Thế
giới đang thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo chính xác về tất
cả các mặt trong đời sống xã hội; từ kinh tế, chính trị đến việc tổ
chức, cung cách quản lý và điều hành xã hội đều chịu sự tác động mạnh mẽ
của khoa học, kỹ thuật và công nghệ.
Cuộc cách
mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là những thành tựu trong chuyển
đổi số (Digital Transformation) và trí tuệ nhân tạo (AI) chắc chắn sẽ
làm cho cơ cấu xã hội biến đổi, làm cho các tổ chức chính quyền nhà nước
ở các cấp nhỏ gọn, thông minh hơn, công việc được giải quyết nhanh
chóng và hiệu quả hơn. Nói cách khác, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo
không những làm thay đổi cung cách tổ chức, điều hành và quản trị xã hội
mà còn làm thay đổi cả cách suy nghĩ, ứng xử, lối tư duy của con
người...
Bên cạnh
những thành tựu to lớn, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo cũng có thể
dẫn đến tình trạng mất/thiếu việc làm đối với những người lao động có
trình độ học vấn - nghề nghiệp thấp hoặc không theo kịp sự tiến bộ của
khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Bởi vậy, nếu chậm trễ trong cuộc cách
mạng mới này thì các nước đang phát triển và kém phát triển sẽ tụt hậu
ngày càng xa hơn so với các nước phát triển; cơ hội để đuổi kịp các nước
phát triển sẽ càng trở nên mong manh; sự bất bình đẳng giữa các quốc
gia cũng vì vậy mà càng gia tăng, khó khắc phục.
Trong bối
cảnh đó, đứng trước nhiều thách thức, bất lợi và những biến động khó
lường, dù “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy
tín như ngày nay”(1) nhưng nếu Việt Nam muốn rút ngắn được khoảng cách
với các nước phát triển, để “đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa
Việt Nam: trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(2) thì nhất định Đảng
và Nhà nước phải tìm ra, xác định “đúng và trúng” đồng thời giải quyết
tốt các khâu đột phá chiến lược.
Nhất quán với Văn kiện Đại hội XII, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định 3 khâu đột phá chiến lược: 1) Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; 2) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; 3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.
Đối với
nước ta, trong điều kiện hiện nay, cả 3 đột phá đó đều rất cần thiết,
rất cấp bách và rất quan trọng. Song, theo chúng tôi, điều cấp bách nhất
hiện nay, cũng là “điểm nghẽn” cần chú tâm tháo gỡ trước nhất chính là
vấn đề thiếu người tài trong khoa học, công nghệ, tổ chức, kinh
doanh và quản lý xã hội. Bởi vậy, khâu đột phá phải được tính đến là
đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng một cách thật hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao,
trong đó có tầng lớp trí thức tinh hoa của dân tộc. Về cơ bản, cho đến
nay “chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp
ứng yêu cầu phát triển”(3) của đất nước. Bởi vậy, Đảng ta xác định,
việc phát triển toàn diện con người Việt Nam phải “trở thành trung tâm
của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”(4).
Nói cách
khác, muốn đất nước đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra thì Đảng
và Nhà nước phải khẩn trương, tích cực tìm kiếm, phát hiện sớm người
tài, chọn đúng người tài; phải thật sự trọng dụng người tài; tạo môi
trường thuận lợi để người tài sáng tạo, phát minh; phải biết dùng người
tài đúng lúc, đúng việc, đúng chỗ; phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng
đối với người tài nhằm tạo ra động lực mạnh mẽ cho các lĩnh vực sáng tạo
khoa học, phát minh công nghệ, điều hành, quản lý và tổ chức xã hội.
Đây cũng chính là một phần của khâu đột phá trong công tác tổ chức, công
tác cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.
