(TUAG)- Sáng ngày 21/4, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn
quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt nội dung Kết luận, Quy định của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (khóa XIII) cho lãnh đạo các cơ
quan báo chí, xuất bản, Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật Việt Nam,
Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và đại biểu văn nghệ
sĩ, trí thức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ủy viên Trung
ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân
Môn chủ trì.

Đại biểu dự điểm cầu tỉnh An Giang
Tại điểm cầu An Giang, đồng chí Thái Thúy Xuân - Phó Trưởng Ban Tuyên
giáo Tỉnh ủy chủ trì. Cùng tham dự có hơn 70 cán bộ lãnh đạo quản lý,
hội viên, trí thức tiêu biểu, văn nghệ sĩ tiêu biểu thuộc Liên hiệp các
hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật
tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch, Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang…
Hội
nghị được nghe GS.TS. Phùng Hữu Phú báo cáo 2 chuyên đề: Những nội dung
cốt lõi trong Kết luận 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của BCH Trung ương
Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính
trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hoá” (Kết luận 21) và “Quy định 37-QĐ/TW ngày
01/11/2021 của BCH Trung ương Đảng (khóa XIII) về những điều đảng viên
không được làm” (Quy định 37).
GS.TS. Phùng Hữu Phú thông tin,
qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây
dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, 10 năm thực hiện Cương lĩnh
bổ sung, phát triển năm 2011, một trong những bài học kinh nghiệm quý
báu hàng đầu được nhấn mạnh trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của
Đảng, đó là: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai
quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị,
tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Bài học về công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng là bài học kinh nghiệm xuyên suốt của Đảng từ khi thành
lập đến nay, nhất là trong công cuộc đổi mới của Đảng.
Từ năm
1990 đến nay, cùng với việc thực hiện công tác xây dựng Đảng trong các
nghị quyết Đại hội Đảng từ khóa VII đến khóa XIII, Đảng đã ban hành các
văn bản quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đó là: Nghị
quyết số 10-NQ/TW, ngày 02/02/1999, Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa
VIII về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng
hiện nay; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/01/2012, Hội nghị Trung ương 4
khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết
số 04/NQ-TW, ngày 30/10/2016, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng
cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự
chuyển hoá” trong nội bộ. Mỗi nghị quyết, Đảng đều tiến hành sơ kết,
tổng kết, đánh giá mặt được, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm, trên
cơ sở đó xây dựng và ban hành nghị quyết mới với quyết tâm chính trị cao
hơn, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, yêu cầu cao hơn đối
với cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên và phù hợp với tình hình
mới. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhận diện cụ thể
những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

GS.TS. Phùng Hữu Phú báo cáo tại Hội nghị
Tại Hội nghị lần thứ tư, BCH Trung ương khóa XIII đã xem xét Báo cáo
kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của BCH
Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn sự
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Báo cáo kết quả thực hiện Quy
định 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2012 của BCH Trung ương khóa XI về những điều
đảng viên không được làm. Trên cơ sở đó ban hành Kết luận 21 và Quy
định 37.
Nội dung Kết luận số 21 và Quy định 37 có kế thừa và
phát triển nội dung các nghị quyết trước đó. Theo đó, Kết luận số 21 có 4
điểm mới là: (1) Mở rộng phạm vi, không chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng
trong sạch, vững mạnh mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị theo
tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; (2) Cùng với ngăn chặn, đẩy
lùi, phải chủ động tiến công mạnh mẽ, kiên quyết đấu tranh, xử lý
nghiêm suy thoái, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, là bước đột
phá mới, cấp độ cao hơn, cường độ và mức độ quyết liệt hơn, thái độ xử
lý nghiêm khắc hơn; (3) Kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”; (4) Yêu
cầu cao về đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; kiên quyết chống chủ nghĩa
cá nhân, cơ hội, vụ lợi, “lợi ích nhóm”, quan liêu, xa dân, vô cảm trước
khó khăn, bức xúc của dân. Kết luận 21 là quyết tâm chính trị cao, đẩy
mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nhằm xây dựng Đảng
toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của
Đảng.
