Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính trị

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Chính trị
Thứ 5, Ngày 08/06/2023, 14:00
Thực hiện đúng điều mong ước và lời căn dặn thiết tha nhất của Bác!
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
08/06/2023 | Trung Thành

​(TUAG)- Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc, Đế quốc Mỹ đã có mưu đồ xâm chiếm nước ta. Từ năm 1950, Phái bộ cố vấn viện trợ quân sự Đông Dương (MAAG) của Mỹ bắt đầu viện trợ quân sự cho Pháp, đến năm 1954, Mỹ chi tới 73,9% chiến phí. Và Mỹ đã “hất cẵng” Pháp, trực tiếp “tham dự” với tư cách chủ trò và thủ vai “kép chính”… Trong Học thuyết Ai-xen-hao có nội dung cốt lõi là Hoa Kỳ "chuẩn bị sử dụng lực lượng vũ trang để chống lại sự khiêu khích từ bất cứ quốc gia nào bị chủ nghĩa cộng sản quốc tế kiềm chế”. Riêng Việt Nam, Ai-xen-hao khẳng định “… là hòn đá tảng của Thế giới tự do ở Đông Nam Á. Đó là con đẻ của chúng ta. Chúng ta không thể từ bỏ nó, không thể phớt lờ những nhu cầu của nó”… Đa phần chính giới Mỹ đã đặt “vấn đề Việt Nam” vào trong luận thuyết của “chiến tranh lạnh”, “các nhà hoạch định chính sách cảnh báo rằng nếu miền Nam Việt Nam rơi vào tay chủ nghĩa Cộng sản, các nước láng giềng chắc chắn sẽ lần lượt gục ngã, lần lượt như một hàng quân cờ domino”…

48-nam-GPMN.jpg

Đế quốc Mỹ đã dựng lên chính quyền bù nhìn từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu. Toàn bộ hệ thống của cái gọi là “Việt Nam Cộng Hòa” được nuôi dưỡng chủ yếu từ viện trơ của Mỹ. Đây là “những quân cờ” trên bàn cờ chiến lược của Mỹ! Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã nói: “Ông Mỹ luôn luôn đứng ra làm sân khấu, làm “kép nhất”. Vì vậy ai cũng cho rằng thực chất đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi là những kẻ đánh thuê”. Một nghiên cứu nước ngoài chỉ rõ: “Nếu không có sự can thiệp của Mỹ, thật khó có thể tưởng tượng rằng miền Nam Việt Nam đã ra đời hoặc nếu có thì sẽ tồn tại được bao lâu”.

Sáng ngày 8/3/1965, Tiểu đoàn 3 thuộc Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 9 của Mỹ đã đổ bộ lên một bãi biển ở Đà Nẵng. Vài tiếng sau, một Tiểu đoàn khác từ căn cứ quân sự Okinawa, Nhật Bản cũng đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Quân xâm lược Mỹ chính thức hiện diện tại chiến trường Việt Nam. Sai lầm căn bản của Mỹ là ảo tưởng có thể đè bẹp chúng ta trong một thời gian ngắn. Nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, và được anh em bầu bạn khắp thế giới hết lòng giúp đỡ, Nhân dân và quân đội ta đã chiến đấu cực kỳ anh dũng và chiến thắng hết sức vẻ vang.

Sau Sự kiện Vịnh Bắc Bộ (ngày 5-8-1964) Đảng ta chỉ ra khả năng Mỹ sẽ đưa quân vào miền Nam để mở rộng chiến tranh. Ngay sau đó, Trung ương đã cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương vào làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy Quân giải phóng miền Nam. Từ thực tế chiến trường ngày 17-12-1964, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã phân tích trong một bài viết rằng: “Cách đây bốn năm, khi Mỹ phát động chiến tranh chống lại nhân dân miền Nam nước ta, chắc có người yếu bóng vía đã cho rằng Mỹ nhất định thắng và sẽ thắng như trở bàn tay… Mỹ không phải là một kẻ bất khả chiến thắng. Đánh Mỹ được, thắng Mỹ được, không còn nghi ngờ gì nữa”.

