(TUAG)- Hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng xã hội học tập, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc ta. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự tích cực của Hội Khuyến học từ Trung ương tới địa phương, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, hoạt động khuyến học, khuyến tài đã và đang diễn ra sôi nổi trên toàn quốc, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng xã hội học tập, trong đó có tỉnh An Giang.

Chung sức, chung lòng cho một niềm tin về sự nghiệp trồng người trên quê hương Bác Tôn
Là tỉnh biên giới Tây Nam Tổ quốc, là vùng đất "địa linh nhân kiệt", xuất phát từ chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, An Giang với truyền thống đoàn kết, nhân văn, hiếu học và ở thời kỳ nào cũng coi trọng sự học, đầu tư cho khuyến học, khuyến tài. Năm 2024, Đoàn công tác liên ngành Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát việc triển khai Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư khoá XII tại An Giang đã đánh giá cao về sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị của tỉnh đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại địa phương.Bên cạnh việc ban hành các văn bản cụ thể hóa chủ trương của Trung ương về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, với thông điệp "Không để học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà phải nghỉ học", An Giang đã, đang và sẽ tiếp tục khơi dậy mạch nguồn khuyến học, khuyến tài; thúc đẩy mạnh mẽ trong toàn tỉnh phong trào xã hội hóa với đa dạng, dồi dào nguồn lực tiếp sức bên cạnh vai trò nồng cốt của ngành Giáo dục và Đào tạo và Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh.
Hoạt động khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh không chỉ thực hiện trước thềm mỗi năm học mới, mà sức người, sức của và tấm lòng của cả hệ thống chính trị và cộng đồng hướng mạnh mẽ về công tác khuyến học, khuyến tài thường xuyên, liên tục với mục đích niềm tin "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Sau 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW, đến nay, hệ thống tổ chức của Hội Khuyến học đã phủ kín toàn tỉnh. Quỹ Khuyến học cấp tỉnh và các địa phương ngày càng đa dạng; công tác vận động, quản lý và xét tặng học bổng luôn đảm bảo công khai, minh bạch, có sự giám sát của chính quyền, đoàn thể các cấp.

Phương thức thực hiện trong hoạt động khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh An Giang được hiểu và thực hiện theo cách riêng phù hợp với đặc điểm của địa phương, theo đó hoạt động khuyến học, khuyến tài của tỉnh không chỉ là chủ trương vận động doanh nghiệp hay mạnh thường quân và trao tặng những suất học bổng, những phần quà cho học sinh, sinh viên viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước đến trường. Mà cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh luôn đặt sự ưu tiên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác khuyến học, khuyến tài, hướng đến xây dựng xã hội học tập một cách bài bản thông qua triển khai nội dung học tập và làm theo Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống nhân dân, trong đó chỉ đạo chú trọng việc tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo, mỗi cá nhân trong cộng đồng góp phần chung sức, chung lòng cho một mục tiêu trồng người, ai ai cũng được học hành, được tạo điều kiện học tập suốt đời, nhất là "Không để học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà phải bỏ học giữa chừng".
Trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, không chỉ vận động vật chất, mà còn tuyên truyền, vận động xây dựng những cây cầu nông thôn, để các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa đến trường một cách dễ dàng; tuyên truyền, huy động những tổ chức tôn giáo, những mạnh thường quân chăm lo những bữa ăn trưa cho các em học sinh khi phải đi học xa nhà. Ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, ai có công góp công, ai có của góp của. Những buổi trao học bổng, trao những phần quà tiếp bước đến trường cho học sinh, sinh viên, không chỉ là hoạt động riêng lẻ của ngành Giáo dục, Hội Khuyến học mà luôn có sự góp mặt của cấp ủy đảng, chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã…Cứ như thế hoạt động khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh An Giang không chỉ là một hoạt động mà đã trở thành truyền thống, để rồi cả hệ thống chính trị, cả xã hội, cộng đồng, mỗi cá nhân đều muốn tham gia vào công tác này để thắp sáng ngọn lửa hiếu học.
Song song đó, tỉnh nhận thức được để hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh có hiệu quả lâu dài thì cần phải có một nguồn Quỹ khuyến học được thực hiện đúng quy định, duy trì ổn định và vận dụng hiệu quả, vì thế ngay từ đầu nhiệm kỳ, với sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy đảng, Đề án số 347/ĐA-UBND, ngày 24/6/2021 về vận động xây dựng Quỹ Khuyến học cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2021-2025 (Đề án 347) đã ra đời nhằm đa dạng hóa các nguồn vận động tài trợ, tối ưu hóa nguồn quỹ vận động. Mục tiêu lâu dài của Đề án là phát huy hiệu quả, nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực cộng đồng để tăng cường tối đa hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.
Điểm nổi bật của Đề án là các ngành, các cấp lồng ghép và gắn chặt với phong trào thi đua của địa phương, cùng chung tay củng cố và xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài; các xã, phường, thị trấn đưa ra chỉ tiêu vận động gây Quỹ khuyến học là một trong tiêu chí quan trọng trong việc xây dựng "Nông thôn mới", "Đô thị văn minh". Đặc biệt Quỹ Khuyến học được gửi tại các tổ chức tín dụng và được hưởng lãi suất theo quy định (có nơi còn được hưởng lãi suất ưu đãi). Mọi lợi ích về tài chính phát sinh từ nguồn Quỹ hoặc từ các nguồn vận động cho Quỹ đều được bổ sung làm tăng giá trị tài chính của Quỹ, và tuyệt đối công khai, minh bạch. Sau thời gian triển khai thực hiện Đề án 347, đến nay, đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đối với công tác khuyến học, khuyến tài ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Hầu hết các đơn vị, địa phương đã ban hành hệ thống các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện, trong đó đã xác định cụ thể lộ trình cho từng giai đoạn.

