Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính trị

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Chính trị
Thứ 2, Ngày 21/11/2022, 08:00
An Giang nhớ ơn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
21/11/2022 | Hữu Thịnh

(TUAG)- "Người nhờ đất để sống. Đất nhờ người có tên. Người nhờ người dẫn lối. "Uống nước nhớ nguồn" là đạo lý ngàn đời của ông cha ta…" - đoạn mở đầu văn bia đặt tại công viên văn hóa Võ Văn Kiệt (xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn) cho thấy sự trân trọng của các thế hệ lãnh đạo và người dân An Giang hôm nay đối với công lao to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt  trong việc quyết định đào kinh T5, nay là kinh Võ Văn Kiệt - đại công trình lịch sử làm hồi sinh cả một vùng đất chết.

 AG-nho-VoVanKiet-1.jpg

1. Dòng chảy lịch sử 200 năm

Tứ giác Long Xuyên được người Pháp định danh trong những thập niên đầu thế kỷ XX, định hình qua 4 trục chính: sông Hậu về phía đông bắc, kinh Vĩnh Tế phía tây bắc, kinh Cái Sắn phía tây nam và kinh Rạch Giá – Hà Tiên về phía tây ven biển. Với diện tích khoảng 500.000ha, TGLX cùng với Đồng Tháp Mười là 2 "túi phèn" khổng lồ của ĐBSCL.Do địa hình trũng, vùng này thường bị ngập sâu vào mùa lũ nhưng lại bị khô hạn, nhiễm phèn, xâm nhập mặn vào mùa khô.

Dưới Triều Nguyễn, trong vùng này chỉ mới có kinh Thoại Hà, Vĩnh Tế và một đoạn kinh Núi Sập – Ba Thê được Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào đắp chủ yếu phục vụ cho giao thương, quốc phòng, khẩn hoang lập ấp. Kinh Thoại Hà hoàn thành (1818) đưa sông Đông Xuyên  thành cảng đạo nối sông Hậu với biển Tây ngoài thuận lợi cho giao thương còn tạo điều kiện cho lưu dân định cư, khai phá đất đai dọc theo bờ Thoại Hà lập được một số thôn ấp vùng Núi Sập như Phú Hòa, Vĩnh Chánh, Thoại Sơn… Kinh Vĩnh Tế hoàn thành (1824), mang tầm vóc quốc gia và quốc tế, nối liền giao thương Châu Đốc với Hà Tiên, vừa  củng cố, giữ vững an ninh biên giới vừa tạo điều kiện cho dân phiêu tán định cư, khẩn hoang lập làng hai bên bờ kinh Vĩnh Tế. Đến năm 1827 được 20 xã thôn như Vĩnh Tế, Vĩnh Nguơn, Vĩnh Hội, Nhơn Hòa (Nhơn Hưng), Vĩnh Thạnh - An Thạnh (An Phú), An Nông, Vĩnh Thông, Vĩnh Lạc (Lạc Quới), Vĩnh Bảo (Vĩnh Gia), Vĩnh Ðiều…

Khi thực dân Pháp xâm chiếm An Giang, Hà Tiên (1867) cho đến năm 1945 của thế kỷ XX- gần 80 năm sau, chỉ có thêm 9 kinh trục chính (1) phục vụ chủ yếu cho việc tư hữu hóa đất đai lập ra những đồn điền lớn phát canh thu tô, vơ vét lúa gạo xuất khẩu. Dưới thời Ngô Đình Diệm chỉ đào được con Kinh Mới (1962) nối kinh Vĩnh Tế với kinh Tám Ngàn (lúc này vẫn chưa thông với kinh Rạch Giá – Hà Tiên) nhằm mục đích chia cắt địa hình căn cứ kháng chiến chớ không vì phát triển kinh tế, dân sinh…

