Biến thể Delta de dọa nỗ lực dập dịch
 |
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại thủ đô Tunis của Tunisia, ngày 26/6. (Ảnh: Xinhua) |
Đại
dịch COVID-19 đang được kiểm soát khá tốt ở những quốc gia có tốc độ
tiêm vaccine nhanh. Tuy nhiên, cuộc đua giữa virus gây bệnh COVID-19 và
vaccine vẫn tiếp tục leo thang và tuần này đã leo lên một mức cực điểm
mới. Hiện có 4 biến thể SARS-CoV-2 được Tổ chức Y tế thế giới WHO xếp
vào nhóm đáng lo ngại bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta được phát hiện
lần đầu tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ. Trong đó, biến thể Delta
được coi là nguy hiểm nhất, đã xuất hiện tại 92 nước trên thế giới và
đang có xu hướng trở thành chủng phổ biến trên phạm vi toàn
cầu.
Tại Mỹ, tỷ lệnhiễm chủng Delta đang
gia tăng từng ngày và có nguy cơ là chủng thống trị ở nước
này trong thời gian tới. Các nhà khoa học ở Mỹ lo ngại rằng biến thể
Delta sẽ đe dọa những người dân chưa được tiêm chủng và một nền kinh tế
đang nhanh chóng mở cửa trở lại.
Trong khi đó, biến thể Delta đang lây
lan nhanh chóng ở châu Á, cản trở nỗ lực khôi phục việc đi lại cũng như
các hoạt động kinh doanh trong bối cảnh các nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch
tiêm chủng diễn ra khá chậm chạp.
Hiện sự lây lan của biến thể Delta đang
gây lo ngại tại nhiều nước châu Âu. Các ca mắc biến chủng Delta chiếm
98% số ca mắc mới COVID-19 tại Anh, 96% tại Bồ Đào Nha, hơn 20% tại
Italy và khoảng 16% tại Bỉ. Điều này làm dấy lên lo ngại, biến chủng mới
có thể cản trở những nỗ lực mà châu Âu đã đạt được trong vòng hai tháng
qua trong việc giảm các ca mắc và tử vong do COVID-19 xuống mức thấp
nhất kể từ mùa thu năm 2020. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh
châu ÂU (ECDC), ngày 23/6 cũng đã cảnh báo biến thể Delta có thể chiếm
tới 90% ca mắc COVID-19 mới tại Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng
8/2021. Để khống chế dịch bệnh lây lan, ECDC khuyến cáo cần đạt được
tiến bộ trong chương trình tiêm chủng với tốc độ rất nhanh. Ngoài ra,
các nước cẩn trọng khi thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng dịch để
hạn chế dịch bệnh tái bùng phát và lây lan.
Tăng cường hợp tác Á – Âu trong 1 thế giới đang thay đổi
 |
Quang cảnh buổi Đối thoại chính sách cao cấp ASEM. (Ảnh: TTXVN) |
Chiều 22/6, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi
Thanh Sơn đã chủ trì Đối thoại chính sách cao cấp Diễn đàn hợp tác Á-Âu
(ASEM) với chủ đề: “25 năm thành lập ASEM-Tăng cường hơn nữa quan hệ đối
tác Á-Âu trong một thế giới đang thay đổi.” Đối thoại được tổ chức dưới
hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội.
Đối thoại chính sách cao cấp ASEM là
sáng kiến của Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm thành lập ASEM (1996-2021) và
là một trong những hoạt động quan trọng nhất của Diễn đàn trong năm
2021.
Nhân sự kiện này, các bộ trưởng đều
khẳng định sự coi trọng đối với ASEM và cam kết tiếp tục phối hợp chặt
chẽ giữa các nước thành viên để thúc đẩy hợp tác ngày càng phát triển
mạnh mẽ. Đây là dịp quan trọng để các thành viên thảo luận về định hướng
phát triển, tầm nhìn của Quan hệ đối tác Á - Âu trong giai đoạn mới,
nhằm đóng góp hiệu quả cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng, phát triển
bền vững ở hai châu lục và toàn cầu. Kết quả của Đối thoại sẽ là đóng
góp quan trọng cho Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 13 dự kiến tổ chức từ
ngày 25 -26/11/2021 tại Campuchia.
Trên cơ sở đánh giá những cơ hội và
thách thức mà ASEM đang đối mặt, các đại biểu nhất trí cho rằng ASEM cần
có một tầm nhìn hợp tác mới để đóng góp tốt hơn đối với các vấn đề hòa
bình, an ninh, ổn định, phát triển bền vững ở hai châu lục và toàn cầu,
đáp ứng nhu cầu phát triển của các nước thành viên. ASEM cũng cần đổi
mới, sáng tạo trong triển khai các hoạt động hợp tác để đạt hiệu quả cao
hơn, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Mỹ chia sẻ 55 triệu liều vaccine cho các nước, trong đó có Việt Nam
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp
tục lây lan chưa có điểm dừng, cùng với sự xuất hiện của các chủng virus
mới khiến cho cuộc chiến chống đại dịch trở nên gian nan hơn thì việc
chia sẻ, tăng cường tiếp cận vaccine là một giải pháp hữu hiệu để chúng
ta bảo vệ và phát huy những thành quả đạt được.
Ngày 21/6, Nhà Trắng công bố kế hoạch
cung cấp 55 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 còn lại trong tổng số 80
triệu liều vaccine mà Mỹ đã cam kết nhằm giúp đỡ các nước trên thế giới,
trong đó có Việt Nam.