Ngoài Quỹ Khuyến học tại địa phương, tỉnh còn đẩy mạnh vận động thành lập Quỹ Khuyến học của gia đình, dòng họ; quỹ mang tên các danh nhân, các địa danh, khuyến khích tài năng, như: Quỹ Học bổng Xổ số Kiến thiết An Giang, Quỹ Học bổng Doãn Tới, Quỹ Tiếp sức tài năng An Giang, Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Thoại, Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng, Quỹ Học bổng Tôn Đức Thắng, Quỹ Học bổng Vừ A Dính, Quỹ Học bổng Huỳnh Thiện Nghệ… Mỗi năm, các nguồn quỹ này đã trao hàng chục tỷ đồng cho hàng ngàn học sinh, sinh viên của tỉnh An Giang có chi phí để tiếp tục học tập, góp phần cùng hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.
Những "quả ngọt" từ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
Từ những cách làm riêng biệt, nhưng đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập những "quả ngọt" từ hoạt động khuyến học, khuyến tài đã xuất hiện.
Thành công đầu tiên trong công tác khuyến học- khuyến tài của tỉnh thời gian qua trước tiên, là đã thúc đẩy phong trào xã hội hóa trong giáo dục phát triển, nhiều mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập" được công nhận; nhiều gương người tốt, việc tốt trong phong trào khuyến học- khuyến tài được tuyên dương, nhân rộng.
Nhắc đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở An Giang là phải nhắc đến xã Nhơn Mỹ của huyện Chợ Mới, từ một xã thuần nông giờ đây đã trở thành một điển hình về phong trào khuyến học ở Đồng bằng sông Cửu Long. Các chi hội khuyến học được thành lập rộng khắp, các gia đình đều coi trọng việc học và hỗ trợ con em mình đến trường. Đặc biệt, việc thành lập các chi hội khuyến học dòng họ đã tạo nên một sức mạnh cộng đồng lớn, giúp nhiều học sinh vượt qua khó khăn tiếp bước đến trường. "Toàn xã hiện có 43 chi hội khuyến học được thành lập rộng khắp ở các ấp, tổ tự quản, các trường, đoàn thể và doanh nghiệp tư nhân... Xã còn xây dựng thành công 24 chi hội khuyến học dòng họ, tham mưu Ủy ban nhân dân xã công nhận trên 4.600 gia đình đạt danh hiệu học tập.

Nhắc đến cách làm hiệu quả trong vận động quỹ khuyến học là nhắc đến huyện Thoại Sơn, bắt nguồn từ Quỹ học bổng Nguyễn Văn Thoại, hiện nay đã phát triển, lan tỏa ra 17 xã, thị trấn trong toàn huyện, đến nay, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều có Quỹ khuyến học, khuyến tài cho học sinh ở các cấp học. Riêng tổng số các tổ chức quỹ khuyến học, khuyến tài dành cho học sinh, đã lên đến 23 tổ chức, trong đó nơi có nguồn quỹ ít nhất cũng đạt được khoảng 600 triệu đồng và cao nhất là Quỹ học bổng Nguyễn Văn Thoại, đến nay đã vận động được hơn 05 tỷ đồng.
Bên cạnh không thể không nhắc đến những "Bếp ăn khuyến học" và Bếp ăn khuyến học Nhà ăn tình thương do Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Trạch phối hợp Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Trạch thành lập từ năm 2010 là một điển hình. Mỗi buổi trưa, lần lượt các em học sinh cấp tiểu học, THCS và nhiều nhất là ở Trường THPT Vĩnh Trạch tập trung về nhà ăn này. Mỗi suất cơm ở đây đều miễn phí và là tấm lòng của các cô bác, nhà hảo tâm xa gần cùng góp sức thực hiện để san sẻ rất thiết thực đối với nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn, nhà xa tiếp tục hành trình "đi tìm con chữ". Hay những suất cơm trưa ấm lòng sĩ tử do thầy giáo Võ Thanh Tùng (thành phố Long Xuyên) cùng đồng nghiệp nấu hàng trăm suất cơm trưa miễn phí tặng sĩ tử trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong suốt hơn 10 năm nay; hay tấm lòng của cán bộ hưu trí ở Châu Phú sửa xe đạp cũ tặng học sinh nghèo; hay những chiếc cầu được thực hiện từ phương thức xã hội hóa, giúp cho người dân, đặc biệt là các em học sinh đến trường dễ dàng; bên cạnh đó, phong trào "nuôi heo đất khuyến học" tiếp tục được các trường học trong tỉnh phát động và học sinh tích cực hưởng ứng. Số tiền thu được để giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho nhiều học sinh được tiếp tục đến trường, hạn chế đáng kể tình trạng học sinh bỏ học, bỏ học giữa chừng…