Sau năm 1975, vùng TGLX vẫn chìm đắm trong bạt ngàn năng, lác, tràm… cùng lũ lụt hàng năm, nhất là vùng rốn ngập nặng giữa các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Châu Thành, Châu Phú, Tịnh Biên (An Giang), Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành (Kiên Giang) quang cảnh vẫn như hàng trăm năm trước. Vùng đất này chỉ từng bước cựa mình, vươn vai từ khi có đường lối đổi mới của đất nước, nhất là khi tư tưởng Tam Nông được xác lập rõ ràng. Những năm 1988-1989, tỉnh An Giang và Kiên Giang đã nỗ lực đưa dân vào khai phá, tuy nhiên, với diện tích tự nhiên khoảng 489.000 ha nhưng năm 1990, sản lượng lúa toàn vùng chỉ đạt trên 1 triệu tấn. Liên tục ba năm từ 1994 đến 1996, tỉnh An Giang bị lũ lớn từ Camuchia đổ về làm hệ thống giao thông đường bộ bị hư hại nặng, trồng trọt và chăn nuôi bị tổn thất lớn, đời sống nhân dân gặp vô vàn khó khăn.

Qua một thời gian dài khảo sát tìm giải pháp cho phát triển sản xuất, hạn chế ngập lụt, xây dựng nông thôn mới cho ĐBSCL, ngày 9-2-1996 Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Quyết định 99/TTg nhằm hoàn thiện các chương trình khai thác Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên và Bán đảo Cà Mau do ông khởi xướng từ những năm 1987 - 1988 - 1989 khi đất nước vừa đổi mới, khi ông còn là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (1987 -1991), rồi Chủ tịch HĐBT - Thủ tướng Chính phủ (1991 – 1997)…

Trong chuyến về thăm và làm việc tại An Giang, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các nhà khoa học đã đến khảo sát toàn vùng Tứ giác Long Xuyên và các tuyến kinh, tìm cách đưa nước thoát lũ ra biển Tây, rước ngọt và rửa phèn cho Tứ giác Long Xuyên. Ngày 25-7-1996 Thủ tướng đã đi thị sát cánh đồng Lạc Quới (Tri Tôn, An Giang) định hướng cho con kinh trục chính đào nối liền kinh Vĩnh Tế với bãi Giồng Kè của Hòn Đất, Kiên Giang.

Dù có không ít ý kiến quan ngại việc đào kinh thủy lợi trong TGLX sẽ làm "dậy phèn" cho cả Miền Tây nhưng với sự nhạy bén, tầm nhìn xa trông rộng,Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ thị: "Đề án quy hoạch thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên cần nhanh chóng thực hiện vì nó sẽ giúp khu vực sử dụng được nguồn phù sa vô giá của lũ sông Cửu Long, chính nó sẽ đảm đương việc thoát lũ, rửa phèn khai phá đất nông nghiệp cho vùng Tứ giác Long Xuyên. Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy lợi, Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường cần nhanh chóng phối hợp lập kế hoạch xây dựng tuyến kênh thoát lũ ra Vịnh Thái Lan"..

Sau khi ký Quyết định số 159/TTg ngày 14-3-1997 nhằm thực hiện ngay trong năm 1997 các công trình chống lũ cho TGLX  kết nối thành hệ thống các con kinh Vĩnh Tế (T3), T4, T5, T6, tuyến đê bờ Nam Vĩnh Tế; hệ thống cống ngăn, xả lũ và 2 đập cao su điều chỉnh lũ Tha La, Trà Sư; các cống ngăn mặn giữ ngọt, thoát lũ ven biển, ngày 22/4/1997 Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định cho khởi công đào kinh T5, con kinh như "cái xương sống" có ý nghĩa chiến lược của cả hệ thống. Lúc đó, một số tuyến kinh như kinh Tám Ngàn và kinh T6 trong vùng Tứ giác Long Xuyên đã đào xong nhưng chưa thông tuyến nên không rửa phèn hiệu quả, ngập lụt vào mùa nước lũ diễn ra vẫn phức tạp.

