Nửa năm chiến sự Nga – Ukraine
 |
Trọng pháo Nga ở Donbass, miền Đông Ukraine. (Ảnh: Newsbeezer) |
Ngày 24/8 là tròn nửa năm cuộc xung đột
Nga – Ucraine bùng phát. Xung đột Nga – Ucraine bùng phát ngày 24/2 khi
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi quân sự hóa và phi
phát xít hóa Ucraine”. 6 tháng qua, chiến sự đã gây ra nhiều thương vong
nghiêm trọng cho cả hai phía, tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng tại khu vực
miền Đông và miền Nam Ucraine. Đồng thời, tác động sâu sắc tới cục diện
địa chính trị toàn cầu, trong đó có những thay đổi to lớn tại châu Âu
cũng nhưng trong quan hệ giữa Mỹ, châu Âu với nước Nga.
Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền
(OHCHR) cho biết hôm 22/8, kể từ ngày 24/2/2022, khoảng 5.587 thường dân
đã thiệt mạng và 7.890 người khác bị thương, tuy nhiên con số thương
vong thực sẽ cao hơn. Cùng giai đoạn này, Cao ủy Liên hợp quốc về người
tị nạn (UNHCR) báo cáo hơn 12 triệu người Ukraine đã buộc phải rời bỏ
nhà cửa, với hàng triệu người trong đó bỏ ra nước ngoài.
Ngoài tổn thất lớn về người, thiệt hại
vật chất do chiến sự gay ra với đất nước Ucraina cũng được đánh giá là
rất lớn. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế,
nền kinh tế Ukraine dự kiến suy giảm 45% vào năm 2022. Thủ tướng Ukraine
Denys Shmyhal cho biết vào tháng 7 rằng tổng số tiền tái thiết sau
chiến tranh sẽ tiêu tốn khoảng 750 tỷ USD và con số này có thể còn cao
hơn.
Bên cạnh các chi phí quân sự, phương Tây
đã áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc lên Moscow và đây được xem là
cú sốc lớn đối với nền kinh tế Nga kể từ nhiều năm nay. Ngân hàng trung
ương Nga hiện dự báo nền kinh tế trị giá 1,8 nghìn tỷ USD sẽ giảm 4% -
6% vào năm 2022, thấp hơn mức giảm 8% - 10% dự báo hồi tháng 4.
Không chỉ tác động nghiêm trọng đến
người dân và nền kinh tế hai quốc gia trực tiếp tham gia, xung đột Nga –
Ucraine còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá nhiêu liệu
và lương thực tăng cao lên mức kỷ lục tại hầu hết các khu vực trên thế
giới, làm tăng tỷ lệ lạm phát và kéo giảm tăng trưởng của hầu hết các
nền kinh tế. Tác động này đã được nhiều tổ chức và định chế tài
chính-kinh tế quốc tế xác nhận trong các báo cáo khác nhau. Trong đó,
Quỹ Tiền tệ Quốc tế hiện dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2%
trong năm nay, giảm so với 6,1% của năm ngoái và thấp hơn đáng kể so
với dự báo hồi tháng 4 là 3,6%, hồi tháng 1 là 4,4% và tháng 10 là 4,9%.
Có thể thấy rằng tác động và những hệ
lụy từ cuộc xung đột Nga – Ucraine là rất lớn với phạm vi ảnh hưởng rộng
khắp toàn cầu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là dù nửa năm đã trôi qua
nhưng cuộc xung đột đến nay vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sẽ
sớm kết thúc. Sau nhiều vòng thương lượng không mang lại kết quả trong
giai đoạn đầu, Nga và Ucraine đã dừng hoàn toàn các cuộc đàm phán từ hồi
tháng 4, khiến cho triển vọng đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong ngắn
hạn trở nên mờ mịt. Trong một tuyên bố chính thức ngày 12/8 vừa qua, ông
Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ucraina Volodymyr
Zelensky khẳng định rằng nước này không có lý do nào để tổ chức các cuộc
đàm phán với Nga trong bối cảnh hiện nay. Trong khi đó, tuyên bố với tờ
Financial Times hôm 22/8, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Gennady Gatilov
cũng cho rằng “đang không có bất kỳ giải pháp ngoại giao nào để chấm dứt
cuộc chiến ở Ucraina”. Không những thế, theo tờ New York Times, Tổng
thống Vladimir Putin hôm 25/8 đã ra lệnh tăng mạnh quy mô các lực lượng
vũ trang Nga, đảo ngược những nỗ lực kéo dài nhiều năm của Điện Kremlin
nhằm thu gọn một quân đội cồng kềnh và là dấu hiệu mới nhất cho thấy ông
đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài ở Ukraine, nơi Nga có thể đã
hứng chịu những tổn thất đáng kể. Sắc lệnh, đăng trên trang web của Điện
Kremlin, yêu cầu tăng thêm thành viên phục vụ tại ngũ khoảng 137.000
người, nâng tổng số lên 1,15 triệu người, tính đến tháng 1/2023, và yêu
cầu chính phủ chi trả cho chi phí gia tăng quân số. Đây là lần đầu tiên
sau 5 năm, Tổng thống Putin ra lệnh thay đổi tổng quân số lực lượng vũ
trang Nga.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy
cuộc chiến ở Ukraine có thể kéo dài đến mùa đông và sau đó nữa. Triển
vọng về một thỏa thuận hòa bình vẫn chưa mấy tươi sáng. Liên hợp quốc
cùng các quốc gia, vì vậy, vẫn cần tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy hai bên
có thể đàm phán và thỏa hiệp nhằm chấm dứt xung đột, bảo đảm an ninh và
ổn định không chỉ cho Nga, Ukraine mà còn đối với châu Âu và trên phạm
vi toàn cầu.