Thế hệ hôm
nay cần phải học và thực hành cho được bài học mà cha ông ta đã nói, đã
viết, đã làm được cách đây nhiều thế kỷ: “Hiền tài là nguyên khí của
quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì
thế nước kém và suy, cho nên các đấng Thánh đế Minh vương không ai
không chăm lo việc gây dựng nhân tài, bồi đắp nguyên khí”(5).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu trí thức dự Hội nghị chính trị đặc biệt (tháng 3/1964). (Nguồn: TTXVN)
Kế tục
truyền thống dân tộc, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, kháng chiến và
xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng việc tập hợp,
bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Người khẳng định, “kiến thiết cần có
nhân tài”; “cách mạng cũng cần có lực lượng của trí thức (chúng ta quen
gọi là lao động trí óc)”; “trong xây dựng xã hội chủ nghĩa, lao động trí
óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang”... Đối với Hồ Chí Minh, trong
mọi việc “phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích
cho công việc chung của chúng ta”(6). Người xác định, “để xây dựng nước
nhà, chúng ta càng ngày càng cần nhiều trí thức tốt”, do vậy, “Đảng và
Chính phủ vừa phải giúp đỡ cho thế hệ trí thức ngày nay càng ngày càng
tiến bộ, vừa phải ra sức đào tạo thêm trí thức mới” - những trí thức
“chính tâm và thân dân”(7). Nhờ thống nhất giữa nói và làm trong việc
trọng dụng người tài, nên Hồ Chí Minh đã quy tụ được nhiều trí thức tài
ba ở tất cả các lĩnh vực ngay từ những ngày đầu lập nước. Những cán bộ
tài năng đó đều được “thử lửa” trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống
thực dân Pháp, đều tuyệt đối trung thành với Tổ quốc; từ các cương vị
được giao, họ đã tận tụy tham gia kháng chiến, chế tạo vũ khí phục vụ
chiến đấu, sản xuất thuốc men phục vụ sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ nhân dân
và tích cực đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng đất nước…
Đánh giá
kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XII, Báo cáo chính trị của Ban chấp
hành Trung ương tại Đại hội XIII khẳng định, việc “phát triển toàn diện
con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội”(8); trong Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030
cũng khẳng định “phát triển con người toàn diện”, đồng thời “tạo đột
phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển
nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài”(9).
Mặc dù
trong nhiều nhiệm kỳ kể từ Đại hội XII trở về trước, Đảng ta đã xác định
chú trọng việc bồi dưỡng và trọng dụng người tài trong các lĩnh vực
khác nhau, trong đó có lĩnh vực khoa học và công nghệ, song tiếc rằng,
trong thực tế, yêu cầu trọng dụng người tài chưa trở thành quốc sách hay chiến lược quốc gia.
Chúng ta vẫn còn “thiếu cơ chế, chính sách tuyển chọn và trọng dụng
nhân tài”(10); “thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích người dám nghĩ,
dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm cả ở khu vực nhà nước và khu
vực tư nhân”(11).
Để chủ trương, nghị quyết của Đảng được triển khai thực hiện một cách có hiệu quả, cần chú trọng hơn đến vấn đề lựa chọn và sử dụng người tài đúng với năng lực, ngành nghề. Song, trước tiên cần xây dựng và hình thành một chiến lược quốc gia về việc chọn người tài, về chính sách sử dụng, đãi ngộ người tài và luật hóa chính sách đó để thu hút những người Việt Nam tài giỏi cả ở trong nước và nước ngoài. |
Trong suốt một thời gian dài, trong các văn kiện chính thức mới chỉ nói trọng dụng nhân tài
mà chưa đưa ra những quy định cụ thể để vận dụng vào thực tiễn. Báo cáo
chính trị tại Đại hội XIII đã thẳng thắn nhìn nhận: “Cơ chế và chính
sách cán bộ trong hoạt động khoa học và công nghệ còn nặng về hành chính
hóa, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy tính sáng tạo, thu
hút nhân tài”(12).