Sau 4 tháng huy động mọi lực lượng hối hả hoàn thành trước đỉnh lũ, ngày 30-8-1997, kinh T5 hoàn thành với tổng chiều dài 36.700m (trên phần đất An Giang dài 10.900m, trên phần đất Kiên Giang dài 25.800m), bề rộng mặt kinh từ 30 – 36m, đáy rộng 20m, sâu 4 - 4,5m. Một đại công trình thủy lợi nhanh nhất từ xưa đến nay trên vùng đất này đã hoàn thành. Ngay sau mùa lũ năm 1997, đầu năm 1998 gần 50.000ha cặp hai bên bờ kinh T5 đã được ngọt hóa. Kinh T5 đã hoàn thành sứ mệnh là trục chính cùng với kinh T4, T6…  đưa nước lũ ra biển Tây, tránh ngập lụt tại An Giang, đánh tan "túi phèn" từ bao đời của vùng Tứ giác. Từ đó, 500.000ha đất hoang hóa vùng TGLX (thuộc 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang và một phần Cần Thơ) được khai phá, bố trí hàng ngàn hộ dân sống an toàn với lũ, sản xuất 2-3 vụ lúa một năm và trở thành vựa lúa quan trọng, đưa kinh tế xã hội ngày càng phát triển toàn diện. Từ buổi đầu, kênh T5 đã được người dân tự gọi là kinh Ông Kiệt hay kinh Ông Sáu như thay cho lời cảm ơn về tâm huyết và quyết sách hợp lòng dân của Thủ tướng Võ Văn Kiệt…

Hệ thống công trình thoát lũ ra biển Tây hoàn thành, nghiệm thu, phát huy hiệu quả một cách tích cực trong điều tiết nước lũ năm 1999 của vùng Tứ giác Long Xuyên, tình trạng ngập lụt  ở ĐBSCL khi đỉnh lũ Tân Châu vượt báo động ba (4,20m) không còn gây thiệt hại.

Theo gợi ý của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vào ngày 11/10/1999, tại Hội trường UBND tỉnh An Giang, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh An Giang phối hợp với Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Lịch sử phát triển kinh Vĩnh Tế" thu hút các nhà khoa học ở Trung ương, ở địa phương, các nhà quản lý của hai tỉnh An Giang và Kiên Giang về dự.

Hội thảo có rất nhiều tham luận đánh giá cao công trình đào kinh Vĩnh Tế của tiền nhân trước đây cũng như tầm nhìn chuẩn xác của Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các nhà khoa học, lãnh đạo địa phương khi quyết định dựa vào con kinh này xây dựng hệ thống thoát lũ, tiêu phèn, giữ ngọt hiệu quả cho đất đai TGLX hồi sinh và phát triển. Kinh Vĩnh Tế là tuyến kênh biên giới đặc biệt quan trọng mở mang vùng đất Tây Nam Bộ mang tầm vóc của một công trình chiến lược nhất thế kỷ XIX. Ngoài mục đích chính là tạo nên một thủy lộ giao thương thông suốt nối liền thành Châu Đốc và thành Hà Tiên như phòng tuyến trấn giữ biên giới, kinh Vĩnh Tế còn tạo điều kiện cho lưu dân đi đến những vùng đất mới định cư, khai khẩn đất đai. Thượng nguồn kinh Vĩnh Tế đưa dòng nước ngọt sông Hậu ở Châu Đốc thâm nhập vào ruộng đồng vùng Bảy Núi, xuôi xuống hạ nguồn sông Giang Thành ở Hà Tiên để ra biển Tây. Và chủ trương thoát lũ ra biển Tây, khai thác vùng TGLX của Thủ tướng Chính phủ năm 1996 là một tầm nhìn chiến lược nối tiếp việc làm của tiền nhân trong công cuộc khai phá, xây dựng, giữ gìn và phát triển vùng đất Tây Nam của đất nước càng thêm giàu đẹp.

