Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Giáo dục - Khoa học - Công nghệ

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Giáo dục - Khoa học - Công nghệ
Thứ 6, Ngày 23/08/2024, 09:00
Trường Đại học An Giang và dấu ấn về vị Hiệu trưởng đầu tiên…
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
23/08/2024 | Huỳnh Cam

(TUAG)- Trường Đại học An Giang - một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu tại Đồng bằng sông Cửu Long, đang không ngừng phát triển nhờ vào sự cống hiến của những nhà giáo tâm huyết. Trong số những người đã góp phần xây dựng và phát triển Trường, không thể không nhắc đến Giáo sư Võ Tòng Xuân, một người con ưu tú của quê hương An Giang. Thầy đã để lại dấu ấn sâu đậm, đặt nền móng vững chắc cho sự trưởng thành và phát triển của Trường Đại học An Giang.

Nguyễn Minh Hiển đến thăm Trường Đại học An Giang.jpg

Ngày 27/7/2000 Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển đến thăm Trường Đại học An Giang.

Trường Đại học An Giang chính thức thành lập vào những ngày cuối tháng Chạp năm 1999, trở thành niềm tự hào của tỉnh An Giang khi là tỉnh đầu tiên trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có trường đại học trực thuộc. Ngay từ năm đó, Trường đã vui mừng chào đón những sinh viên đại học khóa đầu tiên. Và thầy Võ Tòng Xuân đảm nhận vai trò Hiệu trưởng đầu tiên của Trường, một cơ sở giáo dục đại học còn non trẻ nhưng đầy tiềm năng.

Quyết định của Giáo sư Võ Tòng Xuân trở về đảm nhiệm vị trí Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang thể hiện sâu sắc tinh thần trách nhiệm với quê hương. Khi ấy, Thầy đã bước sang tuổi 60, độ tuổi mà nhiều người chọn nghỉ hưu để chăm sóc sức khỏe và tận hưởng cuộc sống sau bao năm cống hiến. Dù đã đạt nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý, Thầy vẫn nhận lời với trọng trách lớn lao tại một vùng đất còn nhiều khó khăn. Điều gì đã khiến Thầy đưa ra lựa chọn ấy? Đó chính là tình yêu sâu nặng với quê hương An Giang và lòng trăn trở về tương lai của thế hệ trẻ. Thầy mong muốn kiến tạo một môi trường giáo dục Đại học ngay tại địa phương, để con em An Giang không còn phải bôn ba xa quê mà vẫn có cơ hội thênh thang con đường học tập và lập nghiệp. Quyết định này không chỉ là sự trở về với cội nguồn, mà còn là sự đầu tư cho tương lai của quê hương và thế hệ sau.

Thầy luôn tin rằng Trường Đại học An Giang không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức mà còn là nơi tạo dựng ước mơ, thắp lên ngọn lửa hy vọng cho cả vùng đất ĐBSCL. Thầy từng chia sẻ đầy tâm huyết: "Trong nước, dự án mà tôi đặt nhiều kỳ vọng nhất chính là xây dựng Trường Đại học An Giang trở thành một đại học có tầm cỡ tại ĐBSCL. Tôi mong muốn nơi đây không chỉ là trung tâm nghiên cứu phát triển cho An Giang mà còn là nơi ươm mầm nhân tài cho cả vùng".

SV tri an Thay.jpg

Sinh viên tri ân Thầy.

Với tâm huyết và tầm nhìn chiến lược, Thầy đã không ngừng truyền cảm hứng và dẫn dắt từng bước đi của Nhà trường. Mọi nỗ lực của Thầy hướng đến việc xây dựng và phát triển Trường trở thành một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu của khu vực ĐBSCL. Thầy đã sát cánh cùng đội ngũ cộng sự xây dựng nên nền tảng vững chắc, từ việc mở rộng hợp tác quốc tế đến xây dựng những chiến lược dài hạn cho sự phát triển bền vững.

