(TUAG)- Ngày
24/1, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký kết
luận về tổng kết Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ
máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy.
Đối với các cơ quan của Đảng:
Kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương, chuyển chức năng,
nhiệm vụ liên quan về Bộ Ngoại giao và Đảng ủy Bộ Ngoại giao. Kết thúc
hoạt động của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh
nghiệp Trung ương. Kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng
ở Trung ương, ở cấp tỉnh.
Thành lập 4 Đảng bộ trực
thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung
ương; Đảng bộ Quốc hội; Đảng bộ Chính phủ; Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các
đoàn thể Trung ương.
Hợp nhất Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương thành Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.
Bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ mới và đổi tên Ban Kinh tế Trung ương thành Ban Chính sách, chiến lược Trung ương.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13. Ảnh: TTXVN
Đối với các cơ quan của Quốc hội:
Kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại, chuyển nhiệm vụ về Ủy ban Quốc
phòng, An ninh, Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao; đổi tên Ủy ban Quốc
phòng và An ninh thành Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại.
Sáp nhập Ủy ban Pháp luật
và Ủy ban Tư pháp thành Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và
Ủy ban Tài chính, Ngân sách thành Ủy ban Kinh tế và Tài chính; Ủy ban Xã
hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thành Ủy ban Văn hóa và Xã hội.
Đổi
tên và nâng cấp 2 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Ban Dân
nguyện thành Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội; Ban Công tác
đại biểu thành Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội.
Đối với các cơ quan của Chính phủ:
Hợp nhất các bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thành Bộ Tài
chính; Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải thành Bộ Xây dựng; Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường thành Bộ
Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học
và Công nghệ thành Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ.
Thành lập Bộ
Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng,
nhiệm vụ và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ.
Ban
Chấp hành Trung ương đồng ý chủ trương tổ chức lại hệ thống thanh tra
trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Thanh tra Chính phủ và hệ thống các cơ
quan thanh tra địa phương, thanh tra chuyên ngành hiện nay.
Ban
Chấp hành Trung ương cũng đồng ý chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy công
an địa phương theo hướng "tỉnh toàn diện; xã vững mạnh, bám cơ sở",
không tổ chức công an cấp huyện. Riêng đối với những huyện đảo bố trí
đồn công an (do không có đơn vị hành chính cấp xã). Thí điểm không lập
tổ chức đảng ở công an quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương.
Qua hơn 7 năm thực
hiện Nghị quyết 18, nhất là từ tháng 10/2024 đến nay, Ban Chấp hành
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức đảng và người
đứng đầu các cấp, các ngành đã thống nhất rất cao về chủ trương sắp xếp
tinh gọn, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống
chính trị.
Trung ương gương mẫu, khẩn trương, nghiêm
túc thực hiện trước, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các
ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết
18...
Tổ
chức bộ máy của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ
chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương được sắp xếp đồng
bộ, tinh gọn, giảm nhiều cơ quan, đơn vị cấp Trung ương, cấp tỉnh và đầu
mối bên trong; giảm cấp trung gian; từng bước hoàn thiện mô hình tổng
thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tuy nhiên,
cơ chế vận hành của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính
trị vẫn còn nhiều hạn chế; việc phân định trách nhiệm, phân cấp, phân
quyền giữa các cơ quan, tổ chức còn chưa thực sự đồng bộ, hợp lý, có chỗ
bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không rõ trách nhiệm, làm giảm sự
chủ động, sáng tạo, phát sinh phiền nhiễu, tiêu cực, cản trở phát
triển, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Sắp xếp tổ
chức bộ máy chưa thực sự gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng
cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thu hút nhân tài.
Chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho
đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của
nhân dân.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là
do mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa thật hoàn
thiện; hệ thống thể chế về tổ chức bộ máy, biên chế, phân cấp, phân
quyền chậm được điều chỉnh, bổ sung, ban hành và chưa đáp ứng yêu cầu,
nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới...
P.V