Bên cạnh khuyến học, nhắc đến khuyến tài là nhắc đến Quỹ Tiếp sức tài năng An Giang. Đến nay hoạt động, quỹ đã dần khẳng định vai trò như một "quỹ đầu tư vào con người" chứ không đơn thuần là một quỹ hoạt động từ thiện hay khuyến học". Sau 15 năm hoạt động, quỹ đã khen thưởng, hỗ trợ, tiếp sức cho hơn 2.150 lượt học sinh, sinh viên và các cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, góp phần đào tạo hàng chục tiến sĩ, hàng trăm thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, nhà văn, sĩ quan, công nhân, nông dân…
Trên đây cũng chỉ là những mô hình, cách làm tiêu biểu trong hàng trăm cách làm, mô hình tiêu biểu trong trào khuyến học, khuyến tài góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh. Những hoạt động này đều xuất phát từ tấm lòng, tình cảm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớn nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà nói chung và hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nói riêng. Hơn hết chính là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, của toàn hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng thuận của xã hội.
Để cái "gốc" nhân văn tiếp tục sinh sôi cái "lãi" nghĩa tình
Thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được trong công tác, hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh thời gian qua, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, mà nòng cốt là ngành Giáo dục và Đào tạo, hội khuyến học các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập bằng nhiều phương thức, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư "Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW, của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập" cũng như các chủ trương khác của Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Nhất là quan điểm học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành người có ích cho xã hội trong Bài viết "Học tập suốt đời" của Tổng Bí thư Tô Lâm".
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, và toàn thể nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh; xác định rõ công tác khuyến học, khuyến tài hướng đến xây dựng xã hội học tập là mục tiêu cơ bản trong phát triển. Từ đó, tổ chức triển khai có hiệu quả công tác này, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tích cực tuyên truyền và nhân rộng các mô hình, các tấm gương Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, người tốt, việc tốt trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tậ.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức hội khuyến học các cấp ngày càng vững mạnh; trong đó đặc biệt chú trọng việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các cấp hội bảo đảm năng động hơn, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, hướng hoạt động khuyến học về cơ sở, cộng đồng dân cư, thiết thực xây dựng xã hội học tập, tạo sức bật mới cho hoạt động khuyến học, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Thứ tư, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để tập trung vận động xây dựng Quỹ khuyến học cấp xã (khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp) đảm bảo ổn định, bền vững và phát huy tác dụng lâu dài; tổ chức và điều hành Quỹ Khuyến học bảo chặt chẽ, đúng quy định, trong đó chú trọng thực hiện đúng nguyên tắc bảo tồn, không làm ảnh hưởng đến nguồn quỹ vận động ban đầu. Gắn chặt việc xây dựng Quỹ Khuyến học với phong trào xây dựng xã hội học tập, xây dựng "Nông thôn mới" và "Đô thị văn minh". Hội đồng quản lý Quỹ các cấp xây dựng, ban hành quy chế hoạt động, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng Quỹ.

Nhà ăn tình thương ở xã Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn)
Thứ năm, linh hoạt, liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi công dân và thực hiện đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động. Có các giải pháp cụ thể nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, ý nghĩa của học tập suốt đời và sự đóng góp của học tập suốt đời đối với nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của nguồn nhân lực tỉnh nhà. Theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo; chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ sáu, nghiên cứu áp dụng các phương pháp vận động nguồn lực tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin, trong vận động Quỹ; tiếp tục ký kết các chương trình phối hợp công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang,…
Thực tế cho thấy, phong trào khuyến học, khuyến tài của tỉnh An Giang đã, đang và sẽ tiếp tục được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Chung sức, chung lòng vì mục đích, niềm tin vào sự nghiệp trồng người, từ đó Cái "gốc" nhân văn sinh sôi cái "lãi" nghĩa tình, làm cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở An Giang ngày càng thêm bền vững và lan toả những thông điệp, giá trị tốt đẹp./.
TRẦN THỊ THANH HƯƠNG
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh,
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy An Giang
______________
Tài liệu tham khảo:
(1) Đề án số 347/ĐA-UBND ngày 24/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang vận động xây dựng Quỹ khuyến học cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh An Giang (giai đoạn 2021-2025).
(2) Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang: Báo cáo số 519/BC-UBND tỉnh ngày 5/5/2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tổng kết Đề án 347/ĐA-UBND tỉnh ngày 24/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang vận động xây dựng Quỹ khuyến học cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh An Giang (giai đoạn 2021-2025).
(3) Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: HỌC TẬP SUỐT ĐỜI, https://baochinhphu.vn.