(TUAG)- Phát huy tinh thần và những giá trị của Cách mạng Tháng Tám,
kiên định mục tiêu, lí tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã
hội; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu
và hành động phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc
lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Cách
mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của
Nhân dân ta từ khi có Đảng, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử hàng
nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
nhấn mạnh: “Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội”.
Lịch sử đã chứng minh, thành công đó có được là nhờ một đảng tiên phong
thật sự cách mạng, tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, được tư tưởng Hồ Chí
Minh soi sáng đã nắm vững hoàn cảnh cụ thể của mỗi giai đoạn lịch sử, đề
ra đường lối cách mạng đúng đắn; biết nắm bắt thời cơ, xây dựng và tổ
chức lực lượng; phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để dẫn
dắt quần chúng đứng lên giành và giữ chính quyền.
Tinh thần quật
khởi, giá trị to lớn và những bài học quý của Cách mạng Tháng Tám vĩ
đại đã khơi nguồn, bồi đắp sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân
ta vững bước trên chặng đường mới, viết tiếp những trang sử hào hùng
trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thắng
lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954), cuộc kháng chiến chống
Mỹ (1954-1975), cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, cuộc
chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng
đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đúng
như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Mục đích kháng chiến là để
giữ lấy và phát triển những thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, tức là
hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ”[1].
Khi xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”[2]. Người đã đúc kết ngắn gọn, khúc triết về sự phát triển của các hình thái xã hội: “Lịch
sử của xã hội do người lao động tạo ra. Sự phát triển của lịch sử là
quy luật không ai ngăn trở được. Chế độ cộng sản nguyên thủy biến đổi
thành chế độ nô lệ. Chế độ nô lệ biến đổi thành chế độ phong kiến. Chế
độ phong kiến biến đổi thành chế độ tư bản chủ nghĩa. Chế độ tư bản chủ
nghĩa nhất định sẽ biến đổi thành chế độ xã hội chủ nghĩa. Một chế độ
này biến đổi thành một chế độ khác là cả một cuộc đấu tranh gay go, kịch
liệt và lâu dài giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái cũ và cái mới, giữa
cái thoái bộ và cái tiến bộ, giữa cái đang suy tàn và cái đang phát
triển. Kết quả là cái mới, cái đang tiến bộ nhất định thắng”[3].
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” vào năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Với
tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao
giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả
một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của
toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên
chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách
quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường
lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là
nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.
Thực hiện đúng lời dạy trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Toàn
Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt
Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và
góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”,
Đảng đã gương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội nhằm
đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào. Đảng đã vận
dụng, cụ thể hóa trong Cương lĩnh chính trị của Đảng năm 1991 và năm
2011 (bổ sung và phát triển) về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước
ta, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 5 năm và kế
hoạch hằng năm.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã giành được
những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt
chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây
dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa... Ngày
20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc. Tiếp đó, việc trở
thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào ngày
11/01/2007 là dấu mốc khẳng định sự thành công của công cuộc đổi mới và
phát triển, hội nhập ở mức độ toàn cầu của kinh tế Việt Nam.
Đến
nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia của
Liên hợp quốc thuộc tất cả các châu lục, trong đó, 17 đối tác chiến lược
(3 đối tác chiến lược toàn diện) và 13 đối tác toàn diện; có quan hệ
kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đang
là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai
trò quan trọng trong ASEAN và nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp
quốc. Năm 2020, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô nền kinh tế Việt Nam
đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Việt
Nam từng đảm nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp
quốc nhiệm kỳ 2008-2009, 2020-2021. Việt Nam cũng giữ chức Chủ tịch Hội
đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng 7/2008, 10/2009, 1/2020, 4/2021.
Việt Nam hiện là một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc
khóa 77 (nhiệm kỳ 2022-2023) đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình
Dương. Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho
Việt Nam sau quá trình dài đóng góp vào hòa bình, an ninh thế giới. Bên
cạnh đó, Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng được
thành lập vào năm 2013 và sau đó nâng cấp thành Cục Gìn giữ hòa bình
Việt Nam vào năm 2018. Thời gian qua, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tham gia
hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Sudan và Cộng
hòa Trung Phi.
Công cuộc đổi mới có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong thời kỳ
mới, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp
với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Đại hội
toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu phát triển đất nước đến
năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025,
kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là
nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức
thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng:
Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình
cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Kỷ
niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2022) và Quốc khánh
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022) là dịp
toàn Ðảng, toàn Dân, toàn Quân ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân
tộc, nhìn lại chặng đường chiến đấu, xây dựng và phát triển đất nước,
nhận thức sâu sắc hơn những giá trị bài học kinh nghiệm quý của chặng
đường đã qua để hun đúc ý chí, quyết tâm xây dựng nước Việt Nam giàu
mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.
Hòa Bình
__________
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 337.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 438.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 20.