Liên hợp quốc cảnh báo về nạn đói “chưa từng có”
 |
Một gia đình chia sẻ bữa ăn ở Yemen với thực phẩm từ WFP. (Ảnh: UN) |
Tại một hội nghị về an ninh lương của
Liên hợp quốc diễn ra hôm 24/6, Tổng thư ký Antonio Guterres cho biết
thế giới đang phải đối mặt với một nạn đói “chưa từng có” như một hậu
quả của cuộc xung đột tại Ukraine cũng như các vấn đề đã tồn tại nhiều
năm như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và tình trạng phát triển
không đồng đều.
Hơn 460.000 người ở Somalia, Yemen và
Nam Sudan đang trong tình trạng đói, hàng triệu người ở 34 quốc gia đang
bên bờ vực nạn đói - theo đánh giá của Phân loại Giai đoạn An ninh
Lương thực Tổng hợp (IPC). Đây là thước đo được các cơ quan Liên hợp
quốc, khu vực và nhóm viện trợ sử dụng để xác định tình trạng mất an
ninh lương thực.
"Nạn đói nguy cơ xảy ra ở nhiều nơi
trong năm nay, thậm chí có thể tồi tệ hơn vào năm 2023" – ông Guterres
nói và gọi nạn đói diện rộng là không thể chấp nhận được trong thế kỷ
21. Ông Guterres nhận định không có giải pháp hữu hiệu nào cho cuộc
khủng hoảng trừ khi Nga và Ukraine, hai quốc gia cung cấp khoảng 29%
lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu tìm ra cách hợp lý để nối lại hoạt động
thương mại.
Các chuyến hàng từ các cảng của Ukraine
đã tạm dừng sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.
Trong khi đó, Moscow muốn phương Tây dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt
để tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc và phân bón. Chiến sự Nga - Ukraine đang
kéo theo cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu khi hai nước là những nhà
sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới. Nga và Ukraine lần lượt là các nước
xuất khẩu lúa mì lớn nhất và lớn thứ 5 thế giới.
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, để giải
quyết cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay cần phải tái hội nhập sản
xuất lương thực của Ukraine, cũng như thực phẩm và phân bón do Nga sản
xuất vào các thị trường thế giới. Ngoài ra, cần giải quyết cuộc khủng
hoảng tài chính ở các nước đang phát triển. Các nước phát triển và các
tổ chức tài chính quốc tế cần cung cấp các nguồn lực để giúp đỡ chính
phủ các nước đang phát triển hỗ trợ và đầu tư vào người dân của họ.
WHO họp phiên khẩn cấp đầu tiên về bệnh đậu mùa khỉ
 |
Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp nhưng nguy hiểm. (Ảnh: UN) |
Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế
giới (WHO) về bệnh đậu mùa khỉ đã họp vào ngày 23/6 tại Geneva để quyết
định xem sự bùng phát của các ca bệnh có phải là tình trạng khẩn cấp
quốc tế hay không, cũng như đưa ra các khuyến nghị, đặc biệt là về việc
tiêm chủng. Đây là cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Khẩn cấp về Quy định Y
tế Quốc tế liên quan đến sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ ở một số quốc
gia.
Thông báo về quyết định của cuộc họp Ủy
ban chuyên gia hôm 23/6, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus
cho biết Ủy ban Khẩn cấp này đã chia sẻ quan ngại nghiêm túc về quy mô
và tốc độ lây lan của bệnh đậu mùa khỉ hiện nay, với lưu ý về những yếu
tố không xác định liên quan đến đợt bùng phát và khoảng trống trong dữ
liệu.
Theo Tổng Giám đốc WHO, báo cáo của Ủy
ban Khẩn cấp đã thể hiện lập trường chung giữa những quan điểm khác biệt
của các thành viên. Cụ thể, trong báo cáo, ủy ban chuyên gia này đã
khuyến nghị ông Tedros rằng ở thời điểm hiện tại bệnh đậu mùa khỉ chưa
cấu thành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) -
mức độ cảnh báo cao nhất mà WHO có thể ban bố. Tuy nhiên, theo ông
Tedros, bản thân việc WHO triệu tập Ủy ban đang thể hiện mối quan ngại
ngày càng gia tăng về tình trạng lây lan quốc tế của đậu mùa khỉ.
Cuộc họp khẩn của WHO diễn ra trong bối
cảnh ca bệnh đậu mùa khỉ đang tăng mạnh và các nhà khoa học phát hiện
virus này có tốc độ đột biến chưa từng thấy. Kể từ đầu tháng 5 đến nay,
nhiều ca mắc đậu mùa khỉ đã được ghi nhận ngoài các nước khu vực Tây và
Trung Phi, vốn lâu nay bệnh được coi là đặc hữu. Tổng cộng đã có hơn
3.200 ca mắc và 1 ca tử vong được báo cáo lên WHO từ hơn 50 quốc gia,
phần lớn ở các nước Tây Âu.
