Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính trị

Chào mừng quý vị đến với Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang!
Chính trị
Thứ 4, Ngày 01/09/2021, 16:15
Tuyên ngôn độc lập - áng văn lập quốc vĩ đại
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
01/09/2021 | TTCTTT

(TUAG)- Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam và ý nghĩa thời đại sâu sắc.

Tuyenngondoclap-vn.jpg

Sau khi khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập tại nhà số 48 phố Hàng Ngang. Sau này nhớ lại, Người coi những giờ phút viết Tuyên ngôn Độc lập là những giờ phút sung sướng nhất trong sự nghiệp cách mạng của mình. Đó là kết tinh ý chí tự lực, tự cường, khát vọng của dân tộc, đồng thời kế thừa và phát triển những giá trị tiến bộ của nhân loại.

Khẳng định lẽ phải không ai chối cãi được

Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn lập quốc vĩ đại, kiệt tác thể hiện sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập, tự do và hạnh phúc cho Nhân dân. Mở đầu Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ do Thomas Jefferson soạn thảo và công bố ngày 04-7-1776, rằng: "Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"[1]. Người tiếp tục đề cập tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Pháp: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi"[2]. Khi nhắc lại hai áng văn bất hủ ấy, cũng là hai giá trị nhân loại đã đạt được trong tiến trình phát triển của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nhấn mạnh rằng, sự nghiệp cách mạng của Việt Nam, dù là một quốc gia nhỏ bé, lạc hậu nhưng xứng đáng là một tiến trình của sự phát triển, là sự tiếp nối, kế thừa và mang một ý nghĩa to lớn của thời đại.

Từ việc đề cập đến quyền của con người như một tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo phát triển sáng tạo, đưa ra một luận đề không thể bác bỏ về quyền của các dân tộc: "Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"[3].

Tố cáo và lên án mạnh mẽ chính sách áp bức của chủ nghĩa thực dân đối với dân tộc Việt Nam

Quyền độc lập dân tộc, quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc là những giá trị cơ bản nhất của nhân quyền. Nhưng dưới chế độ thực dân, phong kiến ở Việt Nam, những quyền đó bị tước bỏ và chà đạp.

Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án đanh thép tội ác của thực dân Pháp: "Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa"[4].

Chính sách cai trị của chủ nghĩa thực dân đã thể hiện bản chất tàn bạo, phản động của chủ nghĩa đế quốc đối với các dân tộc nhỏ yếu bị cai trị và nô dịch. Đấu tranh chống đế quốc, thực dân để tự giải phóng là yêu cầu tự thân, sống còn để bảo vệ quyền sống chính đáng và quyền tự quyết của dân tộc. Cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam do Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã giành thắng lợi, với ý chí quật cường "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Vì thế, Tuyên ngôn không chỉ có ý nghĩa với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc.

Tuyenngondoclap-vn3.jpeg

Khẳng định giá trị hiện thực và cơ sở pháp lý của nước Việt Nam độc lập

Tuyên ngôn nêu rõ: "Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó, dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó, dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói"[3]. Ngày 09-3-1945, Nhật đảo chính, tước vũ khí quân đội Pháp, quân Pháp hoặc bỏ chạy hoặc đầu hàng. Khi Nhật đầu hàng Đồng minh, thời cơ Tổng khởi nghĩa đã đến, Nhân dân cả nước Việt Nam đã nổi dậy giành chính quyền. "Sự thực là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam tự tay Nhật, chứ không phải tự tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa"[4].

Bên cạnh đó, chủ quyền dân tộc Việt Nam được xác lập từ cuộc đấu tranh lâu dài chống thực dân, phát-xít và được bảo đảm bởi những cam kết quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Vì những lẽ trên, chúng tôi - Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy"[5].

Lời thề độc lập sống mãi ngàn năm   

Với lập luận chặt chẽ, sắc bén, lời lẽ đanh thép, đầy sức thuyết phục, gói gọn trong 1.025 từ, Tuyên ngôn Độc lập là một áng hùng văn lập quốc vĩ đại, có thể sánh với những áng hùng văn của các bậc tiền nhân như bài thơ Thần "Nam Quốc Sơn Hà" của Lý Thường Kiệt, "Hịch tướng sĩ" của Trần Quốc Tuấn hay "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi. Tuyên ngôn là sự kết tinh khát vọng độc lập mấy nghìn năm của dân tộc và cũng tỏ rõ ý chí, quyết tâm giữ vững quyền tự do, độc lập, xứng đáng được xếp vào hàng "thiên cổ hùng văn" của dân tộc ta.

Thực hiện lời thề độc lập, dân tộc Việt Nam do Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã anh dũng chiến đấu suốt 30 năm chống sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với tinh thần "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".

Ngày nay, chủ nghĩa thực dân - một vết nhơ và nỗi đau của lịch sử nhân loại - đã bị xóa bỏ. Các quốc gia, dân tộc trên thế giới đang tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, hợp tác cùng phát triển trong hòa bình và tình thân hữu. Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ vẫn tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hoà bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. 

Trong lịch sử, dân tộc Việt Nam phải chống lại nhiều thế lực xâm lược hùng mạnh và tàn bạo để bảo vệ quyền độc lập thiêng liêng. Hơn ai hết, người Việt Nam hiểu rõ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, trọng sự hòa hiếu, luôn luôn mong muốn là bạn với tất cả các nước trên thế giới, nhưng quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc với lời thề bất hủ: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy"./.


NGUYỄN HỮU THỊNH

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

_____________

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.1

[2] Sđd, tr.1

[3] Sđd, tr.1

[4] Sđd, tr.2

[5] Sđd, tr.3



Lượt người xem:  Views:   9426
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật (click)

Tác giả

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin nổi bật

Phân loại

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by