự cố kỹ
thuật.
Nord Stream 2 hoàn thành cuối năm 2021, nằm gần như song song với
Nord Stream 1, sẽ giúp tăng gấp đôi nguồn cung khí đốt từ Nga sang Đức
lên 110 tỷ m3 mỗi năm. Berlin hoãn vô thời hạn cấp giấy phép cho Nord
Stream 2 hôm 22/2, hai ngày trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở
Ukraine.
Nga ký công nhận độc lập của các vùng Kherson và Zaporizhzhia
 |
Một số khu vực ở Ukraine tổ chức trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Nga. |
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận các vùng Kherson
và Zaporozhye ở miền Nam Ukraine là các lãnh thổ độc lập. Theo đó, văn
bản được công bố vào ngày 30/9 trên cổng thông tin pháp lý chính thức
của Nga.
“Theo đúng những nguyên tắc và chuẩn mực được tất cả chấp nhận của
luật pháp quốc tế, công nhận và tái khẳng định nguyên tắc về quyền bình
đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc được ghi trong Hiến chương Liên
Hợp Quốc, phù hợp với ý nguyện của người dân vùng Kherson tại cuộc trưng
cầu dân ý được tổ chức vào ngày 27/9/2022, tôi quyết định: Công nhận
chủ quyền và độc lập của khu vực Kherson”, sắc lệnh viết. Ngoài ra, nhà
lãnh đạo Nga đã ký một sắc lệnh tương tự, trong đó ông quyết định công
nhận sự độc lập của lãnh thổ vùng Zaporozhye.
Trước đó, ngày 27/9, giới chức hai khu vực trên của Ukraine đã công
bố kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga. Theo cơ quan
bầu cử địa phương ở vùng Zaporizhzhia, sau khi kiểm đếm toàn bộ số
phiếu, kết quả cho thấy 93,11% cử tri vùng này đã lựa chọn sáp nhập vào
Nga. Trong khi đó, giới chức vùng Kherson thông báo 87,05% cử tri khu
vực này cũng đã lựa chọn sáp nhập vào Nga, sau khi hoàn tất kiểm đếm
toàn bộ số phiếu.
Phát biểu trước Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), Tổng thống Ukraine
Volodymyr Zelensky ngày 27/9 tuyên bố sẽ không công nhận kết quả trưng
cầu dân ý ở các vùng trên và không đàm phán với Nga sau khi Moskva tiến
hành "trưng cầu dân ý" sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo Nga đang "leo thang nguy
hiểm" với kế hoạch sáp nhập lãnh thổ của Ukraine, vi phạm Hiến chương
LHQ. Ông Guterres tái khẳng định kế hoạch sáp nhập lãnh thổ
thuộc Ukraine vào lãnh thổ Nga là hành động "không bao giờ phù hợp với
mọi khung pháp lý quốc tế" và đi ngược mọi giá trị của cộng đồng quốc
tế./.