Đến nay WHO mới 6 lần tuyên bố một bệnh là PHEIC kể từ năm 2009, với lần gần nhất là với đại dịch COVID-19 vào năm 2020.
Động đất mạnh tại Afghanistan gây hậu quả nghiêm trọng
 |
Hàng nghìn người thương vong và rất nhiều ngôi nhà bị phá hủy sau trận động đất ngày 22/6/2022. (Ảnh: AP) |
Ngày 22/6, một trận động đất 6,1 độ
richer đã xảy ra tại tỉnh Paktika, miền Đông Afghanistan đã cướp đi sinh
mạng của hơn 1.500 người và khiến ít nhất 2.000 người khác bị thương.
Theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ
(USGS), trận động đất đã làm rung chuyển khu vực cách thành phố Khost -
gần biên giới Pakistan, 44km về phía Tây Nam. Tâm chấn của trận động đất
ở độ sâu 50,83km, ban đầu được xác định ở vị trí 33,1087 độ vĩ Bắc và
69,5285 độ kinh Đông. Rung chấn từ trận động đất lan rộng tới 500 km,
khiến 119 triệu người ở Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ đều cảm nhận
được.
Đây là trận động đất có nhiều người chết
nhất tại Afghanistan trong vòng hai thập kỷ qua. Tại một số khu vực gần
chấn tâm thuộc tỉnh Paktika, nhiều ngôi làng bị chôn vùi hoàn toàn.
Sau lời kêu gọi giúp đỡ của chính quyền
địa phương, nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Quỹ Nhi
đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Cơ
quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Liên minh châu Âu (EU) đã điều các
nhân viên y tế cũng như gửi trang thiết bị y tế, đồng thời cho biết sẵn
sàng hỗ trợ khi cần thiết. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang triển khai
các đội y tế lưu động, thuốc men và thiết bị y tế đến các tỉnh Paktika
và Khost cũng như huy động thêm nguồn cung cấp y tế. Ấn Độ gửi 27 tấn
hàng viện trợ tới các cơ quan cứu trợ quốc tế nhằm giúp đỡ Afghanistan.
Quốc gia láng giềng Pakistan cũng chuyển hàng cứu trợ sang nước này…
Tới ngày 23/6, người phát ngôn Cơ quan
Giải quyết thảm họa Afghanistan Mohammad Nassim Haqqani cho biết chiến
dịch tìm kiếm và cứu nạn sau trận động đất kinh hoàng tại miền Đông
Afghanistan đã hoàn tất tại các khu vực chính, song vẫn tiếp diễn ở
những vùng hẻo lánh. Ông Haqqani cho hay: “Chiến dịch đã hoàn tất tại
các huyện quan trọng, song ở một số khu vực hẻo lánh, chiến dịch vẫn
đang tiếp diễn; các nhóm công tác đang nỗ lực tại đó, chúng tôi chưa thể
khẳng định rằng mọi việc đã được hoàn thành”.
Những hệ lụy từ "cuộc chiến" khí đốt giữa Nga và EU
Tuần trước, Nga đã giảm cung cấp khí đốt
cho 5 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Đức, nền kinh tế
lớn nhất của khối. Theo đó, Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga
cắt giảm 60% nguồn cung thông qua dòng chảy phương Bắc 1. Gazprom cho
biết, họ phải cắt giảm các dòng chảy đến châu Âu thông qua dòng chảy
phương Bắc 1 vì các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến một thiết bị
quan trọng được đưa đi bảo trì tại Canada đã bị mắc kẹt.
EU phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga
để sản xuất điện và vận hành ngành công nghiệp năng lượng. Chính vì vậy,
hành động của "gã khổng lồ" năng lượng Nga đã khiến giá khí đốt tự
nhiên tăng mạnh. Điều đó làm tăng doanh thu cho Nga vào thời điểm nước
này đang chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây và
gây thêm căng thẳng cho châu Âu khi nước này hỗ trợ về chính trị và quân
sự cho Ukraine.
Trước đó, Moscow cũng đã ngừng cung cấp
khí đốt ở Ba Lan, Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp và Hà Lan. Ban đầu,
hành động này ít tác động đến các quốc gia bởi Ba Lan đã lên kế hoạch
loại bỏ dần khí đốt của Nga vào cuối năm nay, trong khi đó, những nước
khác có nguồn cung cấp thay thế. Tuy nhiên, các khoản cắt giảm mới nhất
từ Moscow lại "đánh" vào các quốc gia là nền kinh tế lớn và sử dụng
nhiều khí đốt tự nhiên của Nga. Đơn cử như Đức - quốc gia phụ thuộc
khoảng 35% lượng khí đốt nhập khẩu từ Moscow, hay Italy phụ thuộc khoảng
40%.
