Thế giới đón Năm mới 2022 trong trạng thái “bình thường mới”
 |
Người dân tại Saint Petersburg (Nga) hạn chế ra ngoài trong đêm Giao thừa do lo ngại COVID-19. (Ảnh: Tuấn Hà) |
Đã bước sang năm thứ ba kể từ khi Tổ
chức Y tế thế giới (WHO) gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới vẫn
chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột
biến, tạo ra các biến chủng mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn, khiến số
ca nhiễm mới vẫn không ngừng gia tăng. Số liệu trên trang web thống kê
worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 02/01/2022, thế giới có
tổng số 289.712.665 ca nhiễm và 5.457.079 ca tử vong vì dịch COVID-19.
Và sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến hoạt động chào đón Năm mới
2022 bị hủy hoặc thu hẹp quy mô ở nhiều nơi thế giới để đề phòng virus
lây lan.
Không có những màn chào đón Năm mới
truyền thống tại hầu hết công trình nổi tiếng thế giới, chẳng hạn,
chương trình bắn pháo hoa trên Khải Hoàn Môn ở Paris (Pháp), tháp đồng
hồ Big Ben ở London (Anh) và tháp đôi Petronas Towers ở Kuala Lumpur
(Malaysia) đều bị hủy.
Tại Trung Quốc, nhà chức trách đã kêu
gọi người dân hạn chế các hoạt động tụ tập đông người. Tại Hàn Quốc,
giới chức thành phố Seoul cũng cấm người dân tới xem sự kiện truyền
thống rung chuông đêm giao thừa. Thay vào đó, các gia đình có thể theo
dõi sự kiện này trực tiếp trên truyền hình hoặc trên nền tảng thực tế ảo
metaverse. Tại Ấn Độ, chính quyền thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã áp dụng
quy định giới nghiêm vào lúc 22h. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio kêu
gọi người dân đeo khẩu trang tại các bữa tiệc và giới hạn số người tham
dự.
Tại Mỹ, các nhà chức trách thu hút khán
giả tại một sự kiện đếm ngược đón năm mới ở Los Angeles, thu hẹp quy mô
sự kiện đón năm mới ở New York khi chỉ cho phép 15.000 người - đã tiêm
vaccine COVID-19 và đeo khẩu trang - vào bên trong khu vực xung quanh
Quảng trường Thời đại.
Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin tưởng
nhớ những người đã tử vong trong dịch COVID-19, ca ngợi sức mạnh của
người Nga trong thời kỳ khó khăn và cảnh báo rằng, đại dịch “vẫn chưa
rút đi”.
Trong khi đó, người dân CH Séc cũng đã
phải đón một năm mới lặng lẽ do chính phủ phải thắt chặt các biện pháp
chống dịch nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.
 |
Pháo hoa sớm trên cảng Sydney, Australia. (Ảnh: Getty) |
Mặc dù vậy, đại dịch COVID-19 cũng vẫn không thể làm thế giới hết lạc quan về tương lai của năm 2022 đầy hứa hẹn.
Thái Lan đón năm mới 2022 bằng màn pháo
hoa ấn tượng bên bờ sông Chao Phraya (thủ đô Bangkok). Lễ hội đón giao
thừa hoành tráng cũng được tổ chức ở Phuket và Pattaya. Cùng với đó,
Australia cũng vẫn quyết tâm đón năm mới bằng màn pháo hoa hoành tráng ở
Sydney. Hơn 6 tấn pháo hoa được phóng lên trong 2 màn trình diễn lúc
21h (dành cho các gia đình có con nhỏ) và lúc 0h. Thủ tướng Australia
Scott Morrison chúc mọi người "tận hưởng buổi tối vui vẻ”, trong khi Thủ
hiến bang New South Wales - Dominic Perrottet kêu gọi người dân “ra
ngoài đón năm mới”. Rất nhiều người đổ về vịnh Sydney để thưởng thức
khoảnh khắc rực rỡ đón mừng chuyển giao sang Năm mới.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới
(WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra thông điệp đầy hy vọng về việc
đánh bại đại dịch COVID-19 vào năm 2022. “Sau 2 năm, giờ đây chúng ta đã
hiểu rõ về loại virus này. Chúng ta đã biết được các biện pháp có thể
giúp kiểm soát tốc độ lây lan của virus như: sử dụng khẩu trang, hạn chế
tụ tập, giữ khoảng cách, vệ sinh tay, mở cửa sổ thông gió, xét nghiệm
và truy vết… Chúng ta đã biết cách điều trị bệnh, nâng cao cơ hội sống
sót cho những người mắc bệnh nặng. Với tất cả những kiến thức và khả
năng này, chúng ta đang nắm trong tay cơ hội để xoay chuyển đại dịch” –
ông Tedros viết.
