(TUAG)- Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay, cùng với việc chủ động ngăn chặn sự lây lan từ cửa ngõ biên giới, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) An Giang đã phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ khu vực biên giới, địa bàn, quyết liệt đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cán bộ, chiến sĩ Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 số 5 Đồn BPCKQT Vĩnh Xương tuần tra, kiểm soát biên giới
Nhiều thủ đoạn, mánh khoé mới
Biên giới An Giang có địa hình đồng bằng với hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt, cùng những tuyến đường mòn rất thuận lợi cho việc qua lại 2 bên biên giới cả mùa khô và mùa nước nổi. Những đặc điểm đó cũng gây khó khăn cho công tác chốt chặn, kiểm soát biên giới, cửa khẩu, nhất là công tác phòng, chống các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới; quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, công tác phòng, chống dịch COVID-19 của lực lượng BĐBP tỉnh.
Hiện nay, thuốc lá lậu là mặt hàng số một được các đối tượng vận chuyển qua biên giới. Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thuốc lá qua biên giới ngày càng tinh vi, đa dạng, thay đổi theo diễn biến tình hình. Một trong những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng buôn lậu thuốc lá hiện nay là không ồ ạt hoạt động mà chuyển sang vận chuyển nhỏ, lẻ khi bị bắt giữ chưa đủ yếu tố để khởi tố và ngụy trang, cất giấu rất tinh vi.
Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP An Giang cho biết: Hiện biên giới An Giang có 210 tổ, chốt; trong đó có 15 tổ cơ động, 195 chốt cố định. Dù tổ, chốt dày đặc trên biên giới, tuy nhiên các đối tượng vẫn liều lĩnh đưa hàng qua. "Trước khi có dịch COVID-19 các đối tượng lợi dụng đêm tối, theo dõi các tổ kiểm soát để đai vác, vận chuyển hàng lậu. Hiện số lượng tổ chốt dày đặc trên biên giới, các đối tượng cũng tăng cường lực lượng để theo dõi cơ quan chức năng ngày đêm nhưng hàng ít cũng đi, có vụ chỉ bắt 39 gói thuốc, bởi giờ 1 cây thuốc lợi nhuận khoảng 90 ngàn đồng".

Các đối tượng sử dụng nhiều chiêu thức mới để qua mặt lực lượng chức năng như thả trôi hàng lậu, giấu thuốc lá trong bao cỏ, lùm cây
Nói về các thủ đoạn buôn lậu, Đại tá Lý Kế Tùng chia sẻ: "Các đối tượng cho hàng vào bọc nylon rồi dùng dây kéo qua biên giới. Có những khu vực là các đối tượng cho hàng vào bọc nylon rồi thả trôi theo sông, kênh, rạch, sau đó điện báo đồng bọn đón nhận hàng. Ngoài ra các đối tượng bên kia biên giới điện thoại cho đối tượng bên này để thông báo giấu thuốc lá trong các bao cỏ, tập kết trong các lùm cây, sau đó ra về thì đồng bọn bò lên lấy hàng, mà không hề gặp nhau. Đặc biệt ngay cửa khẩu khi trao đổi hàng hoá, đổi tài xế thì các đối tượng cất giấu vào các phương tiện. Các đối tượng sử dụng mọi hình thức để đưa hàng lậu xâm nhập nội địa".
Thời gian gần đây, lợi dụng chính sách thương mại qua cửa khẩu trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 nên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhất là mặt hàng vàng diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chính là do giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới. Mặt khác, vàng là loại hàng hóa có giá trị cao, lại dễ cất giấu và dễ dàng vận chuyển nên các đối tượng dùng mọi thủ đoạn để buôn lậu vàng qua biên giới.
Đại tá Trần Duy Thụ, Trưởng phòng Phòng chống ma tuý và tội phạm cho biết: "Hoạt động buôn lậu vàng thường được các đối tượng tổ chức thành đường dây chặt chẽ, các đối tượng ở Campuchia kết nối với các đối tượng ở khu vực biên giới và trong nội địa để vận chuyển thông qua các phương tiện chuyên chở hàng hóa, nông sản... và lợi dụng việc đổi tài xế khi qua cửa khẩu để tổ chức mua bán trái phép vàng. Bên cạnh đó, một số đối tượng còn ngụy trang cất giấu vàng trong hành lý, hàng hóa trên các phương tiện vận chuyển hành khách, rồi lợi dụng đêm tối và địa hình sông ngòi, kênh rạch, đường mòn, đường tắt,… để đưa qua biên giới".
