Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kinh Tế

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Kinh Tế
Thứ 2, Ngày 12/07/2021, 16:00
Quan điểm của Đảng ta về phát triển nhanh và bền vững
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
12/07/2021 | Hòa Bình

(TUAG)- Mục tiêu phát triển nhanh và bền vững không phải là một chủ đề mới nhưng trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp làn thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0) hiện nay, vấn đề này ngày càng trở nên cấp thiết, mang tính toàn cầu, là yêu cầu khách quan và thách thức lớn của sự phát triển và được các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm.

Niem-tin-cua-dan.jpg

Với xuất phát điểm từ một nền kinh tế sản xuất nhỏ, tụt hậu xa với khu vực và thế giới, bị tàn phá nặng nề bởi sau hơn 30 năm chiến tranh, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn; nhằm phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và điều kiện cụ thế của đất nước, trong quá trình triển khai công cuộc Đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn chiến lược phát triển đất nước theo hướng nhanh và bền vững để thực hiện mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh". Điều này phù hợp với mục đích lý tưởng của Đảng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định Đảng ra đời không vì mục đích tự thân, tôn chỉ của Đảng không có gì khác ngoài việc phục sự và trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam: "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng"?[1] Công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã mang lại những thành tựu to lớn, làm biến đổi sâu sắc đất nước trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, con người. Trong đó phải kể đến những thành tựu quan trọng về tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đi đôi và gắn kết với việc đẩy nhanh tiến bộ và thực hiện công bằng xã hội, phát triển bền vững. Qua 35 năm Đổi mới, quan điểm về phát triển công bằng, bền vững được Đảng cộng sản Việt Nam phát triển, không ngừng bổ sung và hoàn thiện qua các Đại hội Đảng.

Ngay từ Đại hội III năm 1960 và Đại hội IV năm 1976, Đảng ta đã đặt mục tiêu "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa hội". Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đưa ra quan điểm "ổn định và phát triển gắn liền với nhau trong quá trình vận động tiến lên, ổn định để phát triển và có phát triển mới ổn định được"[2] và đến Đại hội VII (năm 1991), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 1991 - 2000 đã xác định: "Tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao và bền vững "Tăng trưởng kinh tế, gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa và bảo vệ môi trường".

Đại hội VIII (năm 1996) nhấn mạnh bài học: "Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái. Đại hội IX (năm 2001), Đại hội X (năm 2006) tiếp tục khẳng định quan điểm: "Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường".

Đại hội XI (năm 2011) chỉ rõ phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững, và phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, đồng thời rút ra bài học: "Phải thực sự coi trọng chất lượng, hiệu quả tăng trưởng và phát triển bền vững. Tăng cường huy động, gắn với sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước "; "Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và bảo vệ môi trường"[3].

Năm 2016, bên cạnh việc tổng kết 30 năm Đổi mới ở nước ta, trên cơ sở kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra, Đại hội XII của Đảng đã có bước phát triển mới về nhận thức với sự khẳng định: "Bảo đảm phát triền nhanh, bền vững trên cơ sở bền vững kinh tế vĩ mô và không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu; phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh. Phát triển kinh tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ vững hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước"[4]. "Phát triển nhanh và bền vững (hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc); giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường"[5].

Qua quá trình đổi mới, từ những thành tựu cũng như những hạn chế khuyết điểm, Đảng ta đã rút ra một số bài học quan trọng, trong đó có bài học đầu tiên là: "Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam"[6].

Cụ thể hóa quan điểm của Đại hội XII, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về đổi mới mô hình tăng trưởng đã xác định "đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững toàn diện cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng an ninh, tiến bộ công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái".

Nhằm cụ thể hóa nội dung, giải pháp thúc đẩy phát triển công bằng và bền vững, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.

Các nghị quyết đã xác định việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững; xác định kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ trong điều kiện hội nhập quốc tế. Xác định mục tiêu quan trọng đến năm 2020 là phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm "Bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưỏng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững"[7].

Văn kiện Đại hội XIII trong bối cảnh mới đã chỉ rõ: "Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên"[8].

Trong điều kiện mới, dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh, mạnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ những nội dung mới: "Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyên đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số".[9]

Trước những yêu cầu đòi hỏi mới của thực tiễn, Đại hội XIII bổ sung nhiều nhận thức, định hướng mới trong quan điểm về thể chế phát triển, nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, hình thành các mô hình kinh tế mới, phát triển các khu vực kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mười năm (2021 - 2030) đã xác định: "Với cải cách nâng cao chất lượng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả, là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sản xuất, nhất là đất đai. Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới. Phải coi trọng hơn quản lý phát triển xã hội; mở rộng dân chủ phải gắn với giữ vững kỷ luật kỷ cương. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực của nền kinh tế".[10]

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán quan điểm đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển, xác định một trong những mối quan hệ lớn cần tiếp tục quán triệt và xử lý tốt là quan hệ giữa "tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội".

Như vậy, nhận thức, quan điểm về phát triển nhanh và bền vững của Đảng ta vừa có sự kế thừa nhận thức và xu hướng phát triển chung của thế giới vừa có sự vận dụng, bổ sung, phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Trong điều kiện của nước ta, giữa phát triển công bằng và bền vững có mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại với nhau: công bằng xã hội là một tiêu chí bảo đảm và phản ánh mức độ phát triển bền vững; ngược lại, phát triển bền vững là điều kiện có ý nghĩa nền tảng, bảo đảm thực hiện công bằng xã hội. Mặt khác, giữa phát triển nhanh và bền vững cũng có mối quan hệ biện chứng hữu cơ với nhau: Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo điều kiện, nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Giải quyết hài hòa mối quan hệ này phản ánh tính ưu việt, chủ nghĩa nhân văn cao cả của chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đang xây dựng.

H.B

________________

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 5, tr.289.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, P.I, tr.40.

[3]Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia -Sự thật Hà Nội, 201l, tr.21.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, tr.270.

[5]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, tr.87.

[6]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.69

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, tr.104.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, tập 1, tr.33-34.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biêu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, tập 1, tr. 214-215.

[10]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội  2021, tập 1, tr. 215.


Lượt người xem:  Views:   34928
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Tác giả

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

TinNoiBat

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by