Hội đồng Bảo an nhất trí gia hạn nhiệm vụ của Cơ quan điều hành chống khủng bố
 |
Hội đồng Bảo an đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2617 với 15/15 phiếu thuận. |
Ngày 30/12, Hội đồng Bảo an Liên hợp
quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2617 với 15/15 phiếu thuận. Nghị
quyết 2617 gia hạn nhiệm vụ của Cơ quan điều hành chống khủng bố (CTED)
thêm 4 năm, đến ngày 31/12/2025, để theo dõi, đánh giá, hỗ trợ việc thực
hiện các nghị quyết của HĐBA về chống khủng bố. Nghị quyết 2617 khuyến
khích CTED đánh giá các nỗ lực của quốc gia trong bảo đảm hình sự hoá và
truy tố tội phạm khủng bố.
Nghị quyết đưa ra các biện pháp nhằm
tăng cường công tác đánh giá, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của
CTED, như yêu cầu CTED hàng năm báo cáo, khuyến nghị lên Ủy ban chống
khủng bố (CTC) một danh sách các chuyến thăm, xây dựng các hoạt động hỗ
trợ trên cơ sở năng lực và nhu cầu của quốc gia, tăng cường trao đổi,
tham vấn với các học giả, cơ quan nghiên cứu, khu vực tư nhân, nếu được
quốc gia cho phép, nhằm hỗ trợ công tác đánh giá hiệu quả và đúng trọng
tâm hơn.
Nghị quyết cũng khẳng định Hội đồng Bảo
an cam kết chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, trong đó có các
hình thái mới dựa trên tư tưởng bài ngoại, phân biệt đối xử và các tư
tưởng cực đoan khác, cũng như việc khủng bố sử dụng công nghệ cao,
internet, tiền ảo, hệ thống bay không người lái. HĐBA sẽ tiến hành kiểm
điểm giữa kỳ công việc của CTED trước ngày 31/12/2023.
CTED là cơ quan thuộc Ban Thư ký Liên
hợp quốc, có tính chất phái bộ chính trị đặc biệt. CTED được thành lập
tại Nghị quyết 1535 (2004) của Hội đồng Bảo an và chịu sự chỉ đạo của Uỷ
ban chống khủng bố (CTC).
Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 - 2021
 |
Việt Nam đã hoàn thành nhiệm kỳ Ủy viên không thường
trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020 - 2021 một cách có bản sắc.
(Ảnh: TG&VN) |
Trong hai năm 2020 - 2021, Hội đồng Bảo
an đã có gần 900 cuộc họp cấp Đại sứ trở lên, hàng nghìn cuộc tham vấn
các cấp, thông qua 247 văn kiện (trong đó có 111 Nghị quyết, 37 Tuyên bố
Chủ tịch, 100 Tuyên bố báo chí). Thảo luận về nhiều vấn đề quốc tế nóng
nhất, từ COVID-19, biến đổi khí hậu, hoạt động gìn giữ hòa bình, bảo vệ
thường dân, chống khủng bố… đến xung đột, bất ổn tại Libya,
Israel-Palestine, Ethiopia, Syria, Myanmar…
Trong hai năm qua, Việt Nam đã tham gia
bàn thảo, tìm giải pháp cho tất cả các vấn đề trong chương trình nghị sự
Hội đồng Bảo an ở tất cả các khu vực, trong đó có các cuộc xung đột ở
châu Phi, khủng hoảng nhân đạo ở khu vực Trung Đông, cũng như các vấn đề
chủ đề quan trọng như chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bảo vệ
thường dân trong xung đột vũ trang, an ninh biển, biến đổi khí hậu, ứng
phó với đại dịch COVID-19...; thúc đẩy đồng thuận chung, thúc đẩy hợp
tác, đối thoại, giảm căng thẳng, đối đầu; tìm giải pháp công bằng, hợp
lý cho các vấn đề đe doạ hoà bình, an ninh khu vực và quốc tế; giữ vững
nguyên tắc song linh hoạt, khéo léo trong ứng xử với các nước, các bên.
Có thể thấy rằng các sự kiện điểm nhấn
và sáng kiến do Việt Nam khởi xướng, thúc đẩy vừa hài hòa với lợi ích và
quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về việc cần bảo đảm tính mạng, an
toàn và sinh kế bền vững của người dân trước, trong và sau xung đột, vừa
có sự liên thông, kết nối xuyên suốt với phương châm “Đối tác vì một
nền hoà bình bền vững” tại Hội đồng Bảo an của Việt Nam, góp phần lan
tỏa thông điệp về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hoà bình, năng động,
đổi mới và sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa cho công việc chung, vì hoà
bình, an ninh và phát triển trên thế giới, qua đó cũng thể hiện năng
lực, bản lĩnh, bản sắc và tư duy đổi mới, sáng tạo của đối ngoại Việt
Nam tại Hội đồng Bảo an.
