(TUAG)- Những ngày này, ở nơi dòng Mê-Kông phân định hai nước Việt Nam
và Campuchia, những người lính của Lữ đoàn 962 (Quân khu 9) vẫn đang
miệt mài với nhiệm vụ. Để Nhân dân an tâm đón Tết Nguyên đán thanh bình,
cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn căng mình, ngày đêm túc trực, chẳng màng
gian khổ, với quyết tâm cao nhất nhằm giữ vững an ninh trên tuyến biên
giới Tây Nam của Tổ quốc.
Lần đầu ăn Tết trên biên giới Tây Nam
Lênh
đênh cùng biên đội tàu đang thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn xuất, nhập
cảnh trái phép và phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới làm
chúng tôi càng thêm thấu hiểu và cảm phục sự hy sinh, nỗi vất vả của cán
bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 962. Đó là diễn biến phức tạp của thời tiết mùa
này. Lúc mưa dông, khi gió lốc, chưa kể nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh luôn
hiện hữu. Nguy hiểm hơn, đó là sự manh động của các đối tượng, phần tử
quá khích từ bên kia biên giới. Họ rất hung hăng, sẵn sàng sử dụng hung
khí chống trả lực lượng của đơn vị khi làm nhiệm vụ.
Từ tháng
6/2021 đến nay, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch
COVID-19 trên địa bàn, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Lữ đoàn 962 luôn quán
triệt tư tưởng chỉ đạo “Chống dịch như chống giặc”, nêu cao tinh thần
“vì Nhân dân quên mình”, “vì Nhân dân phục vụ”. Nhiều ngày bám trụ nơi
biên giới, sương gió dạn dày càng làm cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ
đơn vị trở lên rắn rỏi. Đằng sau những ánh mắt đau đáu quan sát khi thực
hiện nhiệm vụ, chúng tôi còn bắt gặp sự đượm buồn với nỗi nhớ gia đình…

Cán bộ, nhân viên Tàu 18-21-11, Đại đội 3, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 962 trang trí chuẩn bị đón Tết
Khi chiếc ca nô đưa chúng tôi cập vào mạn tàu 18-31-04, bắt gặp hình
ảnh đầu tiên là Thiếu tá QNCN Nguyễn Đình Xuân, Thuyền trưởng đang
hướng dẫn cho cán bộ, nhân viên trên tàu trang trí chuẩn bị đón Tết, anh
Xuân vui vẻ cho biết: “28 năm ăn Tết bộ đội, trong đó chủ yếu ăn
Tết cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, nhưng đây là lần đầu tiên toàn
tàu chuẩn bị đón Tết nơi tuyến đầu biên giới Tây Nam Tổ quốc. Hiện tại
tàu chúng tôi đang neo đậu ngang với phao số “0” biên giới Việt Nam -
Campuchia, nhiệm vụ chính là phối hợp với các đơn vị bạn, địa phương túc
trực, quan sát, phát hiện, xua đuổi các phương tiện và người dân
Campuchia gốc Việt vượt biên trái phép, xâm nhập vào nội địa, góp phần
giữ vững an ninh chính trị, trật tự an tàn xã hội và phòng, chống dịch
COVID-19 ngay tuyến đầu. Chúng tôi chỉ tranh thủ thời gian ổn định, khi
phương tiện lưu thông qua lại ít để trang trí lại tàu, làm bàn thờ Tổ
quốc chuẩn bị không khí đón tết để anh em xa nhà, xa đơn vị được ấm áp,
vui tươi, phấn khởi khi Tết đến, Xuân về”.
Được biết, thời
gian qua cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới luôn nhận
được sự quan tâm, động viên kịp thời của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu,
Đảng ủy - Ban Chỉ huy Lữ đoàn và cấp ủy, chính quyền địa phương. Anh em
trong Biên đội cũng đã xác định tốt nhiệm vụ, đến nay 100% đều an tâm
tư tưởng, dù 7 tháng qua do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên
toàn Biên đội chưa có đồng chí nào đi tranh thủ hay đi phép về thăm gia
đình. Chuẩn bị đón Xuân Nhâm Dần 2022, ngoài chế độ được cấp theo quy
định, Biên đội cũng đã chuẩn bị mọi mặt cả đời sống vật chất và tinh
thần để bộ đội làm nhiệm vụ có một cái Tết tươm tất, ấm cúng với tinh
thần vui Xuân, an toàn, tiết kiệm, sẵn sàng chiến đấu cao”.
Những hy sinh thầm lặng
Trực
sẵn sàng chiến đấu, nhất là trực cao điểm trong dịp Tết Nguyên Đán là
nhiệm vụ của mỗi người lính, dù ở đơn vị nào cũng không ai có thể thay
thế. Tùy vào tính chất công việc, chỉ huy đơn vị “tạo điều kiện” giải
quyết cho một số cán bộ có thể tranh thủ về nhà thắp nhang lên bàn thờ
gia tiên trong những ngày Tết đến. Nhưng đối với những người lính Lữ
đoàn 962 nơi tuyến đầu chống dịch là những trường hợp “đặc biệt”, Tết
chính là những ngày toàn Biên đội phải nêu cao tinh thần cảnh giác, duy
trì trực để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống. Và trong số
những trường hợp “đặc biệt” ấy, chúng ta dễ thấy được những hy sinh thầm
lặng của người “Lính Thủy” đón Xuân nơi tuyến đầu.
