(TUAG)- Cách đây 69 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta
đã giành thắng lợi quyết định trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thắng lợi
lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ được tạo nên bởi sức mạnh tổng hợp
của nhiều yếu tố như: Kinh tế, văn hóa, chính trị, quân sự, ngoại giao…
Trong đó, yếu tố cơ bản mang tính quyết định nhất đó là sức mạnh chính
trị tinh thần Việt Nam, công tác tư tưởng chính trị đã được phát huy lên
một tầm cao mới.

Trên
cơ sở nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin đồng thời xuất phát từ tình hình
thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề
ra đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo, khoa học. Đó là
đường lối “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, tự lực cánh sinh,
dựa vào sức mình là chính. Với đường lối ấy, Đảng ta đã động viên toàn
dân, tập hợp các giai tầng cách mạng, các lực lượng yêu nước; đoàn kết
các dân tộc; củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất,… tạo nên
sức mạnh tổng hợp của cả nước cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
xâm lược, tập trung hướng vào giáo dục phương châm tác chiến của Đảng,
xây dựng niềm tin chiến thắng cho cán bộ, chiến sĩ.
Trung tuần tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp bàn về chủ trương tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 và đề ra phương châm tác chiến “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”.
Nội dung chủ yếu của công tác tư tưởng chính trị được xác định là quán
triệt chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953 - 1954 của Bộ Chính trị.
Đặc biệt, sau khi Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định thay đổi
phương châm tác chiến chiến dịch thì nội dung giáo dục là tập trung quán
triệt, phân tích chủ trương thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh
nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”; từ chỗ tránh chỗ mạnh,
đánh chỗ yếu đến chỗ chọn Điện Biên Phủ - nơi mạnh nhất của địch lúc đó -
để tiêu diệt địch. Làm rõ những thuận lợi, khó khăn và phương pháp khắc
phục; phát huy tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, liên
tục chiến đấu dài ngày, dũng cảm hy sinh, quyết chiến, quyết thắng. Nhờ
đó, bộ đội đã ổn định được tinh thần, tin tưởng, hăng hái thực hiện mọi
nhiệm vụ cả trước, trong và sau chiến dịch.
Quá trình tác chiến,
tình hình chiến đấu diễn ra rất khẩn trương, gay go, quyết liệt, nhiệm
vụ chiến đấu nhiều, liên tục dài ngày trong những điều kiện gian khổ
thiếu thốn về nhiều mặt; cùng với thời tiết không thuận lợi khiến trong
cán bộ, chiến sĩ đã xuất hiện tâm lý hoang mang dao động, giảm sút ý chí
tiến công, bi quan, hoài nghi thắng lợi,... Thời điểm ấy, Đảng ta đã tổ
chức các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng đến tất cả cán bộ, chiến sĩ
nhằm đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực trong tất cả các đơn
vị. Với tinh thần phê bình và tự phê bình nghiêm khắc, trung thực và
thẳng thắn, cấp trên làm gương cho cấp dưới, lắng nghe và tiếp thu ý
kiến của nhau.
Song song với công tác tư tưởng chính trị là thực
hiện có hiệu quả công tác cổ động chiến trường, củng cố và nâng cao ý
chí quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ. Công tác tuyên truyền cổ
động chiến trường được thực hiện rộng khắp qua từng tình huống chiến
đấu, từng trận đánh và trong suốt toàn bộ chiến dịch. Nội dung công tác
tuyên truyền cổ động tập trung vào tuyên truyền, phổ biến kịp thời những
bức thư của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của Ban Chỉ huy trận
địa và của đoàn thể; những thắng lợi của ta, sự nguy khốn của địch,
những thành tích chiến đấu của đơn vị, tấm gương anh dũng của các cá
nhân, tinh thần vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và
cá nhân… Hình thức, phương pháp tuyên truyền, cổ động đa dạng, phong phú
mang đậm tính quần chúng như phát huy hoạt động truyền đơn, khẩu hiệu,
bảng tin, tranh cổ động… đã đem lại hiệu quả thiết thực trên khắp các
chiến trường.
Nhân tố chính trị - tinh thần trong Chiến dịch Điện
Biên Phủ được nuôi dưỡng, phát huy và nhân lên sức mạnh trên cơ sở phát
huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy xây dựng và phát triển lực
lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân làm nòng cốt; là tài sản tinh
thần vô giá, sức mạnh để làm nên chiến thắng. Chính điều đó đã tạo ra
thế trận đánh địch rộng khắp, đảm bảo mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi
làng, xã là một pháo đài, kết hợp chặt chẽ lực lượng vũ trang ba thứ
quân với đấu tranh cách mạng của Nhân dân. Đó là nghệ thuật lãnh đạo kết
hợp chiến tranh nhân dân với khoa học, nghệ thuật quân sự độc đáo và
phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng; được vận dụng mềm dẻo, linh
hoạt, sáng tạo, góp phần xây dựng và phát huy tối đa mọi tiềm năng, thế
mạnh, ý chí quyết tâm đánh giặc và thắng giặc của toàn dân tộc.
Nhân tố chính trị - tinh thần trong Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng góp phần minh chứng cho luận điểm của Lênin: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào trạng thái tinh thần của quần chúng…”
và khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Không một quân đội nào, khí
giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của cả dân tộc! Đó là ưu
thế của những người chiến đấu vì mục tiêu chính nghĩa và lý tưởng cao
cả, quyết giành độc lập dân tộc, hòa bình cho Tổ quốc trước đội quân xâm
lược, phi nghĩa. Ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần “quyết tử
cho Tổ quốc quyết sinh” đã được phát huy cao độ, góp phần tạo nên sức
mạnh tổng hợp to lớn, làm cho thế và lực của quân và dân ta trên chiến
trường không ngừng phát triển, giành ưu thế đập tan Tập đoàn cứ điểm
Điện Biên Phủ - “pháo đài không thể công phá”, biến nó thành nơi chôn
vùi quân Pháp xâm lược.

Nối
tiếp Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân tố chính trị - tinh thần của quân
và dân ta tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, hiệu quả trong cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước, tạo sức mạnh to lớn để “đánh cho Mỹ cút, đánh
cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày
nay, với những thành tựu từ công cuộc đổi mới đem lại đã góp phần củng
cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chế
độ. Bên cạnh mặt thuận lợi, các thế lực thù địch không ngừng đẩy mạnh
chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa”, với những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tác động tâm tư,
tình cảm của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân ta nhằm chia rẽ khối đại đoàn
kết toàn dân tộc. Chính vì thế, những bài học quý, nhất là bài học về
công tác tư tưởng nhằm phát huy nhân tố chính trị - tinh thần trong
Chiến dịch Điện Biên Phủ cần tiếp tục được vận dụng sáng tạo, hiệu quả
vào thực tiễn làm cho mọi tầng lớp nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác
cách mạng, tích cực góp phần giữ gìn, phát triển khối đại đoàn kết dân
tộc, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” của
các thế lực thù địch, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu của sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.
Hòa Bình