(TUAG)- Mặc dù tỉnh An Giang đứng trước những khó khăn và thử thách rất lớn, vừa phải tăng tốc, bứt quá, vừa phải tập trung giải quyết, xử lý những tồn tại, hạn chế của tỉnh, nhưng nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, quyết tâm với tinh thần không chùn bước trước khó khăn, vượt qua thách thức của cả hệ thống chính trị nên năm 2024 đã khép lại với nhiều kết quả rất đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh An Giang. Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có nhiều khởi sắc; các khu vực kinh tế đều có sự phát triển tích cực; văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân và an sinh xã hội được quan tâm thường xuyên, cải thiện đáng kể về chất lượng; trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác biên giới được đảm bảo. Triển khai tốt Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh An Giang và 04 địa phương cấp huyện năm 2024. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được quan tâm thực hiện theo chủ trương của Bộ Chính trị.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 ước đạt 7,16%, trong đó quý IV đạt 8,87%. GRDP bình quân đầu người đạt 66,24 triệu đồng/năm. Tổng thu ngân sách ước đạt 7.917 tỷ đồng, đạt 107% so với dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.220 triệu USD tăng 5,18% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 47.890 tỷ đồng, tăng 21,91% so với năm 2023.
Năm 2024, tỉnh An Giang đã tổ chức thành công nhiều sự kiện kinh tế, văn hóa, xã hội rất quan trọng như: Lễ Công bố Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã mở ra nhiều không gian phát triển mới, tạo cơ hội mới cho các nhà đầu tư; Lễ kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế và các hoạt động có liên quan như Hội thảo khoa học cấp quốc gia “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai”; Lễ thông xe cầu Châu Đốc thuộc dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp, Lễ khánh thành Dự án Tuyến nối Quốc lộ 91 và Tuyến tránh thành phố Long Xuyên, đây là những công trình giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không những đối với tỉnh An Giang mà còn có ý nghĩa liên thông, liên kết vùng góp phần phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, liên tỉnh; hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá các sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) với chủ đề “An Giang: Không gian mới - Giá trị mới” đã tổ chức thành công tốt đẹp, được các nhà đầu tư, các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế đánh giá cao và mong muốn tìm hiểu, nghiên cứu, hợp tác triển khai các dự án trọng điểm, ưu tiên của tỉnh trong thời gian tới; đăng cai tổ chức Diễn đàn Mekong connect 2024 với chủ đề “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long - TP. HCM và cả nước, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới” đã mở ra cơ hội khai thác tiềm năng bản địa từng địa phương, tăng cường sự kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác thiết thực giữa tỉnh An Giang với TP. HCM và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, sự kiện Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, là niềm vinh dự, tự hào lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang. Ngoài ra, tỉnh An Giang đang phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam lập hồ sơ, thủ tục trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa Óc Eo - Ba Thê là Di sản văn hóa của nhân loại thứ 2 của tỉnh. Điều này sẽ mở ra cơ hội và tiềm năng rất lớn để An Giang khai thác và phát triển du lịch trong thời gian tới.
Bước sang năm 2025, đây là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước cũng như đối với tỉnh, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây cũng là năm cuối của nhiệm kỳ, nhiệm vụ đặt ra là rất lớn, vừa phải “tăng tốc, bứt phá”, tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ 2020-2025; vừa phải thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng để bước sang Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Do đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị không ngừng phấn đấu, đổi mới tư duy, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả để cùng nhau thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Chính phủ, của Tỉnh ủy về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, góp phần thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra. Sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ đạo của Bộ Chính trị; đồng thời, tập trung cho công tác đánh giá các chỉ tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025, xây dựng nội dung Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và một số nhiệm vụ trọng tâm có liên quan khác.
Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, cần bám sát thực tiễn, kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh trên tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả” với một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) từ 8,50% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư xã hội là 50.563 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu là 1.230 triệu USD; thu ngân sách đạt 8.471 tỷ đồng; hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn nữa, sớm khắc phục các điểm nghẽn, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, nhất là đối với các công trình trọng điểm như: Tập trung các nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tiến độ dự án đường cao tốc và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số. Trong đó, tập trung tối đa nguồn lực cho Dự án thành phần 01 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 01 và các dự án trọng điểm của tỉnh; khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới trong năm 2025. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình trọng điểm, nhất là 03 chương trình mục tiêu Quốc gia. Kiên quyết xử lý nghiêm các chủ đầu tư, nhà thầu thi công chậm trễ, thiếu trách nhiệm.
Phát triển mạnh thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu, tiếp tục giảm chi phí logistics thông qua hoàn thiện hạ tầng chiến lược. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thị trường xuất, nhập khẩu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu; khai thác hiệu quả các thị trường mới, phấn đấu thặng dư thương mại bền vững.
Đột phá mạnh mẽ hơn về tư duy đổi mới “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới”. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chủ trương của Trung ương theo thẩm quyền; đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, bổ sung, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư tại chỗ. Tập trung hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư triển khai các dự án trọng điểm thuộc các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh, đặc biệt là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng thương mại - dịch vụ - du lịch, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số; tích cực thực hiện Đề án 06.
Tập trung thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả. Thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến tinh lương thực, thực phẩm; tăng cường các ngành hàng sản xuất công nghiệp mà tỉnh đang có thế mạnh. Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững; triển khai hiệu quả Đề án phát triển 01 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Tăng cường liên kết vùng, thực hiện hiệu quả quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đẩy nhanh tốc độ phủ kín quy hoạch phân khu (tỉ lệ 1/2000); đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá và kinh tế đô thị. Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe nhân dân; chú trọng đầu tư phát triển văn hóa chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, sáng tạo, đa dạng trong tổ chức tốt các hoạt động, kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh. Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.
Thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng; tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhà ở cho người có công. Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” để hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2025.
Đẩy mạnh triển khai đồng bộ, hiệu quả, toàn diện công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nguồn lực để phục vụ phát triển tỉnh nhà.
Nhiệm vụ đặt ra năm 2025 là rất lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và người dân; từng ngành, từng cấp phải tập trung xây dựng chương trình hành động, kế hoạch chi tiết, chủ động đề ra các giải pháp tích cực, khả thi, hiệu quả; tận dụng tốt thời cơ, chủ động vượt qua mọi thách thức; đoàn kết, quyết tâm, quyết liệt, năng động, sáng tạo để đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của tỉnh.
HỒ VĂN MỪNG
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang