(TUAG)- Cách đây 70 năm (1954 - 2024) chiến dịch Điện
Biên Phủ kết thúc thắng lợi và trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc,
mở ra một trang mới không chỉ đối với Việt Nam mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến sự
phát triển của nhân loại với sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân cũ, điều đó đã
được cả thế giới ghi nhận, đánh giá cao. 70 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa và tầm
vóc của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị đối với dân tộc Việt
Nam và cả nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Các chiến sĩ tích cực tập luyện để chuẩn bị tham gia diễu binh, diễu
hành tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 -
7/5/2024).
Năm 2018, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ
tướng Cộng hòa Pháp Édouard Philippe đã đến
thăm Điện Biên Phủ, đây là nguyên thủ thứ hai của Pháp thăm lại chiến trường
xưa, là nơi chứng kiến chiến thắng lịch sử của quân và dân ta. Trả lời báo chí
về chuyến thăm, Thủ tướng Pháp đã nói rằng: “Trận chiến cuối cùng ở Điện Biên
Phủ là một trong những trận chiến khó khăn nhất và mang tính biểu tượng nhất của
cuộc chiến. Nó đánh dấu việc Việt Nam dành được nền độc lập hoàn toàn”. Đó là
tâm sự chân thành và thiện chí bởi chúng ta cần khép lại quá khứ để hướng tới
tương lai nhưng điều đó không có nghĩa là để lịch sử bị lãng quên. Nhắc tới quá
khứ, tiếp thu các bài học có ý nghĩa lịch sử sẽ cho phép chúng ta có cách tiếp
cận khách quan, góp phần thúc đẩy quan hệ trong hiện tại và tương lai để những
ký ức đau thương về chiến tranh không bao giờ lập lại.
Ý nghĩa vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ đã được cả
thế giới khẳng định nhưng các thế lực thù địch và một số kẻ thiếu thiện chí vẫn
cố tình mọi cách hạ thấp ý nghĩa của sự kiện, xuyên tạc bản chất, tính chính
nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Chúng cố tình
cho rằng nếu không có sự giúp đỡ của nước ngoài thì Việt Nam không thể chiến thắng.
Trước hết, cần khẳng định trong những năm cuối của cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là trước và trong chiến dịch Điện Biên Phủ
quân và dân Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ quan trọng của Liên Xô, Trung Quốc....
Chúng ta luôn ghi nhớ và không bao giờ quên sự giúp đỡ đó. Tuy nhiên, xét từ bất
cứ phương diện nào, mọi sự giúp đỡ dù lớn đến đâu cũng không thể giúp cho sự
nghiệp cứu nước của một dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng nếu bản chất của sự
nghiệp đó không mang đến tính chính nghĩa, thiếu tinh thần tự chủ, thiếu đường
lối chính trị đúng đắn và bản lĩnh chính trị vững vàng, thiếu sách lược quân sự
sáng tạo và hiệu quả, không thể phát huy được toàn bộ sức mạnh vật chất và tinh
thần của toàn dân tộc. Đây là các nguyên tắc có tính sống còn, nguồn gốc nguyên
nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Minh chứng về việc được viện trợ nhiều nhưng vẫn thất
bại là sau chiến thắng Điện Biên Phủ 15 năm, Mỹ đã có chiến lược “Việt Nam hóa
chiến tranh” cùng các khoản viện trợ quân sự khổng lồ cho chế độ ngụy quyền Sài
Gòn với nhiều vũ khí, trang thiết bị vượt trội so với Quân đội nhân dân Việt
Nam nhưng cuối cùng vẫn phải chấp nhận thất bại và sụp đổ. Bài học đó chắc chắn
các thế lực phản động, thù địch vẫn chưa thể quên.
Nhà báo Pháp Giuyn Roa khẳng định: “Không phải viện trợ
của nước ngoài đã đánh bại Na-va mà chính là những chiếc xe đạp Peugeot thồ
200, 300 kg hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ
thì nằm ngay dưới đất trải tấm nilông. Cái đã đánh bại tướng Na-va không phải bởi
các phương tiện mà là sự thông minh và ý chí của đối phương”. Tướng Bi-gia, chỉ
huy quân dù trong chiến dịch Điện Biên Phủ tỏ ra kính trọng khi nhắc đến bộ đội
Việt Minh: “Những con người dẻo dai, có khả năng vận động năm bảy chục cây số
trong đêm trên những đôi giày vải và chỉ với 1 bát cơm lót dạ, để rồi vào trận,
vừa hát vừa xung phong. Trong tiềm thức của tôi, bộ đội Việt Minh trở thành những
người lính xuất chúng. Họ đã đánh bại chúng ta”.

Vượt qua bom đạn của kẻ thù, vượt qua những điều kiện
khắc nghiệt của tự nhiên, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng đã có hơn 25.000 tấn
gạo, hơn 900 tấn thịt, gần 1.800 tấn xăng dầu, gần 31.000 tấn vũ khí đạn dược
được quân và dân cả nước vận chuyển tới mặt trận Điện Biên Phủ cho bộ đội để
góp phần vào thắng lợi lịch sử cuối cùng. Kỳ tích đó nằm ngoài suy nghĩ của những
người thường lấy vũ khí luận làm cơ sở giải quyết chiến tranh, nằm ngoài suy
nghĩ của những kẻ chỉ sống với tâm thế tay sai tôn sùng viện trợ của nước ngoài
mà không thể tự đứng trên đôi chân của mình và trên hết là chưa bao giờ nhận được
sự đồng lòng, ủng hộ toàn tâm toàn ý của dân tộc. Như Cố đại tá Jacques
Allaire, sĩ quan Pháp từng tham chiến ở Điện Biên Phủ nhận định: “Tôi biết nhiều
người trong quân đội Bảo Đại. Họ không có động lực và quyết tâm nào cả, họ
không đại diện cho ước nguyện của người dân Việt Nam và không dám hi sinh mạng
sống vì Tổ quốc. Trong khi đó, bộ đội Việt Minh là những người lính thực thụ với
quyết tâm, lòng dũng cảm và đạo đức” và Tướng De
Castries, người chỉ huy trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau khi thất bại
trở về Pháp, đã trả lời trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp rằng: “Người
ta có thể đánh bại 1 quân đội chứ không thể đánh bại 1 dân tộc”.
Việt Nam ngày nay đã có những bước phát triển vượt bậc
về mọi mặt. Vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra nhiều nhiệm vụ và thách thức mới
đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục nỗ lực để xây dựng đất nước
phát triển bền vững. Chiến thắng Điện Biên Phủ - mốc son chói lọi trong lịch sử
dân tộc Việt Nam vẫn vẹn nguyên giá trị, là yếu tố quan trọng góp phần phát triển
lòng tự hào dân tộc của thế hệ hôm nay và mai sau, tiếp bước cha ông dựng xây Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
N.T.K.T