(TUAG)- Trong những tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, dự báo tình hình
thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để nỗ lực phấn đấu
hoàn thành đạt mức cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế
- xã hội năm 2023, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và Hội nghị
trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển
khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn được giao tiếp tục tập trung chỉ đạo, chú trọng ưu tiên thúc đẩy mạnh
mẽ các động lực tăng trưởng, thu hút vốn đầu tư ngoài nhà nước gắn với ổn định
kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước, tăng cường năng lực phân tích, dự
báo để có phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, hiệu quả trước các tình huống
phát sinh. Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh,
nhất là việc tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Tuyệt đối không trông
chờ, ỷ lại, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Thứ hai, chủ động, nắm chắc tình hình thị trường, cung cầu, giá cả
hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường, nhất là đối với
hàng hóa thiết yếu, bảo đảm nguồn cung vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp
Thìn năm 2024. Các bộ: Tài chính, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo theo
chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ trì đánh giá kỹ tác động và thực
hiện phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ
công, nhất là giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình, thời điểm,
mức độ phù hợp, đúng quy định, sát thực tiễn, bảo đảm vừa thúc đẩy tăng trưởng,
sản xuất kinh doanh vừa kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; báo cáo Thường
trực Chính phủ trước ngày 25/10/2023. Mở rộng xuất khẩu và kích cầu tiêu dùng
trong những tháng cuối năm. Theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường bất động
sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chủ động ứng phó với các diễn biến,
yếu tố rủi ro có thể phát sinh.
Thứ ba, các bộ, cơ quan: Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam,
Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí hướng dẫn, tuyên truyền việc huy
động vốn qua các kênh trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và các kênh hợp pháp
khác theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược. Huy động và sử dụng
hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Tăng cường
xúc tiến, thu hút đầu tư, dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong
các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn. Chú trọng giải quyết
vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý, giải phóng
mặt bằng... để đẩy nhanh triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam.
Thứ năm, tiếp tục thúc đẩy hơn nữa phát triển hạ tầng chiến lược, đặc
biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh,
chống biến đổi khí hậu...; rà soát, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh
tiến độ các dự án, công trình thuộc phạm vi quản lý, nhất là các dự án đường bộ
cao tốc; bảo đảm an toàn và tiến độ thi công công trình trong mùa thiên tai,
mưa lũ cuối năm. Khẩn trương hoàn thành việc lập, tổ chức thẩm định, phê duyệt
theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch trong hệ
thống quy hoạch quốc gia. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây
dựng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, yêu cầu khôi
phục đúng quy hoạch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương có dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc đi qua phải phối hợp để bảo
đảm cung ứng vật liệu cát, sỏi, đất đắp nền…
Thứ sáu, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về
công tác phòng cháy, chữa cháy và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện
số 825/CĐ-TTg, ngày 15/9/2023 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy.
Thường xuyên quan tâm, triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả công tác bảo đảm
an sinh xã hội; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Tập trung đào tạo nguồn
nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là đối với các ngành
mới nổi, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu... Chủ động,
kịp thời ứng phó, kiểm soát và thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch
bệnh. Làm tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, thể thao. Theo dõi, nắm bắt tình
hình và có giải pháp hỗ trợ kịp thời, bảo đảm ổn định đời sống cho người lao
động. Chủ động, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, kịp thời hỗ trợ
người dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển, ổn
định đời sống.
Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều
kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi
số quốc gia, trong đó tập trung thực hiện đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ
được giao trọng tâm, Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển
đổi số, Kế hoạch hoạt động 4 tháng cuối năm 2023 của Tổ công tác cải cách thủ
tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong việc hoàn thiện
Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
theo Nghị quyết 101/2023/QH15 của Quốc hội. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ trực tiếp phụ trách, lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác
xây dựng thể chế và cải cách thủ tục hành chính của bộ, cơ quan; phát huy hiệu
quả các Tổ công tác rà soát, cải cách thủ tục hành chính của bộ, cơ quan mình.
Văn phòng Chính phủ tổng hợp việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về giao Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phụ trách lĩnh vực xây dựng pháp luật để
báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/10/2023.
Thứ tám, các địa phương tập trung rà soát các chỉ tiêu kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023 của địa phương, kết quả thực hiện trong
09 tháng, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để phấn đấu hoàn thành ở
mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của năm 2023./.