Diện tích đất của An Giang trong TGLX là 239.200ha chiếm 47,43% diện tích của vùng và chiếm 69,80% diện tích của tỉnh. Nhờ có hệ thống đê bao kiểm soát lũ và tiêu thoát lũ ra biển Tây, diện tích canh tác lúa của An Giang từ 1 vụ, chuyển lên 2 rồi 3 vụ trong năm. Sản lượng lúa cả năm tăng dần từ 1 triệu tấn, lên 2 triệu tấn, 3 triệu tấn và trên 4 triệu tấn. Góp phần đưa An Giang trở thành một trong những tỉnh đứng đầu sản xuất lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản ra thị trường thế giới.

Tại hội thảo, lãnh đạo tỉnh An Giang bày tỏ lòng biết ơn đến các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tâm huyết giúp cho các công trình thoát lũ, tiêu phèn của TGLX hoàn thành, hiệu quả, đồng thời mong muốn được đặt tên "chính danh" cho con kinh T5 hơn là bằng ký hiệu…

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Cố vấn Võ Văn Kiệt rất vui mừng vì hệ thống công trình đê bao, thoát lũ vùng TGLX hoàn thành trong thời gian ngắn và phát huy hiệu quả tích cực, rồi đây nhà cửa, thôn xóm, làng mạc và đời sống người dân dọc theo những con kinh mới này sẽ trù phú theo thời gian,… Cố vấn Võ Văn Kiệt căn dặn và tin tưởng nhân dân và chính quyền tỉnh An Giang , Kiên Giang sử dụng hệ thống công trình thoát lũ ra biển Tây thành công và hiệu quả để phát triển vùng Tứ giác Long Xuyên, đóng góp cho sự nghiệp chung của đất nước…

AG-nho-VoVanKiet-2.jpg

2. Tấm lòng người dân An Giang đối với Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Ngày 11-6-2008 nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời. Người dân An Giang cùng cả nước đau buồn, tiếc thương tiễn biệt vị Thủ tướng đã ghi đậm dấu ấn trên đồng đất Miền Tây cũng như các công trình có tầm cả nước mà ông chủ xướng như thuỷ điện Trị An, đường dây 500 KLV Bắc - Nam, lọc dầu Dung Quốc, Chương trình 327 phủ xanh đất trống đồi trọc, chương trình vệ sinh môi trường với Chỉ thị 200, chương trình nước sạch nông thôn, kiên cố hoá trường học; chủ trương không đốt pháo nổ...

Hình ảnh Thủ tướng - Anh Sáu Dân thân thương gần gũi nhân dân, nhất là nông dân và dân nghèo, với văn nghệ sĩ - trí thức - nhà tu hành, bà con Việt Kiều… vẫn còn mãi.  Ngược dòng thời gian, người Miền Tây nhớ mãi Anh Sáu Dân - một Bí thư Khu ủy khu Tây Nam Bộ  kiên cường, mưu lược lãnh đạo quân và dân Khu 9 đánh bại âm mưu bình định lấn chiếm khốc liệt của Mỹ - Thiệu sau Hiệp định Pari năm 1973, tạo tiền đề cho chiến trường miền Nam chuyển thế chiến lược tiến lên Tổng tiến công 1975 toàn thắng.

Đối với cán bộ, người dân An Giang đã từng biết đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong trong thời gian ông về tìm hiểu tình hình TGLX, hình ảnh ông đi bộ, ngồi máy cày khảo sát vùng phèn Lạc Quới, xắn quần lội sình lầy  dắp đường  khi kinh T5 mới đào xong không bao giờ nhạt phai trong ký ức. Những người nông dân ở Lạc Quới (Tri Tôn, An Giang), Bình Giang (Hòn Đất, Tri Tôn) luôn ghi nhớ về  sự nhạy bén, tầm nhìn xa trông rộng của ông Sáu Dân khiến cho cả một cánh đồng rộng lớn chạy dài từ An Giang xuống tới Kiên Giang này phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Mọi người vẫn luôn nhắc đến ông Sáu Dân với lòng biết ơn, kính trọng khi chứng kiến sự phát triển của vùng TGLX, cho là công lao đó đối với người dân xứ này lớn như trời, như biển vậy!

