Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính trị

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Chính trị
Thứ 2, Ngày 05/06/2023, 08:20
Tiếng còi tàu trăm năm
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
05/06/2023 | TTCTTT

(TUAG)- "Tiếng còi tàu âm vang trong lồng ngực/ Thôi thúc Anh đi chưa hẹn ngày về/ Trái tim nhỏ đập rung biển lớn/ Khát vọng tự do lay động loài người"1. Vào ngày 05/6/1911, tại Bến Nhà Rồng, Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh), có một chàng trai yêu nước, năm ấy 21 tuổi, anh tên là Nguyễn Tất Thành đã xuống tàu Amiral Latouche Tréville bắt đầu vượt trùng dương sóng gió, đi ra nước ngoài, khảo sát tình hình, tìm tòi một con đường cứu nước kiểu mới cho dân tộc Việt Nam.

Tieng-coi-tau-1.jpg

Trên chiếc tàu Amiral Latouche Tréville, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước.

Hành trang lên đường của anh chẳng có gì ngoài trái tim, khối óc, đôi bàn tay lao động và bầu máu nóng sục sôi trong anh là muốn đánh đuổi thực dân xâm lược, giải phóng đồng bào. Anh ra đi còn để trả lời câu hỏi mà Nhân dân Việt Nam lúc ấy đang đặt ra: Đánh đuổi thực dân bằng con đường nào thì thành công? Sự nghiệp nâng tầm tư tưởng của anh bắt đầu từ giờ phút thiêng liêng đó. Anh ra đi chẳng phải thay mặt cho một tổ chức, một đoàn thể nào, mà chỉ với tư cách của một người dân mất nước đi tìm con đường đúng để giành lại nước.

Tieng-coi-tau-2.jpg

Chuyến đi này, Nguyễn Tất Thành bắt đầu in dấu chân của mình lên một số thuộc địa của Pháp. Khi ấy, Pháp đã có cả một hệ thống thuộc địa khổng lồ, kéo dài từ châu Á qua châu Phi đến châu Mỹ và châu Đại Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia, Ấn Độ, Algeria, Tunisia, Senegal, Sudan, Bờ Biển Ngà... Anh cũng đã đặt chân tới những "chính quốc" như: Pháp, Anh, Mỹ. Anh đi, đi rất nhiều, làm bất cứ việc gì để sống và để đi vì mục đích cứu nước.

Trong khi Nguyễn Ái Quốc2 đang còn phân tích tình hình và thời cuộc thì ngày 16 và 17/7/1920, báo L'Humanité (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp đăng "Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa" của V.I.Lênin. Thông qua Luận cương của V.I.Lênin, những vấn đề trước đó còn là những câu hỏi đối với Nguyễn Ái Quốc nay đã là đáp án đối với anh, vì nó đã giải quyết một vấn đề cơ bản là vấn đề dân tộc và thuộc địa. Ngồi một mình trong phòng, Nguyễn Ái Quốc nói to lên: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta". Trong tác phẩm "Con đường dẫn tôi đến Chủ nghĩa Lênin" (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần, tôi hiểu được rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ".

Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Pháp đến năm 1923 thì sang Liên Xô tìm hiểu về Cách mạng Tháng Mười Nga và hoạt động trong Quốc tế Cộng sản. Với tầm nhìn chiến lược của một nhà cách mạng kết hợp với thực tiễn Cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc xác định được con đường giải phóng dân tộc, đã giải bày đúng đắn vấn đề mà Người rất quan tâm. Đó là con đường giải phóng dân tộc bị áp bức, độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội, góp phần định hướng con đường cứu nước, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam.

Từ đây, Nguyễn Ái Quốc đứng hẳn về con đường Cách mạng Tháng Mười, về chủ nghĩa Mác-Lênin, về Quốc tế Cộng sản. Như Người đã ghi lại trong tác phẩm Đường Kách mệnh: "Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân tộc bị áp bức các thuộc địa làm cách mạng để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới".

Tieng-coi-tau.jpg

Với lập trường yêu nước đúng đắn, Người đã vạch ra chân lý sáng ngời cho dân tộc Việt Nam: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản". Người còn chỉ rõ: "Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức". Cùng với những chuyển biến trên, cách mạng Việt Nam lúc này bắt đầu có những chuyển biến mới gắn liền với hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà cách mạng ở các nước thuộc địa Pháp lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, nhằm tập hợp lực lượng chống chủ nghĩa thực dân. Đến năm 1924, sau 13 năm tìm đường cứu nước, Người rời đất nước Nga Xô Viết trở về Phương Đông, Quảng Châu (Trung Quốc) gần Tổ quốc Việt Nam để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tới Quảng Châu, Người đã cùng những nhà lãnh đạo cách mạng Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia… thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông.

Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trên cơ sở cải tổ Tâm Tâm xã. Cùng với quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin tạo nên những tác động trực tiếp đến sự chuyển biến của phong trào công nhân và phong trào yêu nước, Người chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930.

Ngày 28/01/1941, sau 30 năm bôn ba nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đưa cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; chứng minh sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện.

Kỷ niệm 112 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2023), chúng ta luôn ghi nhớ về mốc son vàng của lịch sử dân tộc, có ý nghĩa trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Ngày 5/6/1911 không chỉ là sự kiện khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước của thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành mà còn là một dấu ấn đặc biệt trong quá trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Đây là sự kiện mang giá trị lịch sử, thể hiện cống hiến của Người đối với công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

H.B

_____________

1- Tác giả Văn Đình Ưng.

2- Tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp.


Lượt người xem:  Views:   556
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by