Ngày 20/6, Đan Mạch đã phát “cảnh báo
sớm” cấp độ 1 trước những lo ngại về việc thiếu hụt khí đốt. Mặc dù chỉ
nhập khẩu 4% tổng năng lượng tiêu thụ từ Moscow và có thể nhập lại khí
đốt từ các thị trường khác trong khối EU, nhưng việc Điện Kremlin siết
nguồn cung qua một trong những đường ống dẫn khí lớn nhất của mình cũng
đã khiến Copenhagen gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng.
Sau Đan Mạch, ngày 22/6, Cơ quan năng
lượng Thụy Điển đã đưa ra "cảnh báo sớm", kích hoạt kế hoạch cung cấp
khí đốt khẩn cấp 3 giai đoạn trước tình trạng thiếu khí đốt do nguồn
cung khí đốt của Nga trên thị trường châu Âu giảm.
Chỉ một ngày sau đó, Chính phủ Đức cũng
đã kích hoạt "mức báo động" trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt của nước
này, trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga giảm và giá khí đốt liên
tục ở mức cao.
Ngoài 3 quốc gia nêu trên, Italy, Thụy
Sĩ và một số nước khác bắt đầu kích hoạt cảnh báo sớm trong lộ trình ứng
phó khủng hoảng khí đốt.
Theo giới phân tích, an ninh khí đốt của
châu Âu đang trong tình trạng rất mong manh. Các nhà ga xuất khẩu khí
đốt hóa lỏng ở các nước sản xuất năng lượng như Mỹ và Qatar đang quá
tải, điều đó đồng nghĩa với việc châu Âu có thể phải tìm mua khí đốt từ
châu Á. Thêm vào đó, một vụ nổ và hỏa hoạn tại một nhà ga xuất khẩu ở
Freeport, Texas, đã làm mất 1% công suất xuất khẩu của Mỹ trong nhiều
tháng. Công ty nghiên cứu năng lượng độc lập Rystad Energy cho hay, hầu
hết xuất khẩu của nhà ga này là sang châu Âu.
Nhà phân tích hàng hóa Carsten Fritsch
tại Commerzbank Research nhận định, tình hình trên thị trường khí đốt tự
nhiên châu Âu đang rất căng thẳng. Thời gian tới, dòng chảy phương Bắc 1
sẽ đóng cửa bảo trì theo lịch trình và khí đốt sẽ tạm dừng chảy qua
đường ống từ ngày 11-21/7.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật lịch sử về kiểm soát súng đạn
Ngày 24/6, Hạ viện Mỹ đã thông qua một
dự luật lưỡng đảng, được coi là quy định về vũ khí quan trọng nhất trong
gần 30 năm qua ở một đất nước đang bị chấn động bởi các vụ xả súng xảy
ra hằng ngày. Với 234 phiếu thuận và 193 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã tán
thành "Đạo luật Cộng đồng An toàn hơn" dài 80 trang về kiểm soát súng
đạn. Toàn bộ thành viên đảng Dân chủ bỏ phiếu thuận, trong khi 14 thành
viên đảng Cộng hòa ủng hộ dự luật này.
Văn bản "Đạo luật Cộng đồng An toàn hơn"
dài 80 trang, trong đó có các nội dung chi hàng triệu USD cho vấn đề
sức khỏe tâm thần, an toàn trường học, các chương trình can thiệp khủng
hoảng và khuyến khích các bang đưa hồ sơ vị thành niên vào Hệ thống Kiểm
tra lý lịch hình sự quốc gia.
Dự luật cũng đưa ra những thay đổi đáng kể về quy định mua súng đối với các đối tượng ở độ tuổi từ 18 đến 21.
Dự luật này là một nỗ lực mang tính liên
bang mới quan trọng nhất nhằm giải quyết nạn bạo lực súng đạn tại Mỹ kể
từ khi lệnh cấm vũ khí tấn công có hiệu lực trong 10 năm hết hạn vào
năm 1994.
Các nhà lập pháp Mỹ tìm cách thúc đẩy để dự luật được thông qua trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ ngày 4/7 tới.
Trước đó, trong tối 23/6, Thượng viện Mỹ
cũng đã bỏ phiếu thông qua dự luật này với tỷ lệ 65 phiếu thuận và 33
phiếu chống. Trong đó, 15 thành viên đảng Cộng hòa, bao gồm cả lãnh đạo
phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell ủng hộ./.