Trên bình
diện quốc gia, đã đến lúc Đảng và Nhà nước cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn
trong triển khai, thực thiện chiến lược, chính sách, quốc sách về tìm và
chọn người tài; trong đó quan tâm hơn nữa đến “trọng dụng, đãi ngộ thỏa
đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình
độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học
đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và
công nghệ đặc biệt quan trọng”(13). Đồng thời, “phát triển đội ngũ
chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật,
nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị
doanh nghiệp, nhân lực quản lý xã hội và tố chức cuộc sống, chăm sóc con
người”(14). Muốn vậy, trước hết cần xác định rõ tiêu chuẩn
người tài là gì; ai hay cơ quan nào là người chịu trách nhiệm giới thiệu
và lựa chọn; cách thức lựa chọn ra sao; điều kiện hay môi trường làm
việc, chế độ bồi dưỡng, đãi ngộ người tài như thế nào. v.v.. Những vấn
đề này chưa có quy định mang tính thể chế. Bởi vậy, Đại hội XIII của
Đảng đặt ra nhiệm vụ phải “đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng
dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và
đổi mới sáng tạo”(15). Theo đó, các cơ quan có trách nhiệm cần biến chủ
trương quan trọng này của Đảng thành hiện thực của cuộc sống nhằm thúc
đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên công
nghệ số.
Khi một người làm khoa học lại “được” đặt vào vị trí quản lý hành chính để được hưởng mức lương hành chính (cao hơn) thì người đó khó có thể “toàn tâm toàn lực” tập trung tư duy - nghiên cứu khoa học và phát minh! Đây là một trong những lý do vì sao có những người giỏi được đào tạo ở nước ngoài lại không về nước làm việc. |
Trong điều
kiện hiện nay, để đất nước phát triển nhanh và bền vững, đồng thời
thích ứng hiệu quả với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm rút
ngắn khoảng cách giữa nước ta với các nước phát triển thì chúng ta cần
ưu tiên chọn người tài ở những lĩnh vực nào?
Như chúng
ta biết, hai tháng sau khi nước nhà giành được độc lập, ngày 14/11/1945,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài
nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân
phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm
nhiều”(16). Đồng thời, Người chỉ thị cho các địa phương báo cáo cho
Chính phủ về người tài ở địa phương mình. Một năm sau, ngày 20/11/1946,
Người lại viết: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có
tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi
những bực tài đức không thể xuất thân.... Muốn sửa đổi điều đó và trọng
dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có
người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải
báo cáo ngay cho Chính phủ biết…”(17). Đó là việc làm cần kíp khi nước
nhà mới giành được độc lập.
So với
những ngày mới thành lập nước, đất nước ta hiện nay chắc chắn có nhiều
người tài hơn và cũng cần nhiều người tài hơn ở tất cả các lĩnh vực - từ
tổ chức, quản lý và quản trị quốc gia và xã hội; phát triển kinh tế,
khoa học, công nghệ, giáo dục, ngoại giao, quốc phòng cho đến các lĩnh
vực như văn hóa, nghệ thuật, v.v.. Những nhân tài thuộc các lĩnh vực này
chính là tầng lớp tinh hoa của dân tộc.
Làm sao để
có thể phát hiện ra những người tài? Theo Hồ Chí Minh, “muốn tránh khỏi
sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo… bắt buộc
cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân
tài”(18). Như vậy, việc phát hiện người tài là trách nhiệm của các cơ
quan, tổ chức nhà nước và các tổ chức xã hội, đồng thời cũng là trách
nhiệm của mọi công dân. Ngày nay, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi
để các địa phương, ngành, cá nhân phát hiện và giới thiệu người tài cho
Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Khi người tài có đóng góp quan trọng cho
đất nước thuộc bất cứ lĩnh vực nào thì người giới thiệu cũng cần được
khen thưởng xứng đáng.