Châu Âu đối mặt nhiều khó khăn vì giá khí đốt cao kỷ lục
 |
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Balkan" ở Serbia. (Ảnh: IBNA/TTXVN) |
Với tư cách là Chủ tịch luận phiên của
Hội đồng châu Âu, Thủ tướng Cộng hoà Czech Petr Fiala, ngày 26/8, cho
biết sẽ triệu tập Bộ trưởng Năng lượng các nước để thảo luận các biện
pháp khẩn cấp cụ thể nhằm giải quyết tình hình năng lượng. Bộ trưởng
Thương mại Cộng hoà Czech Jozef Sikela cho biết cuộc họp sẽ diễn ra sớm
nhất có thể.
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh
giá khí đốt ở châu Âu ở mức cao kỷ lục 343 euro/megawatt giờ (tương
đương 100 USD/triệu BTU) vào hôm 26/7, tiềm ẩn mối đe doạ đối với các
ngành sử dụng nhiều năng lượng.
Hiệp hội Ngành Công nghiệp Phân bón EU
hôm 26/8 cũng cảnh báo rằng 70% sản lượng ở châu Âu đã bị cắt giảm do
giá khí đốt quá cao. Điều này cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng ở
châu Âu ngày càng trầm trọng, đe doạ các lĩnh vực sản xuất.
Tại châu Âu, giá khí đốt liên tiếp tăng
mạnh một phần do nguồn cung khí đốt của Nga qua tuyến đường ống Dòng
chảy phương Bắc 1 sang thị trường này bị gián đoạn. Nga thông báo sẽ tạm
dừng cung cấp khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1 trong ba ngày dự kiến
từ ngày 31/8 - 2/9 để bảo trì. Ngay cả sau khi kết thúc bảo trì, lượng
khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Dòng chảy phương Bắc 1 cũng chỉ đạt 33
triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất.
Trong bối cảnh lo ngại về sự sụt giảm
nguồn cung khí đốt đang gia tăng, châu Âu tiếp tục đối mặt với tình
trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng do các hư hại trong hệ thống đường
ống dẫn dầu từ Kazakhstan qua Nga, được Caspian Pipeline Consortium
(CPC) thông báo vào ngày 22/8. Theo CPC, hoạt động nạp dầu tại hai trong
ba điểm neo tại một trạm ở Biển Ðen đã bị ngưng trệ do hư hỏng tại các
điểm nối của ống bọc dưới nước với các bể chứa nổi.
Hạn hán nghiêm trọng ở Trung Quốc, châu Âu
Tại châu Âu, nhiều nước hiện đang trải
qua một đợt hạn hán được cho là tồi tệ nhất trong vòng 500 năm trở lại
đây. Nắng nóng kéo dài gây hạn hán, cháy rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng
đến sản xuất và đời sống người dân.
Đài quan sát Hạn hán toàn cầu của Ủy ban
châu Âu công bố báo cáo trong tuần này cho biết 47% châu Âu đang chịu
cảnh báo hạn hán - tức ít mưa và đất đang khô cằn - trong khi 17% châu
lục đang được cảnh báo hạn hán - tức cùng với đất khô cằn và các vấn đề
về lượng mưa, thảm thực vật đang có dấu hiệu căng thẳng. Italy, Tây Ban
Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Romania, Hungary,
phía Bắc Serbia, Ukraine, Moldova, Ireland và Vương quốc Anh đang trong
tình trạng ngày càng nguy hiểm khi phần lớn châu Âu chịu ảnh hưởng của
thời tiết khô hạn nghiêm trọng và dự kiến tiếp tục duy trì. Nước Anh vừa
trải qua tháng 7 khô hạn nhất kể từ năm 1935. Rất ít khu vực, chỉ có
phía Nam Cộng hòa Czech, miền Bắc Áo và các khu vực nhỏ ở miền Trung
nước Pháp, ghi nhận sự phục hồi.
