(TUAG)- Hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là
lực lượng tiên phong, nhiều thế hệ đảng viên và cán bộ đã anh dũng hy sinh vì
cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất
nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ; vị thế, uy tín của Việt Nam ngày
càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Nhưng do lòng thâm thù mù quáng, một số người tự đánh
mất lương tri, luôn tìm mọi cách phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Mới đây,
trên trang “Quyenduocbiet.com”, Nguyên Anh tiếp tục có bài xiên xỏ “Vì sao phải
bảo vệ Đảng như bảo vệ con ngươi trong mắt mình?!”. Hắn trắng trợn xuyên tạc: Đảng
“là người cai trị, còn dân tộc là kẻ bị trị”; Đảng “là băng đảng của những kẻ
vô loại, … lưu manh”, “độc tài phi nhân”... Cùng một giọng điệu đó, trên trang
“Thông luận”, Trần Khánh Ân cũng bịa ra câu chuyện “Thế giới đang đoạn tuyệt với
Việt Nam”, “Đảng Cộng sản hãy mở mắt và chấp nhận sinh hoạt dân chủ”.
“Cho tới ngày hôm nay, Việt Nam là một dân tộc không đáng kể đối với thế giới
dù chúng ta tương đối thông minh và cần mẫn. Tới bây giờ, chúng ta không có sản
phẩm nào được thế giới biết đến ngoại trừ vài món như bánh chưng, giò, chả, phở,
nem…”.
Không như họ nói: Từ một quốc gia nghèo đói, bị chiến tranh
tàn phá nặng nề, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có chỉ số
phát triển con người khá cao so với mức độ phát triển kinh tế. Và theo kết quả của cuộc khảo sát Expat Insider 2022, trong
danh sách nơi đáng sống nhất cho người nước ngoài, Việt Nam được xếp thứ 7/52,
tăng ba bậc so với năm 2021 (Đây là cuộc khảo sát do
InterNations, cộng đồng người nước ngoài lớn nhất thế giới tiến hành). Kết quả
khảo sát còn chỉ rõ 84% cho biết họ hài lòng với cuộc sống ở Việt Nam. Đặc biệt
có 71% số người cảm giác sống ở Việt Nam thoải mái như là ở nhà của mình).
Trong một cuộc Hội thảo tổ chức tại Liên Bang Nga, nhiều
quan chức, chuyên gia và học giả quốc tế cùng nhận định: Sự lãnh đạo đúng đắn của
Đảng Cộng sản Việt Nam là nền móng và là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng
lợi, lập nên nhiều kỳ tích… Ngày nay, nói đến Việt Nam không chỉ là nói đến tấm
gương yêu nước, bề dày truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm để giành độc lập
và tự do, mà phải kể đến những thành công của Việt Nam trên con đường xây dựng
và phát triển đất nước, với vai trò và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Nhiều nhà nghiên cứu khác đã chỉ ra những thành tựu nổi
bật của chính sách đối
ngoại dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giám
đốc Trung tâm ASEAN trực thuộc Đại học Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO) Ekaterina
Koldunova nêu bật những thành tựu của chính sách cân bằng trong quá trình Việt
Nam hội nhập vào hệ thống quốc tế, cũng như cách thức mà ban lãnh đạo đất nước
đã hóa giải những thách thức mới nảy sinh trong chặng đường này. Phó Giáo sư Pyotr
Tsvetov, Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao Liên bang Nga xác định Việt
Nam ngày càng củng cố vị thế trên trường quốc tế do kiên trì chính sách đa dạng
hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế. Trên trang mạng của Tổ chức Nghiên cứu
Quốc tế Vivekananda (Ấn Độ), những thành tựu Việt Nam đạt được "phản ánh một
thực tế rằng, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng có thể vượt qua rất nhiều
thách thức trong chặng đường phát triển".
Trong dịp Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều
hãng truyền thông quốc tế lớn như AP, Reuters, Bloomberg, Global Times... cùng
đưa tin đề cao thành công về kinh tế và ứng phó với đại dịch COVID-19 ở nước
ta. Global Times ca ngợi Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trở thành
hình mẫu của thế giới về phòng chống đại dịch và là điểm sáng của phát triển
kinh tế khu vực châu Á.
Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển
Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh: Việt Nam ứng
phó thành công đại dịch COVID-19 là một câu chuyện truyền cảm hứng, trong đó
tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn kết xã hội là chìa khóa thành
công. Trang Times of India thì cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã chủ động bảo vệ
người dân trước dịch bệnh thông qua việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về dịch
bệnh và quyền được tiếp cận điều trị COVID-19 cho tất cả mọi người. Nhà báo
chuyên về chính trị Đông Nam Á David Hutt trên đài BBC News đã nói: Đảng Cộng sản
Việt Nam đã hành động có trách nhiệm và đặt người dân lên làm mối quan tâm hàng
đầu. Trang liberationnews.org của Hoa Kỳ thừa nhận: Một chính phủ xã hội chủ
nghĩa đặt người dân lên trên lợi ích kinh tế…
Từ một đất nước bị bao vây cấm vận, Việt Nam đang có
quan hệ kinh tế với 160 nước và 70 vùng lãnh thổ, đã ở trong tốp 20 nền thương
mại hàng hóa lớn nhất thế giới, đã ký hơn 500 hiệp định song phương và đa phương
trên nhiều lĩnh vực. Nếu năm 2006, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước chỉ ở
mức 84,7 tỷ USD thì đến năm 2021, đã tăng lên 668,5 tỷ USD (Trong đó có nhiều mặt
hàng có giá trị xuất khẩu cao như: Điện thoại và linh kiện 52 tỷ USD, máy vi
tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 45 tỷ UDD, máy móc, thiết bị khác gần 33 tỷ
USD, dệt may, giầy dép gần 45 tỷ USD…). Ông Hiroyuki Moribe, Giám đốc điều hành
Viện nghiên cứu Kinh tế Việt Nam (VERI) của Nhật Bản khẳng định: “Dưới góc nhìn
của người dân Nhật Bản, thành công của Việt Nam là rất thần kỳ… Việt Nam đã để
lại ấn tượng trong cộng đồng quốc tế là đất nước an toàn, tiềm năng kinh tế lớn…”.
Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước
với 30 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện;… Năm 2015, Hoa Kỳ
đón tiếp trọng thị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự “tôn trọng đầy đủ”
thể chế chính trị của Việt Nam và vai trò lãnh đạo toàn diện đất nước của Đảng
ta. Ông Kerry, cựu ngoại trưởng Mỹ, cho biết Tổng thống
Biden rất muốn sang thăm Việt Nam trong năm 2022.
Nước ta từng được bầu là thành viên của Hội đồng nhân
quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 và đã được các nước ASEAN đồng thuận đề
cử là ứng cử viên của ASEAN tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền
Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Ở Việt Nam, Nhân
dân luôn là trung tâm, là chủ thể của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mọi
chủ trương, chính sách luôn xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp
của Nhân dân./.
Trung Thành