(TUAG)- Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đồng thời xác định đây là nhiệm vụ chính trị và ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các bộ, ngành, đơn vị liên quan đang khẩn trương xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, chuẩn bị hồ sơ thủ tục để báo cáo Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến đi qua 20 tỉnh thành (Đồ họa: Khương Hiền).
Theo Bộ GTVT, tuyến đường sắt tốc độ cao được thiết kế 350km/giờ; tổng chiều dài 1.541km; với 23 ga hành khách (trong đó 2 ga cả hành khách và hàng hóa) và 3 ga hàng hóa; đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa; với tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD. Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh.
Mục tiêu của dự án nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải, góp phần giảm chi phí logistics, tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ và phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện môi trường, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Ngoài ra, đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong chiến lược phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các quy hoạch quốc gia.
Về lộ trình thực hiện, Bộ GTVT đặt mục tiêu trong năm 2025 - 2026, sẽ đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Cuối năm 2027, triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, khởi công các dự án thành phần đoạn Vinh - Nha Trang năm 2028 - 2029 và phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến vào năm 2035.
Ngày 5/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT chủ trì cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cần nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam với hướng tuyến thẳng nhất có thể, tránh các khu dân cư lớn để vừa không phải giải phóng mặt bằng nhiều, vừa tiết kiệm kinh phí, vừa triển khai nhanh, vừa tạo không gian phát triển mới.
Thủ tướng yêu cầu rà soát lại suất đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư đảm bảo chính xác nhất có thể; rà soát và đề xuất các cơ chế đặc thù, đặc biệt cho triển khai dự án, nhất là về huy động nguồn lực và quy trình thủ tục, các chính sách đặc thù, linh hoạt về đất đai, giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng… với phương châm cơ chế thông thoáng, thủ tục rút gọn, thi công rút ngắn. Tuyến đường sắt này phải được xây dựng phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, đảm bảo tính kết nối với các hạ tầng, phương thức giao thông khác, như hàng không, hàng hải; có khả năng kết nối các hành lang kinh tế trong nước và kết nối với các nước trong khu vực, như: Trung Quốc, Lào, Campuchia… Thủ tướng nhấn mạnh, để triển khai chủ trương đầu tư dự án, phải có cách làm mới với quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm"…
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là dự án siêu lớn, trình độ công nghệ tiên tiến mang tính bước ngoặt của lịch sử. Quá trình nghiên cứu dự án được triển khai tương đối dài, bắt đầu từ năm 2006 (trải qua 18 năm) với sự hỗ trợ của các tổ chức, tư vấn trong và ngoài nước. Nhưng với quyết tâm chính trị, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và từng địa phương một siêu dự án sẽ được đưa vào thực tiễn đời sống. Như vậy, trong một tương lai không xa, Bắc - Nam sẽ gần hơn và giấc mơ "ăn sáng Hà Nội, ăn trưa TP. Hồ Chí Minh" sẽ trở thành hiện thực.
NGUYÊN ANH