(TUAG)- Dân tộc ta từ xa xưa đã có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Trong dân gian nghìn đời lưu truyền câu tục ngữ: “Không thầy đố mày làm nên”. Các danh sư luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo dựng “nguyên khí” quốc gia. Điều đó được tổng kết trong luận điểm “Lương sư hưng quốc”…

Tiêu biểu cho những lão sư đáng kính trong lịch sử dân tộc là Nhà giáo Chu Văn An - người được đề cao là “vạn thế sư biểu”. Ông nổi tiếng là người rất chính trực và không ham thích việc quan trường. Đích thân Vua Trần Minh Tông mời ông đến dạy tại Quốc Tử Giám và làm thầy riêng cho thái tử Trần Vượng, tức vua Trần Hiến Tông sau này. Ông từng dâng “Thất trảm sớ”, yêu cầu vua Trần Dụ Tông chém đầu bảy tên gian thần, song bị vua từ chối. Ông cáo lão, về quê dạy học. Trần Nguyên Đán - ông ngoại Danh thần Nguyễn Trãi đánh giá: Nhờ có Chu Văn An mà “bể học xoay làn sóng, phong tục trở lại thuần hậu”.
Đến thế kỷ XVI có Nguyễn Bỉnh Khiêm là một danh nhân văn hóa, một nhà thơ lớn, một bậc hiền triết, một nhà tiên tri đại tài và cũng là một bậc sư biểu được đời đời tôn vinh, ngưỡng mộ. Thầy có hơn 40 năm dạy học, học trò có nhiều người là nhân tài xuất chúng như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ… Thầy được suy tôn là “Tuyết Giang phu tử”…
Tiếp đến thế kỷ XVIII có Lê Quý Đôn từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, chăm học. Sau khi đỗ đạt, được bổ làm quan và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng. Ông là người học rộng, tài cao, am thông nhiều lĩnh vực như: Khoa học tự nhiên, địa lý, khoa học xã hội, văn chương, sử học,… Ông cũng từng mở trường dạy học, phụ trách các kỳ thi, lo lắng quan tâm tới việc đào tạo và tuyển dụng các nhân tài. Khác với nhiều nho sĩ cùng thời, thầy Lê Quý Đôn có những quan niệm giáo dục rất tiến bộ; mạnh dạn phê phán sự học đương thời: “Cái học ấy làm cho lời bàn luận sáng suốt bẵng đi, thói cầu cạnh mỗi ngày một thịnh. Người có chức vị ít giữ được phong độ thanh liêm, nhún nhường, trong triều đình không nghe có lời can gián. Gặp có việc thì rụt rè, cẩu thả, thấy lúc nguy thì bán nước để toàn thân, dẫu người gọi là bậc danh nho, cũng đều yên tâm nhận sủng vinh phi nghĩa. Rồi nào thơ, nào ca, trao đổi khoe khoang tán tụng lẫn nhau, tập tục sĩ phu thối nát đến thế là cùng, tệ hại biến đổi lần này không thể nào nói cho xiết được” (Kiến văn tiểu lục). Thầy nhấn mạnh yêu cầu học hành phải có óc suy luận, không chỉ phụ thuộc vào sách vở: “Sách không hết lời, lời không hết ý… Phải hiểu ngầm ý của thánh nhân ở ngoài lời sách mới được”. (Dịch kinh phu thuyết). Thầy luôn khuyến học: “Dù ngu dốt đến đâu, cũng nên kính giấy, tiếc chữ, dù keo bẩn đến đâu cũng tìm mua sách vở”. Thầy còn khuyên răn “biết học thì không thể biện lẽ thiếu thì giờ”…
Từ sau Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, kế thừa các truyền thống quý báu của dân tộc, Đảng ta luôn đề cao nhiệm vụ giáo dục; luôn quan tâm xây dựng đội ngũ thầy, cô giáo “vừa hồng, vừa chuyên”. Trước lúc ra đi, trong “Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới”, đăng trên Báo Nhân Dân, số ra ngày 16/10/1968, Bác căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Kể từ đó, biết bao thầy, cô giáo đã tận tâm, tận lực giáo dục, đào tạo ra lớp lớp học sinh, sinh viên luôn hăng hái đi đầu trên tất cả các mặt trận chiến đấu, lao động sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, nghiên cứu khoa học… trực tiếp góp phần giải phóng dân tộc, đưa đất nước từng bước vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu…

Việt Nam hiện được xếp vào tốp 10 hệ thống giáo dục đổi mới hàng đầu của thế giới (theo báo cáo “Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương” năm 2018 của Ngân hàng Thế giới). Trong các Chương trình đánh giá học sinh quốc tế, lứa tuổi 15 (PISA), học sinh nước ta đều vượt qua mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Các đội tuyển Olympic quốc tế đều đạt thứ hạng cao (năm 2019, với 15 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 7 huy chương đồng, đoàn học sinh Việt Nam nằm ở tốp đầu tại kỳ thi Olympic Toán học và khoa học quốc tế; tăng 13 bậc so với kỳ thi 2018)… Ở bậc đại học, tính đến cuối năm 2020, 7 trường đại học được công nhận bởi tổ chức đánh giá, kiểm định quốc tế (HCERES, AUN-QA). 195 chương trình đào tạo của 32 trường được đánh giá, công nhận theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử, hai đại học của Việt Nam, là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vào danh sách 1.000 trường hàng đầu thế giới của Tổ chức Quacquarelli Symonds (Anh). Việt Nam còn được xép thứ 49 thế giới về số lượng báo khoa học công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín... Thành tựu về giáo dục trước hết do công lao của đội ngũ thầy, cô giáo. Điều cần nhấn mạnh là quý thầy, cô giáo đã vượt lên khó khăn, vượt lên chính mình để ngành giáo dục đào tạo có được tiến bộ toàn diện, nhiều mặt, rõ ràng và vững chắc.
Đất nước ta đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao…
Muốn đạt được mục tiêu cực kỳ to lớn đó: Mọi người Việt Nam - trong đó đội ngũ trí thức, các thầy giáo, cô giáo phải phấn đấu cao hơn nữa, đoàn kết chặt chẽ hơn nữa; đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng,… Thật sự đổi mới khoa học - công nghệ gắn với đổi mới giáo dục - đào tạo nhằm có được những nguồn lực tốt nhất, trước nhất là nhân lực đảm bảo đủ sức tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.
Vinh quang đời đời thuộc về những “Kỹ sư tâm hồn” trực tiếp kiến tạo nên “nguyên khí” quốc gia!
Trung Thành