Nội dung trong Quy định 37 cơ bản giữ nguyên 19 điều, điều
chỉnh, sắp xếp và biên tập lại một số điều cho phù hợp với các nhóm hành
vi (tư tưởng, chính trị, lối sống; nhiệm vụ đảng viên; nhiệm vụ cấp
trên giao…) có tính hệ thống, chặt chẽ, có tính pháp quy, cụ thể, rõ nội
hàm, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát.
Xây dựng 2 điều mới là Điều 3, Điều 13. Sắp xếp lại vị trí các điều;
chuyển nội dung trong một số điều vào các điều phù hợp hơn theo hướng
quy định những vấn đề chung trước, đến các vấn đề cụ thể. Nội dung từng
điều trong Quy định 37 thể hiện quan điểm kiên quyết, kiên trì đấu tranh
ngăn chặn hành vi, hiện tượng, biểu hiện suy thoái, tham nhũng, tiêu
cực, tha hóa… quyết tâm xây dựng đội ngũ đảng viên bản lĩnh, trong sạch,
tiên phong, gương mẫu, xứng đáng với danh hiệu người đảng viên cộng
sản, người lãnh đạo và đày tớ trung thành của Nhân dân, của dân tộc.
Quy
định 37 là văn bản quan trọng để đảng viên nhìn nhận, soi xét lại mình,
tự sửa mình trong công tác, cuộc sống, nâng cao nhận thức, trách nhiệm,
góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII, Kết luận 21 về
xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công
tác giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, trách
nhiệm nêu gương của đảng viên, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc;
tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ
nghĩa cá nhân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn, xây dựng Đảng và
hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn phát biểu kết luận Hội nghị
Phát biểu Kết luận Hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên
giáo Trung ương Lại Xuân Môn đề nghị ngay sau hội nghị này, các đơn vị
cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần chủ động, sáng tạo, khẩn
trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình thực hiện kết luận, quy
định gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa
XIII) phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, sát với
chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đồng chí yêu cầu các cơ quan báo
chí, xuất bản cần phát huy cao độ vai trò của hoạt động báo chí, xuất
bản, góp phần giáo dục, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động
của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nước cũng như
kiều bào ở nước ngoài về nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa
XIII); thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện để việc cụ thể hóa, thể
chế hóa, tổ chức thực hiện nghị quyết trên thực tế theo tinh thần hội
nghị đã đề ra.
Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật và đại biểu
các văn nghệ sĩ chủ động xây dựng chương trình hành động, kế hoạch hoạt
động để cụ thể hóa triển khai thực hiện bài phát biểu của đồng chí Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021;
tập trung đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ
làm công tác văn học nghệ thuật; đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ trong
giai đoạn mới.
Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật và đội ngũ
trí thức phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đảng, đảng viên trong
việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) gắn với việc thực
hiện Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị và Kết luận số
93-KL/TƯ ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển
giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là
những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để khoa học
và công nghệ thực sự là động lực của tăng trưởng kinh tế; tiếp tục quán
triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng
lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong
tình hình mới…
Việc nghiên cứu, quán triệt và triển khai đưa
nhanh Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) vào cuộc sống là trách nhiệm,
đồng thời cũng là vinh dự đối với mỗi cán bộ, đảng viên nói chung và của
mỗi cán bộ báo chí, xuất bản, trí thức, văn nghệ sĩ nói riêng, nhằm
thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của
Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn
diện. Với tinh thần trách nhiệm và ý chí quyết tâm, Phó Trưởng ban
Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tin tưởng, đội ngũ cán bộ báo chí,
xuất bản, trí thức, văn nghệ sĩ sẽ mang hết tâm huyết để triển khai
thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII), sớm đưa Nghị quyết
vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong
sạch, vững mạnh./.
Nguyễn Lam