Nỗ lực tiêm chủng cho trẻ em để bảo vệ cộng đồng
Nhằm thích ứng với tình hình mới, nhiều
nước trên thế giới đã và đang chuyển sang trạng thái thích ứng, sống
chung an toàn với COVID-19. Cùng với các nỗ lực mở cửa biên giới, khôi
phục các hoạt động du lịch, kinh tế, chiến dịch tiêm vaccine ngừa
COVID-19 vẫn đang được các nước đẩy mạnh để bảo vệ cả cộng đồng.
 |
Các nước trên thế giới đang đẩy mạnh nỗ lực tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em (Ảnh: Getty Images) |
Thống kê của hãng Bloomberg cho thấy,
hơn 6,64 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu tại 184 quốc gia và
vùng lãnh thổ, tương ứng với tỷ lệ 43,2% dân số thế giới đã được tiêm
chủng. Trung bình mỗi ngày 26,6 triệu liều vaccine được tiêm và với tốc
độ tiêm này, thế giới sẽ mất 6 tháng để bao phủ vaccine cho 75% dân số
toàn cầu.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em đã
trở thành một vấn đề ngày càng được quan tâm khi biến thể Delta có xu
hướng tấn công nhiều người trẻ, đặc biệt là trẻ em chưa được tiêm phòng,
bằng chứng là đã bùng phát nhiều ổ dịch tại trường học và số trẻ em
nhập viện vì COVID-19 gia tăng ở nhiều nước. Tại Mỹ, trong tuần đầu tiên
của tháng 8 đã có gần 94.000 trẻ mắc COVID-19, chiếm khoảng 15% số ca
nhiễm mới ở nước này thời điểm đó. Trong đợt dịch tái bùng phát tại
Indonesia đầu tháng 7 vừa qua, mỗi tuần nước này ghi nhận hơn 100 trẻ em
tử vong do COVID-19. Thực tế này khiến hàng loạt nước trên thế giới đã
đưa ra chính sách hạ độ tuổi tiêm phòng COVID-19, tập trung vào chiến
dịch tiêm chủng cho trẻ em, nhằm bảo vệ trẻ em và cũng là bảo vệ cả cộng
đồng.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang coi
việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em là một trong những giải pháp
chủ chốt để tiến tới mở cửa trường học, cho phép trẻ em tham gia các
hoạt động trong đời sống xã hội, dần đưa cuộc sống trở lại bình thường,
đồng thời cũng để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Việc
tiêm chủng cho trẻ em cũng giúp giảm nguy cơ truyền bệnh cho người khác
và giúp nhanh chóng tạo miễn dịch cộng đồng, từ đó góp phần bảo vệ xã
hội trước virus SARS-CoV-2.
Số liệu cập nhật mới nhất (trên trang
worldometers.info) tính đến sáng 17/10 cho thấy, thế giới ghi nhận tổng
số 241.132.564 ca mắc COVID-19, trong đó 4.909.192 ca tử vong. Châu Á
ghi nhận số ca mắc cao nhất so với các khu vực khác trên thế giới, với
77.822.170 ca. Tiếp đến là châu Âu (61.395.459 ca), Bắc Mỹ (55.011.098
ca), Nam Mỹ (38.132.818 ca), châu Phi (8.497.966 ca), châu Đại Dương
(272.332 ca).
Nhật Bản giải tán Hạ viện, mở đường cho tổng tuyển cử
Ngày 14/10, tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã giải tán Hạ viện trước thời hạn để mở đường tiến hành tổng tuyển cử sớm.
Theo Hãng thông tấn Kyodo News, cuộc bầu
cử được sẽ tổ chức vào ngày 31/10, sau khi các thành viên Hạ viện kết
thúc nhiệm kỳ 4 năm vào ngày 21/10. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử
thời hậu chiến, Nhật Bản tổ chức tổng tuyển cử sau khi Hạ viện hết nhiệm
kỳ. Theo luật, Nhật Bản cần tổ chức cuộc bầu cử trong vòng 40 ngày kể
từ ngày giải tán Hạ viện. Các vấn đề trọng tâm sẽ được đề cập tới trong
chiến dịch tranh cử sẽ là ứng phó với đại dịch COVID-19 và cách thức
khôi phục nền kinh tế thứ 3 thế giới.
