(TUAG)- Hiến pháp là nền tảng pháp lý cao nhất, định hình “bộ khung” cho sự phát triển của quốc gia. Tại Việt Nam, mỗi lần sửa đổi Hiến pháp đều gắn với những bước ngoặt lịch sử, phản ánh nhu cầu đổi mới để đáp ứng thực tiễn. Trong bối cảnh hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, được Quốc hội khóa XV thông qua tại Nghị quyết số 194/2025/QH15 ngày 05/5/2025 là bước đi quan trọng nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiệu quả, gần dân và vì dân.

Bối cảnh và sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung
Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Sau gần bốn thập kỷ đổi mới, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng: kinh tế tăng trưởng bền vững, vị thế quốc tế được nâng cao và đời sống Nhân dân ngày càng cải thiện. Tuy nhiên, thực tiễn cũng đặt ra yêu cầu cấp bách về cải cách hành chính, chuyển đổi số và tối ưu hóa bộ máy nhà nước… Hiến pháp năm 2013 dù đã tạo nền tảng vững chắc cho các chính sách đổi mới, đến nay đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế khi áp dụng vào thực tế, đặc biệt trong tổ chức chính quyền địa phương và tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội.
Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã xác định rõ chủ trương tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp (tỉnh và xã), kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 01/7/2025. Đồng thời, việc sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng được nhấn mạnh nhằm giảm trùng lặp chức năng, nâng cao hiệu quả hoạt động. Những định hướng này đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để đảm bảo tính đồng bộ và khả thi, tạo cơ sở pháp lý cho các cải cách mang tính đột phá.
Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thành lập theo Nghị quyết số 195/2025/QH15 ngày 05/5/2025 đã tổ chức xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với phạm vi đã được Quốc hội xác định. Theo đó, dự thảo Nghị quyết tập trung vào hai nhóm nội dung chính: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương.
Về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội
Sửa đổi, bổ sung Điều 9 nhằm khẳng định vai trò trung tâm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Dự thảo làm rõ nguyên tắc hoạt động “hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động” dưới sự chủ trì của Mặt trận, đồng thời quy định các tổ chức chính trị - xã hội như Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức trực thuộc Mặt trận. Điều này tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, giảm bớt tầng nấc trung gian, khắc phục tình trạng trùng lặp chức năng, giúp các tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn trong việc đại diện và bảo vệ quyền lợi của Nhân dân.
Sửa đổi, bổ sung Điều 10 nhấn mạnh vai trò của Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận, đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn. Điều này không chỉ khẳng định vị trí không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện các tổ chức bất hợp pháp mạo danh đại diện người lao động.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 84 được sửa đổi, bổ sung để quy định chỉ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền trình dự án luật trước Quốc hội và dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thay vì cùng với các tổ chức thành viên như trước đây. Điều này đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với mô hình tổ chức tinh gọn sau sắp xếp.
Về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương
Sửa đổi, sổ sung Điều 110 là nội dung trọng tâm, chuyển từ mô hình ba cấp (tỉnh, huyện, xã) sang hai cấp (tỉnh và xã), với việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 01/7/2025. Dự thảo quy định đơn vị hành chính gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh (như xã, phường, đặc khu). Quy định này tạo điều kiện để cụ thể hóa mô hình hai cấp trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đồng thời linh hoạt hơn trong việc xác định các loại đơn vị hành chính thông qua luật.
Sửa đổi, bổ sung các điều 111, 112, 114 của Hiến pháp năm 2013 theo hướng quy định tổ chức chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; không sử dụng thuật ngữ “cấp chính quyền địa phương” để thể hiện tính thống nhất về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, tránh gây nhầm lẫn. Đặc biệt, khoản 2 Điều 115 được điều chỉnh theo hướng không quy định quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân bởi đại biểu Hội đồng nhân dân, do không còn Tòa án và Viện kiểm sát cấp huyện sau sắp xếp. Tuy nhiên, Hội đồng nhân dân vẫn giữ quyền giám sát hoạt động của các cơ quan này, đảm bảo cơ chế kiểm soát quyền lực.
Quy trình sửa đổi, bổ sung thật sự dân chủ và minh bạch
Quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp được thực hiện với tinh thần dân chủ, minh bạch. Bắt đầu từ ngày 06/5/2025, Quốc hội tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, thời gian tổ chức lấy ý kiến trong 30 ngày, thông qua các hội thảo, diễn đàn trực tuyến, các kênh tiếp nhận ý kiến trực tiếp, đặc biệt là trên ứng dụng VNeID. Sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan nhà nước không chỉ nâng cao chất lượng dự thảo mà còn củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Theo Điều 120 Hiến pháp 2013, việc thông qua sửa đổi phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, đảm bảo tính nghiêm minh và đồng thuận cao.

Lấy ý kiến người dân về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID
Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang ý nghĩa to lớn, không chỉ về mặt pháp lý mà còn về chính trị và xã hội. Thứ nhất, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, giảm chi phí hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Mô hình chính quyền hai cấp, kết hợp với ứng dụng chuyển đổi số sẽ giúp hoạt động hành chính thông suốt, gần dân hơn và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Thứ hai, việc sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tăng cường vai trò của Mặt trận trong việc phát huy đoàn kết toàn dân, bảo vệ quyền lợi Nhân dân và giám sát, phản biện xã hội.
Để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn, sắp xếp về tổ chức, cán bộ, ban hành các văn bản pháp luật có liên quan để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, dự thảo Nghị quyết đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực thi hành là từ ngày 01/7/2025. Các điều khoản chuyển tiếp, như quy định về chỉ định chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân trong năm 2025, sẽ đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra thông suốt, không ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan và đời sống Nhân dân.
Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 là một bước ngoặc mang tính lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng một hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả và gần dân. Với sự đồng thuận của toàn dân và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung sẽ trở thành nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục vươn lên, khẳng định vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế, hướng tới một tương lai thịnh vượng, công bằng và văn minh.
Nguyễn Lam