(TUAG)- Ngay từ năm 1927, trong cuốn “Đường Kách mệnh”, Nguyễn
Ái Quốc đã chỉ rõ: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho
đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số
nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều
lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc thật, không phải tự do và bình
đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang”. Với quan điểm chủ
đạo đó, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân ta làm nên Cách Mạng Tháng Tám
giành chính quyền về tay Nhân dân. Bác Hồ khẳng định: “Đó là một cuộc
thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”.

Trước Cách mạng
Tháng Tám năm 1945, nước ta là nước thuộc địa nửa phong kiến, Nhân dân
ta bị cai trị bởi bộ máy của thực dân và triều đình nhà Nguyễn. Vì vậy,
ngay từ khi bước lên vũ đài chính trị, Cương lĩnh của Đảng đã xác định
mục tiêu số một về phương diện chính trị là “ Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa
Pháp và bọn phong kiến. Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập. Dựng ra
chính phủ công nông binh…”. Khi thời cơ đến. Trong quá trình chuẩn bị
cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng và Bác Hồ đã chủ trương
triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân để thành lập một cơ cấu đại biểu
cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân
ta, tạo nên sức mạnh dân tộc bên trong và tranh thủ ngoại viện của quốc
tế nhằm chớp thời cơ thuận lợi thực hiện cho được mục tiêu độc lập, tự
do.
Ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên
Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh (Việt Nam độc lập
Đồng minh hội) đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (nay gọi là Quốc
dân Đại hội Tân Trào). Lịch sử coi đây là tiền thân của Quốc Hội nước
ta. Đại hội đã tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa. Thông qua
10 chính sách của Việt Minh và hiệu triệu đồng bào tích cực phấn đấu
thực hiện, trong đó, điểm mấu chốt đầu tiên là giành lấy chính quyền,
xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc
lập. Thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ
tịch mà sau này trở thành Chính Phủ Lâm Thời, … Quốc dân Đại hội là
một tiến bộ lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta. Đây
là một Đại hội mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội, một cơ quan quyền
lực nhà nước lâm thời của nước Việt Nam. Ủy ban Dân tộc giải phóng-là
người đại diện chân chính, hợp pháp duy nhất của Nhân dân Việt Nam để
thực hiện những quyết sách lớn của công cuộc cứu nước và kiến quốc.
Cách
mạng Tháng Tám không chỉ đánh đổ ách thống trị thực dân, giành độc lập
dân tộc, mà còn đập tan chế độ quân chủ, lập nên chế độ dân chủ cộng
hòa. Để xây dựng nhà nước độc lập, tự chủ, dân chủ cộng hòa. Ngày
2/9/1945, Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của đông đảo
đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, đã trang
trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước
và toàn thể nhân loại trên thế giới về sự ra đời của Nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hoà. Người tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc
lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân
tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của
cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.”
Ngay sau khi giành
được chính quyền, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xúc tiến Tổng tuyển
cử bầu Quốc hội khóa I thành công, theo đó Chính phủ ban hành và thực
hiện Sắc lệnh về tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân hành chính
ở các cấp. Để đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân, Chính phủ đã ban hành
nhiều sắc lệnh và các quy định quan trọng, như: Sắc lệnh quy định về
việc bảo vệ quyền tự do cá nhân; Quy định chế độ tự do báo chí; Quy định
về chế độ tự do lập hội, … Đặc biệt, ngày 09-11-1946, Quốc hội khóa I
thông qua Hiến pháp- bản Hiến pháp dân chủ tiến bộ nhất ở khu vực Đông
Nam Á. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới
nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân
tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do,…”. Những quan điểm cơ bản của nhà
nước mới - nhà nước độc lập, tự chủ, dân chủ cộng hòa được Hiến định:
“Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong
nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, trai
gái, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (Điều thứ nhất); “Những việc quan
hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết” (Điều thứ 32), …
Như vậy, sau hàng ngàn năm bị áp bức, bóc lột, Nhân dân ta đã thật sự
trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ chính bản thân
mình – Đây là cái quý báu nhất mà Nhân dân ta đã có được và là thành
quả vĩ đại nhất của Cách mạng!
Và để bảo vệ thành quả đó. Cách
Mạng phải luôn đề cao cảnh giác cả “thù trong-giặc ngoài”. Trước nhất là
phải ra sức chống chủ nghĩa quan liêu-“Kẻ thù bên trong tệ hại nhất của
chúng ta”. Vì thế, chỉ mấy tháng sau ngày độc lập, Bác nhận thấy có
“những điều không bình thường”, tháng 10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
viết “Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng”. Trong thư Bác khẳng
định nguyên nhân cách mạng thành công là “Nhờ dân ta đoàn kết một lòng
và Chính phủ lãnh đạo khôn khéo”. “Nhưng nếu nước độc lập mà dân không
hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.”. Và Người
đã chỉ dạy: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn
quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân...”. “Việc gì lợi cho
dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.
Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta.”. Người phê
phán những “lầm lỗi rất nặng nề” làm cho người dân oán thán như: “Cậy
thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao
được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân”. “Hủ hóa - Ăn muốn cho
ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ”… Thậm chí, lấy của công
dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức...”. “Tư túng - Kéo bè,
kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này
chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra
ngoài…”. “Kiêu ngạo - Tưởng mình ở trong cơ quan chính phủ là thần thánh
rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt "quan
cách mạng" lên...”. Cuối thư, khuyến cáo: “Chúng ta không sợ sai lầm,
nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không
phạm những lầm lỗi trên này thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm
tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này thì phải hết sức sửa chữa;
nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung.”.
Với tư
cách là người khai sinh ra chế độ mới, đứng đầu Nhà nước, Người nhiều
lần tuyên bố mạnh mẽ, dứt khoát: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là
nhân dân làm chủ”. “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì
dân là chủ”. “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân…”.
Kế thừa và phát huy những thành quả to lớn từ khi dựng nên Nhà nước kiểu mới-của Dân, vì Dân và do Dân. Từ ngày Đổi mới đến nay công
cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân
dân, do Nhân dân, vì Nhân dân đã đạt được những thành tựu rất quan
trọng. Trong thời gian tới đây cần tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các
mối quan hệ lớn giữa Đảng lãnh đạo với Nhà nước quản lý và Nhân dân làm
chủ; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa thực hành dân chủ và tăng
cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Thực hiện nhất quán nguyên
tắc: tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước
là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát
hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền: lập
pháp, hành pháp, tư pháp…Nhằm khẳng định vững chắc vai trò làm chủ của
Nhân dân!
Trung Thành