(TUAG)- Từ sự chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện, ngành nông
nghiệp huyện Châu Thành triển khai khá hiệu quả cơ cấu ngành nông nghiệp
thích ứng tình hình mới, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, góp phần
phát triển kinh tế địa phương.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn huyện Châu Thành Nguyễn Phạm Tuấn cho biết, năm qua,
dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng tình hình sản xuất nông
nghiệp trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Huyện tập
trung thực hiện đồng bộ giải pháp trọng tâm tái cơ cấu nông nghiệp.
Trong đó, chú trọng hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công
nghệ tiên tiến vào sản xuất, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật
nuôi phù hợp điều kiện địa phương, thích ứng biến đổi khí hậu, mang lại
giá trị kinh tế cao.

Khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất
Nhằm chủ động ứng phó, hạn chế ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 đến sản
xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản, ngành nông nghiệp tích cực tuyên
truyền, vận động nông dân sản xuất theo hướng đa canh, xen canh và chủ
động liên kết đầu ra. Huyện thành lập tổ phản ứng nhanh cấp huyện, xã,
hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ nông sản, kết nối thông tin, dữ liệu về huyện
kịp thời, không để chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản bị đứt gãy.Đồng
thời, hỗ trợ nông sản của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác
trên địa bàn tiếp cận và kết nối tiêu thụ với hệ thống phân phối, doanh
nghiệp, chợ, điểm bán nông sản trong, ngoài tỉnh. Đặc biệt, tập trung
ký kết hợp đồng ngay từ đầu vụ sản xuất, hoặc ký hợp đồng cả năm, nhằm
tạo đầu ra cho nông sản, tránh điệp khúc “được mùa, mất giá” hay không
tiêu thụ được…
Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp,
huyện Châu Thành từng bước xây dựng vùng chuyên canh sản xuất tập trung,
với cây trồng, vật nuôi phù hợp và thích ứng biến đổi khí hậu. Tổng
diện tích trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng rau, màu và cây ăn
trái đến cuối năm 2021 trên địa bàn huyện trên 1.175ha (trong đó, gần
1.115ha rau, màu, gần 60ha cây ăn trái). Việc chuyển đổi cơ cấu cây
trồng xuất hiện một số mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao, được địa
phương duy trì và nhân rộng. Qua đó, tạo điều kiện cho người sản xuất
tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong nông nghiệp, góp phần
nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm và tăng
thu nhập cho nông dân.
Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy
về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Châu Thành quy
hoạch và triển khai vùng, sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao trên các lĩnh vực, như: Lúa gạo, xã hội hóa giống lúa, chăn
nuôi, thủy sản, rau màu, nấm dược liệu, hoa - cây kiểng, cây ăn trái…
Năm 2021, địa phương thực hiện 58 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, phục vụ xây dựng
nông thôn mới, tổng kinh phí gần 2,6 tỷ đồng.
Thời gian tới,
huyện Châu Thành tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình
tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, khai thác và tận dụng
tốt lợi thế của địa phương để phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá
trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, từng bước
hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; quy hoạch và
triển khai vùng, sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
trên các lĩnh vực, như: Xã hội hóa giống lúa, chăn nuôi, thủy sản, rau
màu, nấm dược liệu, hoa - cây kiểng, cây ăn trái.
Huyện kêu gọi
và luôn tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp, nông dân đầu tư ứng
dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài ra, đẩy mạnh chuyển
giao công nghệ giống cây trồng, vật nuôi; công nghệ bảo quản, chế biến
nông sản; khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản
xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Đẩy
mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phối hợp chính quyền địa
phương và doanh nghiệp tăng cường liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ
nông sản, đảm bảo đầu ra ổn định.
Năm 2021, tổng diện tích xuống
giống của huyện Châu Thành trên 81.326ha lúa và hoa màu (đạt 98,5% kế
hoạch năm). Trong đó, tổng diện tích sản xuất lúa được ứng dụng chương
trình “1 phải, 5 giảm” chiếm trên 67% diện tích xuống giống; hơn 7.223ha
sản xuất lúa giống, với 30 tổ sản xuất giống và công ty ký kết hợp đồng
sản xuất giống với nông dân.
Bài, ảnh: TRUNG HIẾU