Do hạn hán, mực nước sông ngòi đang giảm
mạnh và đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng... trên mức thông thường và ảnh
hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp, năng lượng. Nắng nóng khiến
cháy rừng bùng phát thiêu rụi khoảng 660.000 ha trên toàn châu Âu, vượt
"kỷ lục" năm 2017 (420.913 ha).
Và dự báo sản lượng ngũ cốc, ngô, đậu nành và hoa hướng dương của các nước EU thấp hơn 10% so với mức trung bình 5 năm qua.
 |
Những khu vực khô cạn của hồ Bà Dương thuộc tỉnh Giang Tây, miền Trung Trung Quốc. (Ảnh: AFP) |
Trong khi đó, hạn hán nghiêm trọng do
nắng nóng cũng đã lan ra gần một nửa diện tích Trung Quốc, bao gồm cả
cao nguyên Tây Tạng vốn thường xuyên lạnh giá. Thậm chí nhiệt độ cao
được dự báo còn tiếp diễn đối với hàng trăm triệu người dân.
Căn cứ vào biểu đồ do Trung tâm Khí hậu
quốc gia Trung Quốc (NCC) công bố ngày 24/8, miền Nam nước này chứng
kiến quãng thời gian ghi nhận nhiệt độ cao liên tục dài nhất, kể từ khi
các cơ quan chức năng bắt đầu theo dõi (thập niên 1960). Nhiều địa
phương đang trải qua các điều kiện hạn hán nghiêm trọng và bất thường.
Trong đó, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là lưu vực sông Dương Tử,
hay còn gọi là sông Trường Giang, trải dài từ duyên hải thành phố Thượng
Hải đến tỉnh Tứ Xuyên ở phía Tây Nam. Mức nhiệt 43,9 độ C được ghi nhận
vào chiều 24/8 là kỷ lục mới tại Tứ Xuyên. Ngoài ra, NCC dự báo thời
tiết trên 40 độ C vẫn duy trì trong vài ngày tới tại thành phố Trùng
Khánh cũng như các tỉnh Tứ Xuyên, Giang Tây và Chiết Giang. Dựa trên
cường độ, phạm vi và thời gian, đợt nắng nóng này có thể coi là nghiêm
trọng nhất trong lịch sử toàn cầu.
Cùng lúc, hạn hán và nắng nóng còn gây
ra nhiều đám cháy rừng tại các khu vực miền núi của Trung Quốc. Mực nước
trên các sông và hệ thống hồ chứa tại Trung Quốc cũng đang giảm đáng
kể. Đặc biệt, nước này vừa cảnh báo tình trạng khô hạn dọc sông Dương Tử
có thể kéo dài đến tháng 9 năm nay. Mực nước cạn kiệt tại sông Dương Tử
còn tác động đến việc phát điện tại nhiều nhà máy thủy điện quan trọng.
WHO nhận định số ca mắc đậu mùa khỉ đang có xu hướng giảm
 |
Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp nhưng nguy hiểm. (Ảnh: UN) |
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới
(WHO) công bố ngày 25/8, số ca mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận trên toàn
cầu đã giảm 21% trong tuần qua, đảo ngược xu hướng tăng liên tục trong
suốt một tháng qua và là dấu hiệu cho thấy đợt bùng phát tại châu Âu có
thể đã bắt đầu suy giảm.
WHO công bố số liệu hàng tuần cho thấy
có 5.907 trường hợp mắc mới đậu mùa khỉ trong quần qua. Iran và
Indonesia đã báo cáo ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ở hai nước này. Cho đến
nay, hơn 45.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa ở khỉ đã được báo cáo ở 98
quốc gia kể từ cuối tháng 4. Châu Mỹ chiếm 60% số ca mắc bệnh trong
tháng qua, trong khi các ca bệnh ở châu Âu chiếm khoảng 38%.
Tại một cuộc họp báo hôm 25/8, Tổng Giám
đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, mặc dù có những dấu hiệu
cho thấy dịch đậu mùa khỉ đang chậm lại ở châu Âu, nơi từng chiếm tới
90% số trường hợp nhiễm được xác nhận trên thế giới, nhưng sự lây lan
của virus hiện đang gây ra lo ngại ở nơi khác. Ông Tedros nói: "Đặc biệt
ở châu Mỹ Latin, tình trạng thông tin không đầy đủ hoặc thiếu các biện
pháp y tế công cộng, kết hợp với việc thiếu khả năng tiếp cận với
vaccine có thể khiến dịch bệnh bùng phát"./.