Cuối năm 1965, Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị lần thứ 12 và khẳng định: “Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở cả hai miền phải giữ vững và nêu cao quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến tranh nhân dân chống Mỹ, cứu nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, kiên quyết chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng”. Tổng kết Hội nghị Bác “chốt” lại “... hai điểm quan trọng”. Một là “Ta quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; hai là “Ta nhất định thắng”. Đứng đầu Đảng Bộ Miền Nam, Tư lệnh Chiến trường Nam Bộ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định: “Vấn đề gốc, vấn đề cơ bản của Nghị quyết Trung ương 12 là lập trường kiên quyết đánh Mỹ”…

Ngay sau khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Bác Hồ đã căn dặn “trận đầu phải thắng”, và chỉ hai ngày sau, với lối đánh bất ngờ, dũng cảm, mưu trí, đội đã đánh thắng hai trận đầu liên tiếp ở Phai Khắt và Nà Ngần, mở đầu cho truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng ngay trận đầu của Quân Đội ta. Trên chiến trường miền Nam, phát huy truyền thống tốt đẹp nói trên: Quân và Dân ta đã đánh thắng quân xâm lược Mỹ ngay từ những trận đầu khi chúng vừa đổ bộ vào. Tiếp theo những trận thắng oanh liệt ở Núi Thành, Vạn Tường, Plây-me, Đất Cuốc, Bầu Bàng, ta lại đánh bại ba cuộc hành quân lớn của Mỹ vào miền Đông Nam bộ, đánh thắng lớn ở các chiến trường Tây Nguyên, miền Tây khu V, Đường 9, đồng bằng Nam bộ và các mục tiêu chủ yếu của địch ở các thành phố lớn. Quân dân miền Bắc tiếp tục đánh trả cuộc tiến công của Mỹ bằng không quân và hải quân, giành những thắng lợi lớn trên nhiều mặt, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện sức người, sức của ngày càng lớn cho miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán… với ta tại Hội nghị Pa-ri.

Chiến tranh cục bộ thất bại, Đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” (tức là lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt), từng bước mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Lào. Thủ đoạn xảo quyệt của Mỹ là thực hiện “chiến tranh hủy diệt” và “chiến tranh giành dân”, “chiến tranh bóp nghẹt” để làm suy yếu cuộc kháng chiến của chúng ta trên cả hai miền Nam - Bắc. Nhờ chuẩn bị tốt lực lượng, nắm đúng thời cơ, ở miền Bắc đã liên tiếp giành thắng lợi lớn trên chiến trường, nhất là cuộc tiến công chiến lược năm 1972 , nổi bật là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng pháo đài bay B52 của Mỹ, làm thay đổi cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh. Ở miền Nam, chúng ta khôn khéo trong đàm phán và tiến công địch, phối hợp chặt chẽ giữa “đánh và đàm”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu ra khỏi miền Nam, tạo điều kiện cơ bản để ta giành thắng lợi cuối cùng.

Tháng 7/1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực và đề ra các nhiệm vụ lớn cho hai miền Nam - Bắc. Nửa cuối năm 1974, cuộc chiến tranh của quân và dân ta ở miền Nam chống lại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” đã giành được thắng lợi. Ta ngày càng mạnh lên, Ngụy ngày càng suy yếu rõ rệt. Nước Mỹ lâm vào khủng hoảng nội bộ. Tháng 7/1974, Đảng ta chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, nếu thời cơ đến sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu từ ngày 04 tháng 3 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30/4. Qua gần 2 tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng, kết thúc 21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Thắng lợi của Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân ta rất tự hào là đã thực hiện một cách xuất sắc Di chúc thiêng liêng của Bác. Điều mong ước và lời căn dặn thiết tha nhất của Bác đã thành sự thật. Đế quốc Mỹ đã vĩnh viễn cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta đã hoàn toàn độc lập, thống nhất. Đồng bào Nam - Bắc đã sum họp một nhà. Phát huy tinh thần của Chiến thắng 30/04, thế hệ hôm nay tiếp tục ra sức thực hiện ngày càng tốt chỉ dạy của Người:

“Còn non, còn nước, còn người,

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”./.

Trung Thành

Lượt người xem:  Views:   422
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by