Phát hiện,
giới thiệu hay tuyển chọn được người tài mới chỉ là bước đầu. Vấn đề
tiếp theo là phải tạo điều kiện, môi trường làm việc như thế nào và sử
dụng ra sao để người tài có thể đóng góp tối đa khả năng của mình cho
đất nước. Không nên nghĩ rằng người tài “ném” vào lĩnh vực hoạt động nào
cũng được; càng không nên nghĩ rằng, đã là người tài thì làm được mọi
việc. Điều này cũng tương tự như quan niệm cho rằng: đã là cán bộ có
“cấp bậc, phẩm hàm” thì phân công làm việc gì cũng được, phụ trách lĩnh
vực nào cũng được, kể cả trái ngành nghề. Ở đây cần trở lại với những
chỉ dạy của Hồ Chí Minh: “phải dùng người đúng chỗ, đúng việc”; “phải
xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài
của họ, cũng không được việc”; sử dụng cán bộ đừng nên “thợ rèn thì bảo
đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao…”(19). Tổ chức nào giao công việc
không phù hợp với năng lực chuyên môn, trái sở trường của cán bộ, của
người tài, thì không chỉ là sự lãng phí tài năng mà tai hại hơn còn có
thể còn làm thui chột năng lực, phẩm chất tài năng của họ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành
Đạt trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm
2020, tháng 11/2021. (Ảnh: TTXVN)
Việc lãnh
đạo, chỉ đạo, bố trí công việc và “đối đãi đúng mực” với người tài để
không chỉ phát huy được không khí dân chủ mà quan trọng hơn là khích lệ
lòng tự trọng, phát huy nhiệt tình, “giải phóng năng lượng”, nhiệt tâm
cống hiến vì danh dự… có ý nghĩa rất quan trọng. Đặc biệt, đối với các
cơ quan của Đảng và của Nhà nước hiện nay, khi sử dụng người tài ngoài Đảng
cần quan tâm hơn đến cách “ứng xử và hành xử” để họ thấy thật sự được
tôn trọng, thật sự được trọng dụng; người lãnh đạo, quản lý là đảng viên
cần hết sức tránh và “phải tẩy sạch các bệnh kiêu ngạo, hẹp hòi”(20)
đối với người ngoài Đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn. Trong
điều kiện và tình hình hiện nay, việc thu hút và trọng dụng người tài ngoài Đảng
cần được xem là nhiệm vụ quan trọng và phải trở thành chủ trương, chính
sách nhất quán nhằm tăng cường sức mạnh đất nước, củng cố và phát huy
khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tóm lại,
trước những thành tựu, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức của cuộc
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng và Nhà nước ta đang chú trọng
tiếp thu và thực hành bài học trọng dụng người tài để đưa đất nước tiến
nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc; tránh tụt hậu xa hơn. Vấn đề phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài
thể hiện trong trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng là một trong 5
quan điểm chỉ đạo cần được quán triệt trong hoạt động nhận thức và thực
tiễn. Cụ thể là “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân
tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất
nước phồn vinh, hạnh phúc (…) bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo,
ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của
cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển
nhanh và bền vững đất nước”(21); thiết thực cụ thể hóa các quan điểm chỉ
đạo của Đại hội Đảng lần thứ XIII: “tiếp tục đổi mới cơ chế, chính
sách, nâng cao chất lượng thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất
lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình
mới”(22)./.
GS. TS. Nguyễn Trọng Chuẩn
Phó Chủ tịch Hội Triết học
Nguồn: BTGTW
___________________________
(1) (2) (4) (8) (9) (12) (13) (14) (15) (21) (22) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.104, 112, 65, 65, 115, 83, 167, 231, 231, 110, 160.
(3) (10) (11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.II, tr.70, 75, 76.
(5)
Bia Tiến sỹ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442) tại Văn
Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, do Thân Nhân Trung soạn. Bản dịch trong Tuyển tập Văn bia Hà Nội,
Nxb. Khoa học xã hội, 1978, dịch hơi khác như sau: “Hiền tài là nguyên
khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí
suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy các đáng Thánh đế Minh
vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sỹ, vun
trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sỹ quan hệ với quốc gia trọng đại
như thế, cho nên quý chuộng kẻ sỹ không biết thế nào là cùng”. Còn Văn bia Tiến sỹ
do Đỗ Nhuận soạn thì viết: “Sự nghiệp trị nước lớn lao của Đế vương
không gì cần kíp hơn nhân tài, điển chương chế độ đầy đủ của nhà nước
tất phải chở ở bậc hậu Thánh. Bởi vì trị nước mà không lấy nhân tài làm
gốc, chế tác mà không dựa vào hậu Thánh thì đều chỉ là cẩu thả tạm bợ mà
thôi, sao có thể đạt tới chính trị phong hoá phồn vinh, văn vật điển
chương đầy đủ”.
(6) (18) (19) (20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.5, tr.313, 281, 314, 316.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.10, tr.376, 378.
(16) (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.4, tr.114, 504.