Tại Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã chủ
động, tích cực đóng góp cho công việc chung của cộng đồng, thể hiện sinh
động hình ảnh Việt Nam đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện, yêu chuộng
hòa bình, tích cực và trách nhiệm, có năng lực, bản lĩnh và bản sắc đối
ngoại theo phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, qua đó tạo thêm giá trị,
nền tảng lâu dài cho việc hiện thực hóa khát vọng, tầm nhìn phát triển
của đất nước trong giai đoạn mới. Các thành quả đó càng có ý nghĩa, tầm
vóc nhất là khi tình hình an ninh, chính trị quốc tế và tại Hội đồng Bảo
an phức tạp, căng thẳng hơn nhiều so với nhiệm kỳ 2008 - 2009.
Nga – Mỹ tăng cường đối thoại, giải quyết bất đồng
 |
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AFP) |
Ngày 30/12/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden
và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm, thảo luận về mối
quan hệ đang căng thẳng giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề
Ukraine, cũng như chiến lược mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây
Dương (NATO) sang phía Đông.
Cuộc điện đàm được thực hiện theo đề
nghị của nhà lãnh đạo Nga, kéo dài 50 phút và mở ra cánh cửa cho một
giải pháp ngoại giao trong các cuộc đàm phán trực tiếp dự kiến diễn ra
vào tháng tới. Đây là lần thứ hai trong vòng ba tuần, hai nhà lãnh đạo
Mỹ - Nga có các cuộc tiếp xúc, điện đàm với nhau. Kết quả nổi bật chính
là việc cả ông Putin và ông Biden đều bày tỏ sự ủng hộ sử dụng thêm các
biện pháp ngoại giao trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Ông Yury Ushakov, cố vấn chính sách đối
ngoại của Tổng thống Putin cho biết, cuộc điện đàm tập trung vào các
đảm bảo an ninh mà Moskva muốn từ phương Tây, trong đó có cả việc ngăn
Ukraine gia nhập NATO. Theo ông Yury Ushakov, nhà lãnh đạo Nga đã nói
với Tổng thống Biden rằng, các biện pháp trừng phạt đối với Moscow sẽ là
“sai lầm lớn”, cảnh báo việc phương Tây áp đặt trừng phạt với Nga liên
quan đến vấn đề Ukraine có thể dẫn đến hậu quả là cắt đứt quan hệ.
Bên cạnh đó, Tổng thống Nga Putin cũng bày tỏ sự “hài lòng” về kết
quả mang tính “thực chất” của cuộc điện đàm vừa diễn ra với người đồng
cấp Mỹ Joe Biden.
Trong khi đó, Nhà Trắng nhấn mạnh rằng
Tổng thống Joe Biden đã hối thúc người đồng cấp Nga giảm bớt căng thẳng -
vài giờ sau khi có thông tin không quân Mỹ điều máy bay do thám thứ hai
tới gần Ukraine.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho
biết: “Tổng thống Biden nói rõ rằng Mỹ và các đồng minh và đối tác sẽ
đáp trả một cách dứt khoát nếu Nga tấn công Ukraine”.
Một quan chức khác trong Chính phủ Mỹ
đánh giá cuộc điện đàm thứ hai trong vòng hơn 3 tuần qua giữa Tổng thống
Biden và người đồng cấp Putin là "nghiêm túc và thực chất".
Tổng thống Mỹ ký thông qua dự luật quốc phòng trị giá 770 tỷ USD
 |
Máy bay ném bom B-1B (Ảnh: Getty Images) |
Ngày 27/12, Nhà Trắng cho biết Tổng
thống Mỹ Joe Biden đã ký phê chuẩn thành luật đối với Đạo luật ủy nhiệm
quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2022, qua đó phê duyệt khoản ngân
sách 770 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng.
Trước đó trong tháng này, hai viện của
Quốc hội Mỹ đã thông qua với tỷ lệ ủng hộ cao từ cả hai phe Cộng hòa và
Dân chủ đối với dự luật ngân sách có vai trò định hướng chính sách của
Bộ Quốc phòng trong năm tới.
NDAA 2022 tăng hơn 5% so với năm trước,
gồm các khoản chi trả cho việc tăng 2,7% lương cho quân nhân, mua sắm
thêm máy bay và tàu chiến bên cạnh việc xây dựng các chiến lược đối phó
với những nguy cơ địa chính trị.
Ngân sách quốc phòng Mỹ 2022 cũng bao
gồm 300 triệu USD cho Sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine, 4 tỷ USD cho
Sáng kiến phòng thủ châu Âu./.