Ngay từ những ngày đầu thành lập Trường, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã có đóng góp quan trọng khi xác định được mô hình lý tưởng và phù hợp cho Trường, đó là: Mô hình Trường Đại học trực thuộc Tỉnh. Thời điểm đó, nhiều nơi đã thử nghiệm mô hình này nhưng chưa thành công. Thầy đã tích cực tìm kiếm nguồn tài trợ, tạo điều kiện để đội ngũ lãnh đạo Nhà trường tham gia các chuyến công tác học hỏi mô hình Trường Đại học cộng đồng tại Châu Âu và Hoa Kỳ (năm 2000). Đồng thời, Thầy kiên trì xây dựng Dự án đầu tư phát triển Trường Đại học An Giang, và nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, ngày 28/01/2003, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án với tổng vốn đầu tư 512,4 tỷ đồng (sau đó được điều chỉnh nâng cấp lên gần 700 tỷ đồng).

Để hỗ trợ con em nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội học tập và ôn luyện tích cực nhằm đạt kết quả tốt trong các kỳ thi Đại học, Thầy đã kết nối và triển khai Dự án "Những nẻo đường Đại học" (Pathways to Higher Education - PHE) do Quỹ FORD, Hoa Kỳ tài trợ. Đây là một Dự án với tổng ngân sách tài trợ gần 3,5 triệu USD, được thực hiện tại 11 trường Đại học trên cả nước, bao gồm các trường như: Đại học An Giang, Đại học Đà Lạt, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên... Đặc biệt, Trường Đại học An Giang là một trong bốn trường được tài trợ xuyên suốt trong 10 năm, từ 2001 đến 2011.

Dự án PHE đã mang lại những thành công và giá trị ý nghĩa to lớn, không chỉ về mặt giáo dục mà còn về mặt xã hội. Các lớp bồi dưỡng năng lực luyện thi dành cho giáo viên và các khóa luyện thi Đại học, bổ túc tiếng Anh, Tin học đã được tổ chức cho học sinh các trường còn gặp nhiều khó khăn ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, như các trường: Dân tộc nội trú, THPT Ba Chúc, THPT Nguyễn Trung Trực, THPT Xuân Tô, THPT Chi Lăng…

Được sự hỗ trợ từ Nhà trường và Dự án PHE, bà con nhân dân vùng Bảy Núi vô cùng phấn khởi. Đáng nhớ nhất là trong một buổi họp mặt, đại diện Hội Phụ huynh học sinh Trường Dân tộc nội trú Tri Tôn chia sẻ vui bằng cả tấm lòng biết ơn: "Trước đây, để tìm một em đậu Đại học đỏ cả mắt, nhờ chương trình của Trường Đại học An Giang mà giờ học sinh đậu Đại học đỏ cả đường!". Những thành tựu của Dự án đã thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc, góp phần thay đổi tương lai của nhiều thế hệ học sinh tại Tỉnh nhà.

Không dừng lại ở các dự án mang tầm ảnh hưởng, Giáo sư Võ Tòng Xuân còn có đóng góp lớn trong việc xây dựng chương trình đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên và nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần tạo nên uy tín của Trường Đại học An Giang ngày hôm nay. Thầy luôn tâm niệm rằng phát triển đội ngũ cho Trường cũng giống như "bỏ ống tiết kiệm" - muốn đạt kết quả tốt thì cần đầu tư và tích lũy liên tục. Vì vậy, Thầy đã chủ động tìm kiếm, giới thiệu và tạo điều kiện để các viên chức của Trường tiếp cận với các nguồn học bổng, giúp họ nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển toàn diện.

Giáo sư Võ Tòng Xuân mãi là biểu tượng của sự tận tụy, của tinh thần học hỏi và sự cống hiến không ngừng nghỉ. Thầy không chỉ là một người lãnh đạo tâm huyết, mà còn là một người đồng nghiệp luôn sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn và động viên tận tình. Thầy truyền đạt những kiến thức thực tiễn và kinh nghiệm quý báu của mình cho các thế hệ tiếp nối, giúp họ định hướng đúng đắn cho tương lai. Các thế hệ sinh viên không chỉ ngưỡng mộ tri thức uyên bác của Thầy, mà còn cảm phục tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề của một nhà giáo tận tâm. Hình ảnh người thầy với dáng vẻ giản dị, nụ cười đôn hậu và sự tận tâm với nghề đã để lại trong trái tim bao thế hệ người học một niềm thương kính sâu sắc. Những bài học từ Thầy không chỉ dừng lại ở tri thức, mà còn là bài học về lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm với xã hội.

