(TUAG)- Hòa cùng không
khí vui tươi, phấn khởi của đội ngũ các thầy, cô giáo, các em học sinh,
sinh viên hướng tới kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, chiều
16/11, UBND tỉnh An Giang tổ chức Lễ Kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam
20/11; kết hợp với các hoạt động tri ân, tôn vinh , tuyên dương, khen
thưởng 119 cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên giáo
dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu của tỉnh An Giang năm 2023.

Phát biểu tại buổi lễ,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, đây là lần tiên
tỉnh An Giang tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 dành cho nhà giáo
thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn về mặt
tinh thần, động viên các nhà giáo thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp tích cực
đẩy mạnh phong trào thi đua trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng
cao hình ảnh, vị thế và giá trị xã hội của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đồng
thời tạo động lực cho học sinh, sinh viên thi đua học tập, rèn luyện, phấn đấu,
phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, nhiệt liệt biểu dương và chúc
mừng 119 cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động; học sinh, sinh viên giáo dục
nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu được tuyên dương trong buổi lễ hôm
nay. Đồng thời, trân trọng cảm ơn tinh thần trách nhiệm của các
thầy, cô giáo và sự nỗ lực của các em học sinh, sinh viên đã đạt được
những kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo
dục nghề nghiệp.

Trước yêu cầu mới của
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đang đặt ra những
đòi hỏi bức thiết về việc cần phải đổi mới cơ bản và toàn diện, tạo sự đột phá
về chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đào tạo chất lượng cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, nhiệm vụ giáo
dục nghề nghiệp của tỉnh An Giang trong thời gian tới rất nặng nề, cần phải
có sự tham gia, vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị, doanh
nghiệp, người dân nhằm đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất
lượng tay nghề cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh
An Giang Lê Văn Phước đề nghị các cấp, các ngành và các địa phương,
nhất là ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục quán triệt
sâu sắc, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong các
nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh về đổi mới, phát triển
và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo
dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Quyết định số 73/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ
2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực
hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới,
phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn
đến năm 2045.

Đồng thời, tăng
cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân
luồng, tăng tỷ lệ học sinh sau trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp; thực
hiện vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hoá tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để
học sinh tốt nghiệp vừa có bằng trung học phổ thông vừa có bằng nghề bảo đảm
chất lượng, có điều kiện tham gia thị trường lao động và cơ hội tiếp tục học
tập, nâng cao trình độ.

Bên cạnh đó, cần tập
trung đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo; nâng cấp và chuẩn
hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo. Quan tâm đào tạo, bồi
dưỡng đội ngũ nhà giáo, người dạy nghề, chuyên gia cho các ngành, nghề trọng
điểm; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp
theo hướng hiện đại, tiếp cận chuẩn của các nước tiên tiến. Chú trọng đào tạo
kỹ năng nghề gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, kỹ năng mềm,
tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng số cho người học,
nhằm nâng cao khả năng thích ứng với yêu cầu đổi mới công nghệ, phát triển kinh
tế số,...

Tiếp tục nâng
cao hơn nữa hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa
“Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp”. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động
hợp tác đào tạo với doanh nghiệp, tăng thời gian đào tạo, thực hành cho người
học trong doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp
từ khâu tuyển sinh, đào tạo đến sử dụng, thành lập các cơ sở thực hành tại các
cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động,
gắn kết cung - cầu lao động với giáo dục nghề nghiệp.

Tăng cường nguồn lực, ưu
tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà
nước cho giáo dục - đào tạo tương xứng với vị trí, vai trò của giáo dục nghề
nghiệp, nhất là cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng
điểm, mũi nhọn của tỉnh. Chuyển nhanh cơ chế cấp phát ngân sách sang đặt hàng,
giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề
nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hoá, hợp tác công - tư nhằm huy động và sử dụng hiệu
quả nhiều nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với các
ngành, lĩnh vực, địa bàn mà khu vực ngoài công lập có thể tham gia.

Theo ông Phạm Sơn,
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội tỉnh An Giang, những năm qua,
hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển cả
về quy mô và chất lượng, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao
động. Trong giai đoạn 2011 - 2022, toàn tỉnh đã thực hiện 4 lần sắp xếp mạng
lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Đến nay, toàn tỉnh có 26 cơ sở
giáo dục nghề nghiệp (trong đó, có 2 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 10
trung tâm giáo dục nghề nghiệp; 11 cơ sở tham gia đào tạo nghề).

Cùng với đó, nhận thức
của xã hội, người dân, doanh nghiệp về giáo dục nghề nghiệp đã có những
chuyển biến tích cực. Đào tạo nghề từng bước chuyển từ hướng “cung” sang
hướng “cầu”, gắn với dự báo nguồn nhân lực, dự báo về việc làm, yêu cầu của
doanh nghiệp. Số lượng người tham gia vào giáo dục nghề nghiệp ngày
càng tăng; tỷ lệ người học sau tốt nghiệp có việc làm cao, thu nhập ổn
định; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề được nâng lên (khoảng 63%). Đội ngũ
giáo viên và cán bộ quản lý phát triển về số lượng, chất lượng; cơ sở vật chất,
thiết bị của các cơ sở dạy nghề được tăng cường… Qua đó, góp phần tích cực
phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Công
Mạo