Đại úy Trần
Hoàng Em, Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 962, là cán bộ trưởng
thành từ cơ sở, là nhân viên chuyên môn kỹ thuật đi học, phấn đấu trở
thành cán bộ Tiểu đoàn, ở cương vị công tác nào anh cũng hoàn thành tốt
nhiệm vụ được giao, là một ví dụ. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ
trên tuyến biên giới, vợ mang thai sức khỏe yếu thường xuyên phải nằm
viện để theo dõi, chăm sóc, mọi việc đều trông nhờ cha mẹ vợ. Đến tháng
thứ 7 của thai kỳ thì bác sĩ chẩn đoán thai yếu phải mổ cấp cứu ngay, em
bé sinh non chỉ nặng 1,2 kg phải nuôi trong môi trường săn sóc đặc biệt
ở bệnh viện thời gian dài, người mẹ già phải chạy tới chạy lui vì vừa
chăm sóc con, vừa chăm lo cho cháu ngoại do nằm điều trị ở hai nơi khác
nhau trong bệnh viện.
Chia sẻ với chúng tối Đại úy Trần Hoàng Em cho biết: “Trước
lúc vợ sinh con đến giờ tôi chưa được về thăm nhà. Nhiều lúc gọi điện
thấy vợ rưng rưng nước mắt, tủi thân, trong lòng tôi cũng xót xa, đứng
ngồi không yên, nhưng vì nhiệm vụ, bản thân nhìn thấy còn biết bao cán
bộ, nhân viên cũng gác lại việc gia đình để cùng thực hiện nhiệm vụ
chung nơi tuyến đầu biên giới. Tôi thường xuyên gọi điện động viên, an
ủi vợ, cùng với sự chăm lo của cha mẹ, vợ tôi cũng phần nào mạnh mẽ, an
tâm hơn để thay tôi gánh vác việc gia đình”.
Được biết,
trên cương vị Biên đội trưởng đồng chí Trần Hoàng Em đã trực tiếp chỉ
huy Biên đội tham gia điều động 90 lượt phương tiện tuần tra, kiểm soát
ổn định tình hình trên tuyến biên giới; tham gia ngăn chặn đẩy lùi hơn
23 nhà nổi, bè cá và 120 lượt phương tiện xuồng, ghe các loại, tuyệt đối
không để dịch bệnh COVID-19 và người Campuchia gốc Việt từ biên giới
xâm nhập vào nội địa nước ta. Bên cạnh đó chủ động phối hợp với các lực
lượng tuần tra nắm chắc địa bàn, kịp thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo xử lý
tốt các tình huống xảy ra, được Thủ trưởng BTL Quân khu 9, lãnh đạo
UBND tỉnh An Giang và Đồng Tháp biểu dương, khen thưởng.
Còn đối
với Thiếu úy QNCN Nguyễn Vũ Kiệt - Nhân viên máy tàu, cũng có hoàn cảnh
hết sức đặc biệt, sau 8 năm quen nhau và tìm hiểu với cô kế toán Phan
Như Huỳnh đến tháng 3/2021 họ quyết định làm đám cưới, bên nhau được 20
ngày thì Kiệt hết phép phải trở lại đơn vị, đúng vào thời điểm dịch
COVID-19 bùng phát lần thứ 4 với biến chủng mới Delta lây lan nhanh và
anh xung phong tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ.
Đồng chí Kiệt chia sẻ: “Thực
sự lúc đầu vợ em cũng rất buồn và lo lắng, vợ chồng ở với nhau chưa
“quen hơi” đã phải xa nhau, nhưng khi được em động viên và thường xuyên
gọi điện hỏi thăm, an ủi thì vợ cũng yên tâm, vả lại vợ cũng thấu hiểu
không chỉ có chồng mình mà còn nhiều anh em khác nữa, họ cũng có gia
đình, vợ con, cũng xung phong lên tuyến đầu chống dịch, đó là nhiệm vụ
thiêng liêng và mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người lính. Giờ em chỉ
mong sao cho mau hết dịch, trở lại trạng thái bình thường để em có dịp
về thăm người vợ mới cưới và gia đình”.
Những câu chuyện
cảm động về sự hy sinh thầm lặng của những người lính nơi tuyến đầu
không khó để bắt gặp ở Lữ đoàn 962 nói riêng, LLVT Quân khu nói chung.
Các anh luôn nghĩ đó là trách nhiệm và bổn phận của mỗi người lính. Với
những tình cảm, sự tin yêu nơi hậu phương trước thềm năm mới là liều
“Vắc-xin tinh thần” để mỗi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị “chiến đấu không
đơn độc”, làm lan tỏa tình cảm yêu thương gia đình, trách nhiệm với Tổ
quốc, làm cho hình ảnh, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng tỏa
sáng trong lòng Nhân dân. Một mùa Xuân mới đã về trên khắp mọi miền Tổ
quốc, với sức trẻ và lòng nhiệt huyết của những người “Lính Thủy” Lữ
đoàn 962, chúng ta tin chắc rằng dịch bệnh COVID-19 sẽ sớm qua đi, những
điều tốt đẹp sẽ đến với mọi nhà, mọi người trong dịp năm mới Xuân Nhâm
Dần 2022.
Bài và ảnh: Tâm Phan