(TUAG)- Lâu nay, cứ vào dịp đất nước ta kỷ niệm ngày Cách mạng
Tháng Tám năm 1945 (CMTT) thành công, một số người thiếu thiện chí, cơ
hội lại nêu lên quan điểm mang tính chất xuyên tạc, sai trái rằng thắng
lợi của CMTT ở Việt Nam là “một sự ăn may”. Để chứng minh cho “sự ăn
may” này, họ cho rằng từ sau cuộc đảo chính của Nhật (09/3/1945), Đông
Dương không còn là thuộc địa của Pháp mà là thuộc địa của
Nhật. Không lâu sau, phát xít Nhật đã bị thất bại thảm hại trước quân
đồng minh và tuyên bố đầu hàng vô điều kiện (14/8/1945), như vậy ở Đông
Dương xuất hiện “khoảng trống quyền lực”, cho nên chỉ cần nổ ra cách
mạng là giành thắng lợi.

Thực
chất quan điểm của họ là nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sức
mạnh của quần chúng và đi đến phủ nhận sự nghiệp đấu tranh cách mạng vĩ
đại của Nhân dân ta. Trước những luận điệu này, cần phải hết sức tỉnh
táo nhận thức rõ việc lịch sử đã chứng minh CMTT là đỉnh cao của cuộc
đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc mà dân tộc Việt Nam đã bền
bỉ, anh dũng tiến hành liên tục trong suốt thời gian gần 100 năm đô hộ
của thực dân, phát xít, trong đó nhân tố quyết định là sự lãnh đạo của
Đảng, là việc Đảng ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của khối đại
đoàn kết toàn dân tộc và dự đoán thời cơ chính xác, chớp thời cơ kịp
thời để phát động tổng khởi nghĩa thành công.
Cục diện chiến
tranh thế giới thứ hai (1939-1945) thay đổi nhanh chóng, đã tác động rất
lớn đến tình hình Việt Nam. Đầu năm 1940, chính quyền Pháp sau khi thất
trận ở châu Âu đã đầu hàng và để phát xít Nhật vào chiếm đóng Đông
Dương. Đầu năm 1945, quân Nhật bắt đầu thua trận ở Thái Bình Dương,
chính quyền Pháp tại Đông Dương lại bắt đầu có ý đồ trở cờ chống lại
Nhật, tướng Đờ Gôn tìm cách bí mật gây dựng một lực lượng nhằm sẵn sàng
lấy lại “miếng mồi ngon” khi có cơ hội. Thời điểm phát xít Nhật đầu hàng
quân đồng minh, lực lượng quân sự của chúng ở Việt Nam vẫn rất mạnh,
với khoảng 100.000 quân, vũ khí được trang bị đầy đủ, tinh thần tuy bị
sa sút không còn ý chí chiến đấu nhưng lính Nhật vẫn sẵn sàng tuân lệnh
từ cấp trên. Trong khi đó Việt Nam là “mắt xích” quan trọng tại Đông Nam
Á nên Nhật, Pháp quyết giữ bằng được và giành sức ảnh hưởng, hòng cứu
vớt danh dự.
Trong sự tính toán, mưu toan của các nước lớn sau
Hội nghị Posdam (tháng 7/1945) lực lượng đồng minh sẽ đưa quân vào Đông
Dương để giải giáp quân Nhật. Đến ngày 31/8/1945, một đơn vị tiền trạm
của Anh tới Sài Gòn, sau đó là 2.500 quân Anh đến sân bay Tân Sơn Nhất,
bám gót quân Anh, 2 tiểu đoàn biệt kích của Pháp đổ bộ vào miền Nam. Như
vậy, ở nước ta chưa bao giờ có “khoảng trống” nào hết, lúc bấy giờ rõ
ràng có rất nhiều lực lượng hiếu chiến sẵn sàng giương súng.
Các
phong trào chống thực dân, phát xít ở trong nước phát triển liên tục,
giai đoạn sau là bước kế thừa phát triển cao hơn giai đoạn trước và đạt
đến đỉnh cao nhất vào thời kỳ 1939-1945. Đường lối lãnh đạo đúng đắn của
Đảng Cộng sản Đông Dương (ĐCSĐD) được xác định từ Hội nghị Trung ương
tháng 11/1939 và hoàn chỉnh căn bản trong Hội nghị Trung ương tháng
5/1941. Đảng nhấn mạnh chỉ có thực lực của chúng ta mới quyết định được
sự thắng lợi của cuộc đấu tranh cách mạng, nếu không sẽ trở thành công
cụ trong tay kẻ khác: “Nhất là đừng có ảo tưởng rằng quân Trung Quốc và
quân Anh - Mỹ sẽ mang lại tự do cho ta. Không, trong cuộc chiến đấu giải
phóng cho ta, cố nhiên là phải kiếm bạn đồng minh dầu rằng tạm thời,
bấp bênh, có điều kiện, nhưng công việc của ta trước hết ta phải làm
lấy”. Bằng tư duy chiến lược sắc bén, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã sớm đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với điều
kiện, hoàn cảnh lịch sử Việt Nam, đã quyết định giương cao ngọn cờ dân
tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh (MTVM) với đường lối vận động quần
chúng linh hoạt, sáng tạo làm cơ sở cho sự quy tụ sức mạnh vùng lên của
toàn dân tộc.
Thắng lợi của cuộc CMTT không phải là một cơ may,
một sự tình cờ do kết quả của việc xuất hiện một “khoảng trống quyền
lực”. Nếu có xuất hiện một “khoảng trống quyền lực” như vậy, điều kiện
đó cũng mở ra cơ hội như nhau trên toàn bán đảo Đông Dương; nhưng trên
thực tế, cách mạng chỉ nổ ra ở Việt Nam, trong khi đó ở Campuchia, Lào
lại không có quá trình lịch sử tương tự. Thêm nữa, ngay tại Việt Nam, cơ
hội cũng mở ra thời cơ như nhau cho nhiều chính đảng và giáo phái,
nhưng cuối cùng chỉ có lực lượng cách mạng do ĐCSĐD và MTVM lãnh đạo mới
đủ sức chớp thời cơ và giành chính quyền trên quy mô toàn quốc. Những
yếu tố chủ quan và bên trong, trong đó nổi bật vai trò lãnh đạo và tổ
chức của ĐCSĐD và MTVM, mới thực sự là những yếu tố quyết định nhất đối
với thắng lợi của cuộc CMTT.
Thắng lợi của CMTT đã chứng minh
rằng Đảng và Nhân dân ta đã có sự chuẩn bị lâu dài, chu đáo. Đó là cuộc
chuẩn bị suốt 15 năm kể từ khi Đảng ra đời, các chiến lược, sách lược
được xây dựng từng bước thận trọng, được kiểm nghiệm, đánh giá qua các
phong trào. Thắng lợi này đã xoá bỏ chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn
năm ở nước ta, kết thúc gần 90 năm bị thực dân đô hộ, đưa nước ta bước
vào một kỷ nguyên mới từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một
nước tự do, độc lập./.
Sự Thật