Thay Xuan ve du Le ky niem 20-11 voi Nha truong.jpg

Thầy về dự Lễ 20/11 với nhà trường.

Giáo sư Võ Tòng Xuân không chỉ được biết đến là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, mà còn là một người thầy, một nhà lãnh đạo luôn dành trọn tình yêu và tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục và phát triển nông nghiệp của đất nước. Những cống hiến của Thầy không chỉ gói gọn trong phạm vi giảng đường mà còn lan tỏa đến cộng đồng, đến những người nông dân. Với hơn nửa thế kỷ gắn bó với nông nghiệp, Thầy đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và cải thiện đời sống của người nông dân. Thầy đã tham gia nhiều dự án nghiên cứu và phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân miền Tây Nam Bộ, từ việc cải thiện giống lúa, phát triển các mô hình canh tác bền vững cho đến việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Những đóng góp thiết thực của Thầy đã được cộng đồng trong và ngoài nước ghi nhận qua nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý. Nhưng có lẽ, phần thưởng lớn nhất đối với Thầy chính là sự kính trọng và lòng biết ơn từ các thế hệ học trò, từ những đồng nghiệp và từ chính những người nông dân - những người đã được hưởng lợi từ những nghiên cứu và cống hiến của Thầy.

Ngày nay, Trường Đại học An Giang, nơi Thầy đã đặt nền móng, đang vươn mình khẳng định vị thế và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của vùng, trở thành "Đại sứ" của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tại ĐBSCL. Những giá trị mà Thầy đã gieo trồng tại nơi đây vẫn tiếp tục phát triển, truyền cảm hứng cho bao thế hệ tiếp nối.

Sự ra đi của Thầy là một mất mát lớn, không chỉ đối với Trường Đại học An Giang, mà còn đối với nền giáo dục và nông nghiệp nước nhà. Song, những giá trị mà Thầy đã tạo dựng sẽ vẫn mãi sống trong trái tim bao thế hệ, trong từng bước phát triển của Trường. Hình ảnh của Thầy sẽ mãi là nguồn động viên quý báu cho thế hệ trẻ trên con đường tri thức và cống hiến. Thế hệ trẻ nguyện sẽ tiếp tục nối tiếp những ước nguyện và khát vọng của Thầy, tiếp tục xây dựng và phát triển Nhà trường ngày càng vững mạnh, mang lại nhiều hơn nữa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, đúng như những gì Thầy luôn hằng mong ước.

Chan dung thay Xuan.jpg
​Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động, GS-TS Võ Tòng Xuân (1940 - 2024)

Sau thời gian chống chọi với bệnh nặng, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động, GS-TS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, qua đời lúc 7 giờ 27 phút ngày 19/8 tại bệnh viện ở TP.HCM, hưởng thọ 85 tuổi.

GS-TS Võ Tòng Xuân là giáo sư nông học từ năm 1981. Ông từng giữ các chức vụ như Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần thơ; Đại biểu Quốc hội khóa VII (1981 - 85), VIII (1986 - 91), và IX (1992 - 97); Phó chủ nhiệm, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội; Thành viên Nhóm tư vấn của Thủ tướng (1993 - 1996); Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang; Hiệu trưởng danh dự Trường ĐH Nam Cần Thơ… Ông được nhận nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương lao động hạng Nhất; Huân chương lao động hạng Ba… Nhiều giải thưởng quốc tế như Huy chương Hiệp sĩ nông nghiệp của Bộ Nông lâm thủy sản Pháp (1996); bằng tưởng lệ của Thủ tướng Canada về Phụng sự và đóng góp vào khoa học thế giới; huân chương Mặt Trời Mọc của Nhật Bản… GS-TS Võ Tòng Xuân cũng là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng đặc biệt VinFuture 2023 về những đóng góp lớn trong việc phổ biến giống lúa IR36.


HUỲNH CAM

Lượt người xem:  Views:   1617
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật(click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by