Nhìn lại lịch sử, trong nghị quyết số 44/236 (ngày 22/12/1989), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã lấy ngày thứ tư thứ hai của tháng 10 làm Ngày Quốc tế Giảm nhẹ thiên tai với tư cách là một phần của tuyên bố về Thập kỷ Quốc tế Giảm nhẹ thiên tai (1990 – 1999).

Vào năm 2002, bằng một nghị quyết khác, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã quyết định duy trì việc tổ chức ngày này hàng năm như một phương tiện để thúc đẩy văn hóa toàn cầu về giảm nhẹ thiên tai, trong đó có giảm thiểu và phòng ngừa.

Nghị quyết 64/200 ngày 21/12 năm/2009, Đại hội đồng LHQ quyết định lấy ngày 13 tháng 10 hàng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Giảm nhẹ thiên tai. Đây là dịp để nâng cao nhận thức của cộng đồng về những biện pháp cần thiết phải áp dụng để giảm thiểu các nguy cơ có thể gặp phải trong trường hợp xảy ra thiên tai cũng như khuyến khích mọi công dân và chính phủ tham gia xây dựng cộng đồng và đất nước có khả năng chống chọi thiên tai tốt hơn. ASEAN cũng lấy ngày này là ngày Quản lý thiên tai ASEAN để kêu gọi mọi người và cộng đồng trên toàn thế giới nâng cao nhận thức và giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra.


Trong vòng 20 năm qua, thế giới đã hứng chịu 7.348 thảm họa thiên tai  (Ảnh: Getty Images)

Ngày Quốc tế Giảm nhẹ thiên tai năm nay có chủ đề "Quản lý rủi ro thiên tai". Nhân dịp này, ngày 12/10, Văn phòng giảm thiểu rủi ro thiên tai của LHQ đã đưa ra báo cáo về tình hình thảm họa thiên tai trên toàn cầu. Báo cáo chỉ ra rằng, trong vòng 20 năm qua, các thảm họa liên quan đến thời tiết có sự gia tăng đột biến, với số lượng các thảm họa thiên tai được báo cáo đã tăng từ hơn 4.000 trong giai đoạn 1980-1999 lên 7.348 trong giai đoạn 2000-2019.

Các thảm họa thiên tai trong vòng 20 năm qua đã cướp đi sinh mạng của 1,23 triệu người, ảnh hưởng đến 4,2 tỷ người trên khắp thế giới - nhiều người trong số đó đã phải hứng chịu thiên tai nhiều hơn một lần.

Báo cáo của LHQ cũng chỉ ra rằng, các thảm họa thiên tai đã dẫn đến thiệt hại kinh tế toàn cầu khoảng 2,97 nghìn tỷ USD. Trong hai thập kỷ trước đó, từ 1980 đến 1999, có 4.212 thảm họa có liên quan đến thiên tai trên toàn thế giới, cướp đi sinh mạng của khoảng 1,19 triệu người, ảnh hưởng đến 3,25 tỷ người, dẫn đến thiệt hại kinh tế khoảng 1,63 nghìn tỷ USD. Mức độ thiên tai tăng lên được lý giải là do sự gia tăng các thảm họa liên quan đến khí hậu, bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan tăng từ 3.656 trong giai đoạn 1980-1999 lên 6.681 thảm họa liên quan đến khí hậu trong giai đoạn 2000-2019. Trong đó, lũ lụt chiếm tới hơn 40% các thảm họa, làm ảnh hưởng đến 1,65 tỷ người, bão (28%), động đất (8%) và nhiệt độ khắc nghiệt (6%).

Bà Mami Mizutori, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về giảm thiểu rủi ro thiên tai cho rằng, sự gia tăng gấp đôi các hiện tượng thời tiết cực đoan trong vòng 20 năm qua cho thấy sự cần thiết phải có một cách tiếp cận mới để quản lý rủi ro thiên tai nếu thế giới muốn hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Bà nhấn mạnh: "Chúng ta có thể tự cô lập mình khỏi COVID-19, bằng cách này hay cách khác, nhưng chúng ta không thể tự cô lập mình khỏi những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này do nhiệt độ tăng cao, ngay cả ở các nước phát triển, chứ chưa nói đến các nước đang phát triển".

Theo bà, mặc dù thực tế là các hiện tượng thời tiết cực đoan đã trở nên quá thường xuyên trong 20 năm qua, nhưng chỉ có 93 quốc gia thực hiện các chiến lược giảm thiểu rủi ro thiên tai ở cấp quốc gia trước thời hạn cuối năm nay./.

Kiều Giang
Nguồn: ĐCSVN