(TUAG)- Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là sau các động thái tăng thuế mới của Mỹ, BBC Tiếng Việt đã dẫn lời một cố vấn thương mại cấp cao của Nhà Trắng với những phát biểu đáng chú ý xoay quanh vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể:
1. Việt Nam là "thuộc địa của Trung Quốc".
2. Việt Nam đang bị sử dụng làm điểm trung chuyển để hàng Trung Quốc né thuế vào Mỹ.
3. Nếu không thuyết phục được Mỹ, kinh tế Việt Nam có thể "giảm một nửa tăng trưởng".
Những phát biểu này nhanh chóng gây ra nhiều tranh cãi không chỉ ở Việt Nam mà còn trong giới quan sát quốc tế. Dù có thể hiểu được mối lo ngại của Mỹ về thương mại công bằng, nhưng rõ ràng, nếu theo thông tin trên thì các nhận định mang nhiều yếu tố cảm tính, thiếu sự nhìn nhận khách quan từ góc độ kinh tế, lịch sử và chính sách thương mại thực tế.
Vậy đâu là bức tranh toàn cảnh và đâu là sự thật đằng sau những đánh giá nói trên?

Việt Nam không phải là "thuộc địa" của bất cứ quốc gia nào
Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền dân tộc, độc lập hoàn toàn về chính trị, pháp lý và lịch sử. Không một quốc gia nào, kể cả Trung Quốc, có quyền hoặc khả năng thao túng Việt Nam như một "thuộc địa". Việt Nam đã trải qua hơn một thiên niên kỷ chống lại các đế chế phương Bắc để giữ vững chủ quyền. Và trong thời hiện đại, cũng chính Việt Nam đã từ chối mọi sự áp đặt từ cả phương Đông lẫn phương Tây để đi bằng đôi chân của mình.
Hơn nữa, nếu cho rằng việc hợp tác thương mại hay sử dụng chuỗi cung ứng từ Trung Quốc là "lệ thuộc", thì Tesla, Apple, Nike - những tập đoàn hàng đầu của Mỹ - cũng đều nhập linh kiện hoặc lắp ráp tại Trung Quốc.
Gian lận thương mại không tồn tại ở Việt Nam
Về cáo buộc Việt Nam là nơi để hàng Trung Quốc "mượn danh" xuất khẩu sang Mỹ: Đây là vấn đề toàn cầu, không phải đặc thù của riêng Việt Nam. Nhưng khác với cách nhìn phiến diện của vị cố vấn, Việt Nam không hề né tránh mà đang xử lý rất quyết liệt.
Ngay từ năm 2019, Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 119/NQ-CP nhằm siết chặt quản lý xuất xứ hàng hóa. Cơ quan Hải quan và Bộ Công thương đã triển khai nhiều đợt thanh tra, kiểm tra xuất xứ tại các cửa khẩu, khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, những doanh nghiệp Trung Quốc "nhập nguyên kiện – dán nhãn Việt Nam - xuất sang Mỹ" đang bị đưa vào tầm giám sát đặc biệt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 7/4 mới đây cũng đã nhấn mạnh tại phiên họp: "Tăng cường chống gian lận thương mại, đặc biệt là chống xuất xứ hàng hóa từ nước thứ 3", điều đó có nghĩa là không chỉ hiện tại cả tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc, tạo một hệ thống minh bạch hơn trong chuỗi cung ứng. Việt Nam không chọn cách trốn tránh mà chọn đối đầu thẳng thắn và chủ động thích ứng.
Việt Nam không đơn độc
Về ý kiến cho rằng nếu không thuyết phục được Mỹ thì Việt Nam sẽ "giảm một nửa tăng trưởng" - đây là một kiểu đánh giá thổi phồng, phi thực tế và mang tính hù dọa. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 là 5,6%, với xuất khẩu tăng 11,2%, trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất - nhưng không phải duy nhất.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP. Các thị trường như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Trung Đông, châu Phi… đều đang mở rộng hợp tác. Việt Nam không đặt tất cả trứng vào một giỏ.
Đặc biệt, những chính sách trung lập, không chọn phe, không tạo đối đầu của Việt Nam đang trở thành điểm đến an toàn và hấp dẫn trong bối cảnh thế giới bất ổn.
Việc Mỹ thông tin áp thuế với 180 quốc gia – cho thấy rằng đây là "cuộc chơi" chung, không phải chuyện riêng của Việt Nam. Việt Nam không đơn độc. Cái Việt Nam đang làm là giảm thiểu thiệt hại trong thế trận giằng co toàn cầu, chứ không phải hoảng loạn vì một đòn gió chính trị.
Những tín hiệu tích cực
Trong chuyến công tác đặc biệt tại Hoa Kỳ với tư cách Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã đạt được bước đột phá lớn khi thống nhất với phía Hoa Kỳ về việc tiến hành đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương giữa hai quốc gia.
Đặc biệt, sau nhiều ngày đàm phán, hai bên đã chính thức đồng ý xem xét đàm phán nội dung về thuế quan - trụ cột quan trọng nhất của Hiệp định này. Đây là thành công đáng ghi nhận khi trước đó nội dung về ký hiệp định thương mại song phương mà phía Việt Nam đưa ra nhiều lần nhưng Hoa Kỳ chưa đồng ý.
Phó Thủ tướng đã có các cuộc làm việc tốt đẹp với Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick. Bộ trưởng Bessent, người sẽ làm trưởng đoàn đàm phán phía Hoa Kỳ, cho biết từng thăm Việt Nam và có nhiều ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam. Ông cảm ơn Việt Nam đã kịp thời có các biện pháp tích cực xử lý những vấn đề quan tâm của Hoa Kỳ và bày tỏ tin tưởng hai bên sẽ sớm đạt được những giải pháp phù hợp, thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại ổn định, cùng có lợi.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo trong ngày 11/4 phải thành lập đoàn đàm phán với phía Mỹ do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng đoàn để ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ xem xét thành lập nhóm đàm phán kỹ thuật cấp bộ trưởng để cụ thể hóa những kết quả mà đoàn công tác đặc biệt đã đạt được những ngày qua.
Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi kết quả sắp tới, chúng ta cần tuyệt đối tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, hoạt động hiệu quả của Quốc hội và sự điều hành của Chính phủ. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh, không hội nhập bằng mọi giá. "Hội nhập không chỉ có thảm đỏ và hoa hồng, hội nhập có rất nhiều khó khăn, rất nhiều chông gai, phải nỗ lực bắt kịp, tiến cùng và vượt lên thì mới có thể hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đồng thời giữ vững độc lập, tự chủ".
Điều đó có nghĩa là, Việt Nam đang rất nỗ lực trong cuộc đàm phán này, đồng thời cân nhắc nhiều phương án ứng phó, bao gồm cả việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nếu đàm phán với Mỹ không đạt kết quả như mong đợi. Mỹ là một thị trường lớn nhưng không phải duy nhất và thực tế Việt Nam không hề cô độc../.
H.L