Trước đó, ngày 4/10, ông Kishida Fumio
đã nhậm chức trở thành Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản. Cuộc tổng tuyển
cử năm nay tại Nhật Bản sẽ có 2 đặc điểm đáng chú ý, đó là đánh dấu
khoảng thời gian ngắn nhất kể từ khi tân Thủ tướng nhậm chức cho tới
thời điểm Hạ viện giải tán, đồng thời cũng là khoảng thời gian ngắn nhất
kể từ khi giải tán Hạ viện cho tới khi diễn ra ngày bầu cử.
Mục tiêu hàng đầu của tân Thủ tướng Nhật
Bản là khôi phục nền kinh tế nước nhà, trong khi tiếp tục giữ tỷ lệ lây
nhiễm COVID-19 trong tầm kiểm soát. Ông Kishida cũng công bố một gói
thúc đẩy kinh tế trị giá hàng chục nghìn tỷ Yên nhằm hỗ trợ người dân và
doanh nghiệp chống chịu trước đại dịch.
Chính phủ Mỹ tạm thời tránh nguy cơ vỡ nợ
Ngày 14/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã
ký ban hành luật tạm thời nâng mức trần nợ công lên 28.900 tỷ USD, giúp
chính phủ nước này tạm thời tránh nguy cơ vỡ nợ liên bang cho tới ngày
3/12.
Luật trên cho phép nâng giới hạn nợ công
hiện tại thêm 480 tỷ USD. Trước đó, Bộ Tài chính nước này cho biết
trong trường hợp Chính phủ Mỹ không tăng mức trần nợ công, bộ này sẽ
không có ngân sách để thanh toán các khoản nợ quốc gia đến hạn trả vào
ngày 18/10.
 |
Tổng thống Joe Biden ký ban hành luật giúp chính phủ tạm thời tránh nguy cơ vỡ nợ. (Ảnh: economist.com) |
Ngày 12/10 vừa qua, với 219 phiếu thuận
và 206 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua dự
luật tạm thời nâng mức trần nợ công liên bang lên 28.900 tỷ USD.
Trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự
luật này hôm 7/10 với 50 phiếu thuận và 48 phiếu chống. Như vậy dự luật
được thông qua đã giúp Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ liên bang lần đầu
tiên vào cuối tháng 10, thời điểm Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen
cảnh báo nước này sẽ không còn nguồn lực tài chính để thực hiện các
nghĩa vụ thanh toán nợ sau ngày 18/10, nếu Quốc hội không nâng mức trần
nợ công hiện nay.
Tuy tạm tránh được nguy cơ vỡ nợ trong
tháng này nhưng luật chỉ giúp Chính phủ duy trì đến ngày 3/12, thời điểm
ngân sách cho hầu hết chương trình liên bang hết hạn theo dự luật ngân
sách tạm thời được thông qua hồi đầu tháng này.
Trong nhiều năm qua, nâng trần nợ công
là một vấn đề gây tranh cãi tại Quốc hội Mỹ. Nợ trần là mức giới hạn
tổng số tiền mà Chính phủ liên bang Mỹ được phép vay nợ.
Trong gần 1 thập kỷ qua, Mỹ đã ghi nhận 3
lần Chính phủ đóng cửa vào năm 2013, tháng 1/2018 và tháng 12/2018.
Những lần Chính phủ ngừng hoạt động này đã dẫn đến hàng chục nghìn nhân
viên không thiết yếu bị cho nghỉ phép và những người ở các vị trí trọng
yếu khác thì buộc phải làm việc mà không được trả lương.
Khủng hoảng khí đốt khiến mùa đông châu Âu thêm khắc nghiệt
Trong những tháng gần đây, giá khí đốt
tự nhiên tăng vọt tới 600% khiến nguồn cung ở châu Âu bị thiếu trầm
trọng. Một kịch bản tồi tệ đang trở nên hiện hữu, đó là tình trạng mất
điện trên diện rộng buộc các doanh nghiệp và nhà máy phải đóng cửa. Cuộc
khủng hoảng năng lượng kéo dài được dự báo sẽ khiến cho mùa đông năm
nay ở "lục địa già" thêm khắc nghiệt.