Đến nay,
hơn một nửa dân số Mỹ (hơn 177 triệu người, tương đương 53,3% dân số)
đã tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19. Theo Cơ quan kiểm soát
và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, hơn 149 triệu người Mỹ được tiêm chủng
đầy đủ, các trường hợp mắc mới và tử vong đã giảm mạnh. Tuy
nhiên, đại dịch ở các quốc gia khác đang diễn biến ảm đạm và Tổ chức Y
tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia giàu có hiến tặng vaccine để chấm
dứt sự chênh lệch này.
Thông
báo của Nhà Trắng nêu rõ khi Mỹ tiếp tục chiến đấu với đại dịch
COVID-19 ở trong nước và nỗ lực chấm dứt đại dịch trên toàn thế giới,
Tổng thống Joe Biden đã cam kết rằng "Mỹ sẽ là một kho vaccine cho thế
giới," đồng thời cho biết những liều vaccine này sẽ được sử dụng cho
những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất, chẳng hạn như nhân viên y
tế.
Kế hoạch này được thực hiện đúng theo
cam kết của Tổng thống J.Biden, đó là hỗ trợ các nước tổng cộng 80 triệu
liều vaccine ngừa COVID-19 do Mỹ sản xuất, trong đó 20 triệu liều
vaccine từ các hãng Pfizer Inc., Moderna Inc. hoặc Johnson & Johnson
(vốn trước đây chỉ được phép tiêu thụ nội địa) và 60 triệu liều vaccine
AstraZeneca.
Nhật Bản chính thức phê chuẩn RCEP

Ngày 25/6, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông
báo nước này đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực
(RCEP) - hiệp định thương mại tự do với sự tham gia của 10 thành viên
của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật
Bản, New Zealand và Australia.
Cụ thể, Nội các Nhật Bản đã phê chuẩn
RCEP, qua đó hoàn tất mọi thủ tục trong nước cần thiết để thông qua hiệp
định này. Đây sẽ là thỏa thuận thương mại đầu tiên của Nhật Bản có sự
tham gia của cả Trung Quốc và Hàn Quốc - đối tác thương mại lớn nhất và
lớn thứ ba của nước này.
Tại một cuộc họp báo sau đó, Bộ trưởng
Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Hiroshi Kajiyama cho biết hiệp định
sẽ tăng cường mối liên kết giữa Nhật Bản và khu vực châu Á - Thái Bình
Dương, vốn là một trung tâm tăng trưởng của thế giới. Đồng thời, RCEP sẽ
đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản khi có hiệu lực. Thông
báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản nêu rõ, Tokyo đã gửi văn kiện phê chuẩn
của mình lên Ban Thư ký ASEAN, trở thành thành viên thứ 3 thông qua hiệp
định này trong nỗ lực đưa RCEP có hiệu lực vào cuối năm nay. Thay mặt
các nước thành viên RCEP, Ban Thư ký ASEAN sẽ xử lý các thủ tục triển
khai hiệp định.
RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn
nhất thế giới hiện nay, khi bao trùm một thị trường khổng lồ, gồm 2,27
tỷ dân với tổng GDP là 26.000 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất khẩu là
5.200 tỷ USD.
Chính phủ Nhật Bản ước tính hồi đầu năm
rằng RCEP có thể nâng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn
thứ ba thế giới thêm khoảng 2,7%.
Gavi đẩy nhanh tiến độ phân phối vaccine
Ngày 25/6, ban điều hành của Liên minh
toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) đã thông qua khoản ngân sách bổ
sung 775 triệu USD tài trợ cho hoạt động phân phối vaccine phòng
COVID-19 cho các quốc gia thu nhập thấp trong vòng 2 năm tới.
Quyết định trên được đưa ra cuộc họp
diễn ra trong 2 ngày của ban điều hành. Với số tiền trên, tổng ngân
sách dành cho phân phối vaccine lên tới 925 triệu USD.
Kể từ tháng 2 vừa qua, COVAX - cơ chế
chia sẻ vaccine do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng, đã phân
phối 90 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho 132 quốc gia, song cơ chế
này đang đối mặt với thách thức lớn về nguồn cung sau khi Ấn Độ ngừng
xuất khẩu vaccine để tập trung cho thị trường nội địa.
GAVI nhấn mạnh đang đẩy mạnh việc phân
phối vaccine, đồng thời dự báo rằng mục tiêu phân bổ 1,8 tỷ liều cho các
nước thu nhập thấp có thể đạt được vào quý I/2022. Ban điều hành GAVI
cũng đưa ra một số điều khoản mới cho việc tiếp cận vaccine, trong đó
yêu cầu các nước thu nhập trung bình khi mua vaccine phải thanh toán
trước toàn bộ trong năm 2022, trong khi giữ nguyên điều kiện tiếp cận
vaccine đối với nhóm nước có thu nhập thấp hơn.
Việc điều chỉnh trên được cho là nhằm
giúp COVAX tránh được những nguy cơ tài chính, tập trung chủ yếu vào
những nước đang cần vaccine nhất và giảm sự tham gia của các nước giàu
có hơn. Sự thay đổi này đồng nghĩa với việc nhiều nước Mỹ Latin, Trung
Đông sẽ gặp khó khăn hơn khi tiếp cận cơ chế này. Tuy nhiên, các nước
nghèo nhất, chủ yếu tại châu Phi và Đông Nam Á sẽ được tiếp cận vaccine
với giá rẻ hơn, thậm chí có thể là miễn phí./.