(TUAG)- Việc xây dựng mô hình trường tiểu học đổi mới giáo dục theo định
hướng phát triển năng lực học sinh được Trường Tiểu học B Mỹ Đức (xã Mỹ
Đức, huyện Châu Phú) triển khai bước đầu mang lại những kết quả giáo
dục rất khả quan. Không chỉ đem lại kiến thức, còn đem lại sự hào hứng
và định hình cho học sinh những năng lực, phẩm chất tốt đẹp trong cuộc
sống.
Cô Trần Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng Trường tiểu học B Mỹ Đức cho biết: “Mô
hình này thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 gắn hoạt
động thực tiễn cho các em, bên cạnh đó lồng ghép vào các môn học như:
Khoa học, tự nhiên xã hội, mỹ thuật,… để khi các em học ở lớp sẽ trực
tiếp tham quan và thực hiện mô hình này. Khi thực hiện mô hình giáo viên
chủ nhiệm ở các lớp sẽ trực tiếp hướng dẫn các em về gieo giống, làm
cỏ, cách chăm sóc. Song song đó, ở mỗi cây trồng của mỗi lớp sẽ ghi đặc
điểm và lợi ích cụ thể của từng loại cây để các em nắm và hiểu được
từng loại cây mà các em chăm sóc. Bên cạnh lồng ghép vào chương trình
giáo dục phổ thông thông cũn giáo dục cho các em tình yêu thiên nhiên,
yêu lao động. Với mô hình này thì nhà thực hiện không sử dụng thuốc trừ
sâu để các em biết đây là mô hình sạch”.
Bắt tay vào thực
hiện mô hình, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể và có phân công rõ
ràng, dự trù những điều kiện để thực hiện, qua đó dự kiến những nội dung
cần sự tham gia của phụ huynh, xã hội hóa từ các mạnh thường quân hay
hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Từ đó, thực hiện tốt công tác tham mưu
và xã hội hóa giáo dục.
Kết quả sau thời gian triển khai thực hiện trường đã có được “Khu vườn của em”, diện tích khoảng 200m2,
với hơn 27 loại rau màu quen thuộc với học sinh như Bắp cải, mồng tơi,
đậu rồng, rau muống, dưa leo, bí đỏ, cà tím, đậu đũa, ớt, bạc hà,
hành,... Hiện khu vườn là nơi để giáo viên tổ chức cho học sinh thực
hành và trải nghiệm đối với các bài học có liên quan.
Em Tô Thiên Kim - học sinh lớp 5A, trường tiểu học B Mỹ Đức cho biết: “Em
học được những bài học trong sách giáo khoa môn tự nhiên xã hội, nhưng
bây giờ em đã học cách làm ở ngoài thực tế, thấy được cây và hoa lớn lên
từng ngày, em cũng đã biết được cách chăm sóc cây, em cảm thấy thích
thú khu vườn của trường mình đặc biệt là em được thu hoạch những trái do
chính tay mình chăm sóc”.
Còn em Trịnh Quốc Hào - học sinh lớp 5B, trường tiểu học B Mỹ Đức thì chia sẻ: “Từ
mô hình này em đã áp dụng những bài học trên lớp mà em học, từ đó em đã
biết cách trồng cây, trồng hoa, bón phân cho cây tươi tốt, đẹp hơn. Em
muốn trường duy trì mô hình này để chúng em vui chơi sau những giờ học
căng thẳng”.
Hiệu
quả thiết thực từ mô hình, đã mang đến cho các em học sinh những buổi
học thực tế đầy thú vị, dễ hiểu cho các môn học: Tự nhiên xã hội, hoạt
động trải nghiệm, mỹ thuật, kỹ thuật, khoa học,… Nhờ mô hình, công tác
giáo dục trở nên gần gũi hơn, tạo được môi trường dạy và học thoải mái,
hiệu quả. Ngoài ra, khi được tự tay chăm sóc, bón phân, tưới nước, làm
cỏ,… giúp các em biết yêu lao động, yêu thiên nhiên, từ đó biết yêu
thương nhiều hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Cô Trần Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học B Mỹ Đức cho biết thêm: “Mô
hình này được sự đồng thuận rất cao từ mạnh thường quân cũng như phụ
huynh học sinh hỗ trợ cho nhà trường thực hiện mô hình giáo dục nhà
trường gắn với lao dộng sản xuất từ các khâu như: hỗ trợ đất, phân bón,
cây giống để nhà trường thực hiện thành công mô hình này. Trong thời
gian tới nhà trường vẫn tiếp tục duy trì và thực hiện mô hình này theo
chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Giáo dục học sinh
thông qua hoạt động trải nghiệm không còn là một khái niệm mới mẻ với
chúng ta trong giai đoạn hiện nay. Nhưng cách nào để học sinh đến với
những hoạt động trải nghiệm một cách vừa tự nhiên lại vừa sinh động,
giúp các em qua đó có thể hình thành được những kỹ năng cần thiết trong
cuộc sống là một việc mà rất nhiều giáo viên và các cấp quản lý giáo dục
đang phải loay hoay đi tìm câu trả lời. Và mô hình “Giáo dục nhà trường gắn liền với hoạt động lao động và sản xuất”
thông qua hoạt động “Khu vườn của em” của trường tiểu học B Mỹ Đức là
một trong những giải pháp đổi mới giáo dục của nhà trường theo định
hướng phát triển toàn diện, chú trọng rèn luyện kỹ năng cho học sinh.
Đồng thời, phát huy năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ
quản lí và giáo viên, góp phần thực hiện thành công việc đổi mới căn
bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trúc Mai, Tú Trang