Quyết liệt đấu tranh phòng, chống buôn lậu
Khác với mọi năm, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp và nguy cơ cao lây nhiễm bệnh từ các đối tượng nhập cảnh trái phép cùng với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, điều này đặt ra "nhiệm vụ kép" cho BĐBP tỉnh. Đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến hoạt động của các loại tội phạm; có nhiều giải pháp đột phá, quyết liệt quản lý chặt chẽ khu vực biên giới, cửa khẩu, quyết liệt đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Sau mùa hè đổ lửa, thời điểm hiện nay, biên giới An Giang bắt đầu vào mùa mưa. Những cơn mưa đến bất chợt, kèm theo giông lốc, sấm sét, gây khó khăn cho việc sinh hoạt cũng như thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19. Thời khắc chuyển giao ngày và đêm, trong ánh chiều nhập nhoạng, cán bộ chiến sĩ quây quần dùng cơm. Bữa ăn chẳng bao giờ đông đủ, vì phải chia nhau luân phiên canh gác và sinh hoạt cá nhân, đảm bảo luôn luôn quản lý chặt biên giới. Họ khác nhau về tuổi tác, về đơn vị công tác, về quê quán, nhưng chung một nhiệm vụ thiêng liêng của người lính: Giữ cho dân tộc khỏe mạnh, cho đất nước bình an.
Có mặt ở các tổ, chốt thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình vào ban đêm, chúng tôi chỉ tác nghiệp ít giờ, mà chịu không nổi cảnh muỗi đeo bám, đốt đỏ người. Thời tiết thì nóng bức đến mức mồ hôi liên tục chảy dài, ướt đẫm sau lớp trang phục. Trong khi đó, cán bộ, chiến sĩ phải trực chiến ở đây hết ngày này qua tháng nọ. Họ chống lại thời tiết bằng sức gió ít ỏi của những cây quạt điện nhỏ, bằng những khoanh nhang muỗi nhỏ bé giữa không gian rộng.

Nghi phạm và tang vật của vụ vận chuyển 5 kg vàng 9999 nhập lậu bị BĐBP An Giang bắt vào tháng 5/2021
Càng về khuya, trời càng tối đen, che phủ tất cả đường mòn nơi biên giới. Trước mặt những người lính là màn đêm sâu thẳm, xòe tay không thấy rõ ngón. Nương theo vài ánh đèn xa xa của nhà dân, của đèn pin cầm tay, của trang thiết bị chuyên dụng, họ thường xuyên quan sát động tĩnh, dấu hiện bất thường để kịp thời xử trí tình huống. Phía bên kia, đối tượng xuất nhập cảnh trái phép, tội phạm cũng "canh" ngược lại lực lượng chức năng, lộ diện vào khung giờ thật khuya hoặc rạng sáng. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ không thể lơ là nhiệm vụ, chủ quan sơ hở trong phút giây nào.
Trước những thủ đoạn, mánh khoé mới tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng buôn lậu, cán bộ, chiến sĩ tham gia đấu tranh chống buôn lậu phải "căng mình" trên các địa bàn trọng điểm, có lúc mật phục trong đêm tối, dầm mình trong mưa, trên các cánh đồng, bờ mương, những đường mòn để triệt phá, ngăn chặn. Kết quả, từ đầu năm đến nay BĐBP An Giang đã bắt 245 vụ/64 đối tượng buôn lậu, tang vật thu giữ gồm: Hơn 177.000 gói thuốc lá ngoại, gần 8 kg vàng 9999, 1,4 triệu Riel (tiền Campuchia)… với tổng trị giá khoảng 15 tỷ đồng. Ngoài ra phối hợp lực lượng 389 địa phương bắt 323 vụ/83 đối tượng và tang vật thu giữ gồm: Hơn 172.000 gói thuốc lá, 10.160 hộp thuốc tân dược, 10.522 hộp thuốc tây… tổng trị giá khoảng 7,4 tỷ đồng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) vừa gửi Thư khen lực lượng BĐBP An Giang
Tiêu biểu, ngày 22/10/2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) vừa gửi Thư khen lực lượng BĐBP An Giang vì đã có thành tích liên tiếp phát hiện, đấu tranh, chặt đứt các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép kim loại quý qua khu vực biên giới tỉnh An Giang, thu giữ hơn 10kg vàng các loại, trị giá khoảng 13 tỷ đồng. Trong Thư khen, Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận và biểu dương thành tích xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang. Thành tích trên của BĐBP An Giang đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mang lại sự bình yên và hạnh phúc cho Nhân dân. Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu BĐBP An Giang tiếp tục nắm chắc tình hình, tăng cường công tác phối hợp, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và tổ chức đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Chiến Khu