Nhằm cải thiện tình hình, Ủy ban châu Âu
(EC) mới đây đã đưa ra một số đề xuất nhằm hạ nhiệt giá dầu đang ở mức
cao khi mùa đông sắp tới, đặc biệt là nhằm hỗ trợ những hộ gia đình thu
nhập thấp.
Cụ thể, các biện pháp mà phía EU đưa ra
bao gồm, hỗ trợ thu nhập khẩn cấp cho các hộ gia đình để giúp họ thanh
toán hóa đơn chi tiêu năng lượng, viện trợ nhà nước và giảm thuế có mục
tiêu cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, các quốc gia thành viên cũng có thể
yêu cầu hoãn thanh toán hóa đơn, thanh toán một phần hóa đơn và thực
hiện các quy trình liên quan để đảm bảo rằng không ai bị ngắt kết nối
với lưới điện. Kinh phí thực hiện hỗ trợ được lấy từ nguồn thu từ hệ
thống giao dịch khí thải của EU.
Một đề xuất khác mà EU đưa ra đó là
chính phủ các nước cần áp dụng những biện pháp giảm mức áp thuế hay thậm
chí là hỗ trợ cho một số công ty hay một số ngành công nghiệp cụ thể.
Tuyên bố của EC cũng bày tỏ mong muốn
đưa ra được những giải pháp dài hơi để có thể sẵn sàng ứng phó với các
tình huống biến động giá năng lượng đột ngột, gồm cả việc tăng cường đầu
tư cho các năng lượng tái tạo và cải thiện khả năng tích trữ nhiên
liệu. Các quan chức EU cho biết khả năng lưu trữ của toàn khối hiện ở
mức hơn 20% lượng khí đốt sử dụng hàng năm nhưng không phải tất cả các
nước thành viên đều có kho chứa.
Dự kiến vào tuần tới, các nhà lãnh đạo EU sẽ triệu tập Hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về mức giá nhiên liệu.
Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu: Khẳng định vai trò của phụ nữ với sứ mệnh toàn cầu
Sau hai lần tổ chức, Diễn đàn Phụ nữ Á -
Âu ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong việc gắn kết và
nâng cao quyền năng của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực, góp phần vào sự
tiến bộ và hợp tác chung của phụ nữ tại khu vực và trên thế giới. Diễn
đàn Phụ nữ Á - Âu năm nay với chủ đề “Phụ nữ: Sứ mệnh toàn cầu trong
thực tiễn mới” thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu từ hơn 100 quốc
gia và 20 tổ chức quốc tế.
 |
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dẫn đầu Đoàn đại biểu
Việt Nam tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ III theo hình thức trực
tuyến (Ảnh: M.H) |
Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Chủ tịch
nước Võ Thị Ánh Xuân đã dẫn đầu đã tham dự Diễn đàn. Phó Chủ tịch nước
đánh giá cao Diễn đàn phụ nữ Á - Âu đã giúp gắn kết, chia sẻ và nâng cao
vai trò của phụ nữ; hoan nghênh chủ đề của Diễn đàn lần này, tạo điều
kiện để thảo luận về những cơ hội và thách thức mà tiến trình toàn cầu
hóa, cách mạng công nghệ 4.0 và đại dịch COVID-19 đang trực tiếp tác
động đến thế giới nói chung và phụ nữ nói riêng.
Trước những cơ hội và thách thức hiện
nay, từ kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam thời gian qua, Phó Chủ tịch
nước cũng nêu bốn đề xuất lớn nhằm thúc đẩy hơn nữa tiến bộ của phụ nữa,
bao gồm: Kêu gọi các nước cùng nhau giải quyết các vấn đề cấp thiết đối
với phụ nữ như giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19, biến đổi khí
hậu, xung đột, bạo lực, phát huy vai trò trong cách mạng công nghiệp
4.0…; Nâng cao vai trò của phụ nữ trong phục hồi, phát triển kinh tế -
xã hội; Tăng cường phối hợp nhằm thúc đẩy việc hoạch địch và thực thi
hiệu quả chính sách, pháp luật vì sự phát triển toàn diện của phụ nữ;
Kêu gọi bản thân mỗi người phụ nữ chủ động vươn lên để phát huy hết tiềm
năng của mình trong một thực tiễn mới, đóng góp vào việc xây dựng một
thế giới hòa bình, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững./.