Với niềm yêu quý và lòng kính trọng Thủ tướng Võ Văn Kiệt, được sự đồng tình ủng hộ của cán bộ và nhân dân An Giang, ngay trong dịp giỗ đầu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, UBND tỉnh An Giang đã lập tờ trình gởi HĐND xin đặt tên kinh Võ Văn Kiệt thay cho tên kinh T5-Tuần Thống đang dùng. Nội dung tờ trình ghi rõ, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người con ưu tú của vùng ĐBSCL. Trên cương vị Thủ tướng, ông thường cùng lãnh đạo các tỉnh, các nhà khoa học khảo sát vùng ĐBSCL, đặc biệt là TGLX và luôn trăn trở làm cách nào để thoát nhanh nước lũ từ Campuchia tràn về tránh tình trạng ngập lũ nặng, đồng thời khai thác vùng đất hoang hóa để phát triển nông nghiệp. Ông quyết định cho thi công hệ thống kênh T4-T5-T6 vào năm 1997. Công trình đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn lao cho An Giang và một số tỉnh thành Tây Nam bộ. Trong đó, kênh T5 dài 48km, có quy mô lớn nhất, có vai trò quan trọng nhất nên được chọn làm đại diện để đặt tên kênh Võ Văn Kiệt, đồng thời dựng bia tưởng niệm tại đầu tuyến kinh…

Với sự đồng ý tuyệt đối, tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang đã ra Nghị Quyết số 24/NQ-HĐND ngày 10-7-2009 chính thức đặt tên: Kinh Võ Văn Kiệt.

Hai năm sau, để ghi nhớ công ơn của ông, tỉnh cho dựng bia và phù điêu chân dung ông tại đầu vàm kênh T5, đặt trong công viên mang tên Võ Văn Kiệt (rộng hơn 4.500 m2, phía trước Ủy ban nhân dân xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn). Bia và công viên được long trọng khánh thành ngày 11/6/2011. Bia cao 18 m, phần trên là phù điêu bằng chất liệu composite màu vàng chạm khắc chân dung Thủ tướng Võ Văn Kiệt, phần dưới là bản văn bia chữ vàng trên nền đá granite màu đỏ nâu sậm. 

AG-nho-VoVanKiet-3.jpg

Văn bia do ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh), một người rất tâm huyết và tâm đắc với các công trình của cố Thủ tướng  Võ Văn Kiệt, viết về ý nghĩa và bối cảnh thực hiện con kênh. Bài viết ngắn gọn nhưng súc tích, khởi đầu bằng đoạn: "Người nhờ đất để sống. Đất nhờ người có tên. Người nhờ người dẫn lối. "Uống nước nhớ nguồn" là đạo lý ngàn đời của ông cha ta…", kết thúc bởi câu: "Kênh Võ Văn Kiệt nối tiếp kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy, cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương nam. Thế hệ người dân An Giang hôm nay hướng dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc".

Hàng năm, vào ngày 11-6, tại công viên này chính quyền và nhân dân địa phương đều tổ chức lễ giỗ tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt trọng thể, dâng cúng các sản vật địa phương thu hoạch từ trên đồng đất khu Tứ giác như một hình thức báo công lên Thủ tướng.

 AG-nho-VoVanKiet-4.jpg

Tại Thành phố Long xuyên, cách công viên Võ Văn Kiệt gần 100 km, ở nhà vườn của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Khánh, kể từ ngày 11-6-2009 lễ giỗ hàng năm  Thủ tướng Võ Văn Kiệt được tổ chức trang nghiêm, ấm cúng luôn có đại diện một số cơ quan ban ngành, cán bộ về hưu và người dân An Giang tham dự cùng ôn lại cuộc đời và quá trình đóng góp của cố thủ tướng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Đây cũng chính là nét sống, là văn hóa mang đầy nghĩa tình của những con người miền biên viễn phương nam./.

Hữu Thịnh

Lượt người xem:  Views:   559
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by